Khi một người bị mất giấy đăng ký kết hôn bản chính thì tùy từng trường hợp sẽ được cơ quan chức năng cấp lại cho bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc bản sao trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Vậy mẫu đơn xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc mới nhất như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc:
Được quy định trong phụ lục 5 được ban hành kèm theo
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ LẠI KẾT HÔN
Kính gửi:….
Họ, chữ đệm, tên người yêu cầu:…..
Nơi cư trú:…
Giấy tờ tùy thân:…
Đề nghị cơ quan đăng ký lại kết hôn theo nội dung dưới đây:
Họ, chữ đệm, tên của vợ:….
Ngày, tháng, năm sinh:….
Dân tộc: ….Quốc tịch:…
Nơi cư trú:…
Giấy tờ tùy thân:….
Họ, chữ đệm, tên của chồng:
Ngày, tháng, năm sinh:..
Dân tộc: …Quốc tịch:…
Nơi cư trú:….
Giấy tờ tùy thân:…
Đã đăng ký kết hôn tại:….ngày …. tháng ….năm….
Theo Giấy chứng nhận kết hôn số:……, Quyển số:….
Tôi cam đoan những nội dung khai trên đây là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam đoan của mình.
Làm tại: …, ngày …. tháng …. năm …
Người yêu cầu
(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)
Đề nghị cấp bản sao: Có, Không
Số lượng:….bản
2. Hướng dẫn viết đơn xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc:
Đơn xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc hay còn gọi là tờ khai đăng ký lại kết hôn. Tờ khai này được quy định trong phụ lục 5 được ban hành kèm theo thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Tờ khai này đã nêu ở mục trên. Trong tờ khai, người khai (người xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc) cần lưu ý khi điền các thông tin trong các phần khai sau:
– Phần kính gửi: người khai ghi rõ tên cơ quan đăng ký lại kết hôn.
Ví dụ: Kính gửi ủy ban nhân dân xã Y, huyện X, tỉnh Z.
– Phần nơi cư trú của người yêu cầu/vợ/chồng: ở phần này, người khai ghi theo nơi mình đăng ký thường trú; nếu như không có nơi đăng ký thường trú thì người khai ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì người khai sẽ ghi theo nơi đang sinh sống.
– Phần giấy tờ tùy thân của người yêu cầu/vợ/chồng: phần này, người yêu cầu ghi thông tin về giấy tờ tùy thân của mình như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc những giấy tờ hợp lệ thay thế.
Ví dụ: anh A là người yêu cầu thì anh A sẽ phải ghi thông tin của căn cước công dân của mình với số 03408500xxxx do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày, tháng, năm.
– Phần đã đăng ký kết hôn tại: ở phần này, người khai ghi rõ tên của cơ quan đã đăng ký kết hôn trước đây.
– Phần theo giấy chứng nhận kết hôn số, quyển số: phần này chỉ điền nếu như người khai nhớ rõ, biết rõ thông tin.
3. Trường hợp nào được xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc:
Sau khi hoàn thành xong thủ tục đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ sẽ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn đồng thời sẽ được đăng ký vào Sổ hộ tịch và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Nếu như một người đã đăng ký kết hôn và được trao giấy chứng nhận kết hôn nhưng do một nguyên nhân nào đó dẫn đến giấy chứng nhận kết hôn bị mất, bị hỏng không thể sử dụng được thì người đó có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp cho mình bản sao trích lục giấy đăng ký kết hôn chứ không thể yêu cầu cơ quan nhà nước cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc được.
Tuy nhiên, tại tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch có quy định về điều kiện đăng ký lại kết hôn, theo quy định này thì việc kết hôn đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ta trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và các bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
Như vậy, không phải bất kỳ trường hợp nào khi bị mất giấy chứng nhận kết hôn cũng đều không được xin cấp lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trong trường hợp nếu như một người đăng ký kết hôn trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch bị mất thì sẽ được đăng ký kết hôn lại và được cấp bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
4. Trình tự, thủ tục xin cấp lại giấy đăng ký kết hôn bản gốc:
Căn cứ Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch quy định về thủ tục đăng ký lại kết hôn, theo quy định này thì cá nhân đủ các điều kiện đăng ký lại kết hôn sẽ tuân thủ lần lượt các bước sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ
Người yêu cầu đăng ký lại kết hôn để được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc cần chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau:
– Tờ khai theo mẫu quy định (phụ lục 5 được ban hành kèm theo thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP);
– Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây;
– Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì người yêu cầu nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có những thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn (ví dụ như giấy tờ nhà đất,
Bước 2: nộp hồ sơ
Người yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký lại kết hôn là một trong hai cơ quan sau:
– Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn trước đây của người đăng ký kết hôn lại;
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú.
Khi đi nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký lại kết hôn xuất trình bản chính một trong các giấy tờ sau để chứng minh về nhân thân:
– Hộ chiếu;
– Chứng minh nhân dân;
– Thẻ căn cước công dân;
– Giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Lưu ý rằng: đối với thủ tục đăng ký đăng ký lại kết hôn thì người yêu cầu phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan chức năng có thẩm quyền chứ không thể gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Bước 3: giải quyết hồ sơ
– Trường hợp 1: người yêu cầu đăng ký lại kết hôn làm thủ tục tại nơi đã đăng ký kết hôn trước đây:
+ Công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;
+ Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch phải thực hiện đăng ký lại kết hôn;
+ Công chức tư pháp – hộ tịch sẽ ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng cả hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng thực hiện ký vào Giấy chứng nhận kết hôn. Công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ;
+ Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết sẽ không quá 05 ngày làm việc.
– Trường hợp 2: người yêu cầu đăng ký lại kết hôn làm thủ tục tại nơi không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây:
+ Công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây của người yêu cầu kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương;
+ Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây của người yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hay không lưu giữ được sổ hộ tịch trong thời hạn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày mà nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi người yêu cầu đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn.
Lưu ý rằng:
– Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ ở trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch;
– Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân sẽ được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
– Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.