Thời gian gần đây, cụm từ "người thứ ba" xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống đời thường lẫn trên mạng xã hội và đang là vấn đề nhức nhối cho rất nhiều gia đình. Vậy người thứ ba được hiểu như thế nào? Người thứ ba xen chân vào gia đình người khác có bị phạm tội không?
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn tố cáo “người thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–
ĐƠN TỐ CÁO
Kính gửi: ……
Họ và tên tôi: …… Sinh ngày:……
Chứng minh nhân dân số: ……
Ngày cấp: …./…/……. Nơi cấp: ……
Hộ khẩu thường trú: ………
Chỗ ở hiện tại:……
Số điện thoại liên hệ: ……
Tôi làm đơn này tố cáo và đề nghị Quý cơ quan tiến hành điều tra, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của:
Anh/chị: ……Sinh ngày:……
Chứng minh nhân dân số: ……
Ngày cấp:……Nơi cấp: ……
Hộ khẩu thường trú: ……
Chỗ ở hiện tại: ………
Vì anh/chị …… đã có hành vi ………
Sự việc cụ thể như sau: …….
Từ những sự việc trên, tôi cho rằng hành vi của anh/chị …… có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tôi cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên. Kính mong Quý cơ quan xem xét và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
….., ngày … tháng… năm 20…
Người tố cáo
(Ký và ghi rõ họ tên)
2. “Người thứ 3” có vi phạm pháp luật không?
“Người thứ ba” là một cụm từ ám chỉ một người xen vào cuộc sống hôn nhân của người đã có gia đình hoặc xen vào tình yêu của người khác. Đây là một hành vi đáng lên án bởi nó vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội và nếu trong trường hợp một người xen vào gia đình của người đang có gia đình thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý về mặt hình sự. Cụ thể như sau:
– Hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ là một trong những hành vi bị cấm trong hôn nhân gia đình được quy định tại khoản 2 Điều 5
– Người thứ ba thuộc trường hợp nêu trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính căn cứ tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ
+ Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác
+ Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi
Theo đó người thứ 3 xen chân vào hạnh phúc gia đình người khác có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng
– Người thứ ba xen vào hạnh phúc gia đình của người khác ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính thì có thể bị phạt tù theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
+ Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
+ Tuy nhiên ở tội này phải chứng minh được việc chung sống với nhau như vợ chồng được hàng xóm, xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung hoặc họ có con chung. Thì mới cấu thành được tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
3. Có nên đánh ghen “người thứ ba” không?
Đánh ghen được hiểu là một hành động, lời nói của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ bất chính với vợ hoặc chồng của họ. Hiện nay có rất nhiều cuộc đánh ghen kinh hoàng đã xảy ra, khiến cho chính những người trong cuộc vi phạm pháp luật. Khi chồng hoặc vợ bạn có người thứ ba hãy lưu ý những điều sau:
– Không chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thứ ba:
+ Khi bạn có những lời lẽ thô thiển, xúc phạm người khác thì bạn đã vi phạm vào quyền về danh dự nhân phẩm của mỗi người được Hiến pháp ghi nhận.
+ Theo Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, người nào có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
+ Trong trường hợp có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt lên đến 2 năm tù giam
+ Ngoài ra khi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác mà không đúng sự thật có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 có thể bị phạt tù lên đến 7 năm
– Không đánh nhau gây thương tích cho người thứ ba:
+ Người nào đi đánh ghen nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
+ Nếu cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của đối phương mà tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 11% hoặc dưới 11% mà dùng hung khí nguy hiểm,… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
– Khởi kiện người thứ ba:
+ Theo quy định của pháp luật, người nào đang có vợ có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng
+ Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể bị xử lý về mặt hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng mức phạt cao nhất lên đến 3 năm, theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015.
4. Thủ tục tố cáo vợ hoặc chồng ngoại tình:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tố cáo:
Để tố cáo vợ hoặc chồng ngoại tình thì người tố cáo cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, chứng cứ cụ thể chứng minh việc ngoại tình của đối phương. Hồ sơ bào gồm những giấy tờ sau:
– Đơn tố cáo ngoại tình
– Chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân của người làm đơn
– Giấy đăng kí kết hôn
– Căn cứ chứng minh hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng
– Các hồ sơ tài liệu khác có liên quan
Bước 2: Nộp hồ sơ:
– Vợ hoặc chồng có thể tố cáo ngoại tình bằng cách tố cáo trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo
– Nộp hồ sơ tại cơ quan công an có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan công an có thẩm quyền
Bước 3: Tiếp nhận đơn tố cáo:
– Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố cáo và tiến hành xem xét và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo theo trình tự là thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
– Thời hạn giải quyết tố cáo:
+ Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
+ Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
+ Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
+ Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
–
– Luật hôn nhân gia đình năm 2014
– Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã.