Việc sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn là quyền của đương sự. Dưới đây là mẫu đơn sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn:
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu đơn sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn:
- 2 2. Hướng dẫn cách viết mẫu đơn xin sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn:
- 3 3. Quy định về quyền được sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc dân sự:
- 4 4. Hồ sơ, thủ tục thực hiện việc sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn:
1. Mẫu đơn sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày …. tháng … năm …
ĐƠN XIN SAO CHỤP TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ
(Trong vụ án dân sự yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương)
Kính gửi: Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Tôi là luật sư ………. Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ……….trong vụ việc yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương với anh Nguyễn Văn A
Vụ án hiện đang được thụ lý giải quyết tại Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội
Nay, căn cứ khoản …. Điều …. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, mục …. phần …. Nghị quyết số …/20…./NQ-HĐTP ngày …/…./20… của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Kính đề nghị Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho luật sư được nghiên cứu và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án bao gồm các bút lục dưới đây để thực hiện quyền và nghĩa vụ của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo quy định của pháp luật:
………………
Tôi xin thanh toán đầy đủ lệ phí pho tô hồ sơ tài liệu theo quy định.
Nơi nhận: – Như trên; – Lưu VP, HSVA | Trân trọng cảm ơn! Người làm đơn |
2. Hướng dẫn cách viết mẫu đơn xin sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn:
Sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn là quyền của đương sự khi tham gia tố tụng dân sự. Theo đó, đương sự sẽ được tiếp cận các hồ sơ, chứng cứ vụ việc một cách công khai và minh bạch. Theo đó, người có nhu cầu được sao chụp tài liệu, chứng cứ phải làm đơn yêu cầu, đảm bảo một số nội dung cơ bản sau đây:
– Đầu tiên phải đảm bảo về phom mẫu đơn có đầy đủ quốc hiệu, tiêu ngữ.
– Thông tin ngày tháng năm làm đơn.
– Tiêu đề của đơn: viết in hoa trình bày giữa dòng:
ĐƠN XIN SAO CHỤP TÀI LIỆU
– Thông tin Tòa án nơi đang thụ lý vụ án ly hôn.
– Thông tin của người làm đơn: nêu đầy đủ họ và tên của người làm đơn; địa chỉ cư trú; số điện thoại; địa chỉ thư điện tử (nếu có).
– Các tài liệu, chứng cứ cần ghi chép, sao chụp: đối với các tài liệu, chứng cứ cần ghi chép, sao chụp, người làm đơn phải đảm bảo các tài liệu chứng cứ đó phải liên quan đến vụ án, không liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư.
Lưu ý: một vụ án sẽ có rất nhiều các tài liệu, chứng cứ khác nhau, do đó người làm đơn cần xác định rõ cần sao chụp tài liệu nào để phục vụ cho vụ án ly hôn của mình và cũng tránh mất thời gian cho việc sao chụp.
– Cuối cùng là chữ ký và điểm chỉ của người làm đơn yêu cầu.
– Lưu ý khi làm đơn phải trình bày ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, ở phần liệt kê các tài liệu cần sao chụp nên sử dụng bảng hoặc gạch đầu dòng để dễ theo dõi.
3. Quy định về quyền được sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc dân sự:
Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự có quyền những quyền sau đây:
– Phải tôn trọng Tòa án và chấp hành đúng đủ nội quy của Tòa án.
– Khi có thông báo phải thực hiện nộp đầy đủ tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, chi phí tố tụng theo quy định.
– Phải cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình.
– Nếu như có thay đổi thông tin địa chỉ nơi cư trú, trụ sở làm việc trong quá trình giải quyết vụ án thì phải thông báo cho các đương sự khác và thông báo cho Tòa án được biết.
– Được quyền giữ nguyên, bổ sung, thay đổi hoặc rút yêu cầu khởi kiện theo quy định.
– Được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.
– Được quyền biết cũng như thực hiện việc ghi chép, sao chụp các chứng cứ, tài liệu do các đương sự khác nộp hoặc do Tòa án thu thập được.
– Được quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc nếu như tự mình không thể thu thập được.
– Được quyền đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang có.
– Được quyền đề nghị Tòa án yêu cầu những cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ xuất trình.
– Được quyền đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.
– Khi làm đơn khởi kiện, phải gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện kèm theo hồ sơ chứng cứ, tài liệu kèm theo.
-….
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì đương sự hoàn toàn có quyền được biết và được thực hiện việc ghi chép, sao chụp lại các tài liệu, chứng cứ trong vụ án ly hôn mà đương sự khác xuất trình lên hoặc Tòa án có thẩm quyền thu thập được.
4. Hồ sơ, thủ tục thực hiện việc sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ gồm có:
– Đơn sao chụp tài liệu, chứng cứ.
– Các tài liệu chứng minh tư cách đương sự trong vụ án.
–
– Bản sao giấy tờ tùy thân gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân.
– Các tài liệu khác liên quan (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ như trên, người có yêu cầu nộp hồ sơ đến Tòa án đang thụ lý vụ việc ly hôn để yêu cầu được sao chụp tài liệu, chứng cứ.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Nếu như yêu cầu của người nộp hồ sơ không hợp lý, Tòa án sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi nhận được đủ hồ sơ như trên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết cho người yêu cầu được sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn nếu như đáp ứng yêu cầu. Trên cơ sở đề nghị đó, Tòa án sẽ tạo điều kiện cho đương sự được phép ghi chép và sao chụp các tài liệu, chứng cứ có trong vụ việc.
Tuy nhiên, trên cơ sở các quy định về việc bảo quản hồ sơ vụ án cũng như trách nhiệm của các cán bộ, công chức của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo quản hồ sơ vụ việc, vụ án thì Tòa án đưa ra yêu cầu như sau:
– Việc sao chụp được thực hiện bằng máy ảnh hoặc các phương tiện kỹ thuật khác của đương sự. Những tài liệu, chứng cứ đương sự muốn sao chụp phải có liên quan đến vụ việc ly hôn, tuyệt đối không phải những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh hay bí mật đời tư.
– Nếu như đương sự không có máy ảnh hoặc không có các phương tiện kỹ thuật khác để thực hiện việc sao chụp tài liệu, chứng cứ mà có yêu cầu nhờ Tòa án sao chụp thì lực lượng cán bộ tại Tòa án sẽ thực hiện việc sao chụp nhưng sẽ phải trả chi phí cho việc sao chụp đó theo quy định chung.
– Lưu ý việc sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc ly hôn phải được thực hiện tại trụ sở của Tòa án nhân dân có thẩm quyền và dưới sự giám sát của cán bộ Tòa án được phân công nhiệm vụ; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật nhà nước, bí mật đời tư.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015