Tương tự như việc khởi kiện vụ án dân sự để bắt đầu quá trình tố tụng trong lĩnh vực dân sự thì trong lĩnh vực hành chính cũng có đơn khởi kiện vụ án hành chính để bắt đầu quá trình tố tụng một vụ án hành chính.
Mục lục bài viết
1. Đơn khởi kiện vụ án hành chính là gì?
Đơn khởi kiện vụ án hành chính là văn bản pháp lý đầu tiên mà cá nhân gửi đến Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức sau quyết định hành chính, hay hành vi hành chính của cán bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Đơn khởi kiện vụ án hành chính được cá nhân, tổ chức, cơ quan sử dụng nhằm khởi kiện một cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình
2. Mẫu đơn khởi kiện vụ án hành chính:
Hiện nay, mẫu đơn khởi kiện vụ án hành chính được ban hành tại Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính, là mẫu số 01. Mẫu đơn như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
(1)……, ngày….. tháng…… năm…….
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Tòa án nhân dân(2)…….
Người khởi kiện: (3)……
Địa chỉ:(4)…..
Số điện thoại (nếu có):……., số fax (nếu có):….
Địa chỉ thư điện tử (nếu có): ……..
Người bị kiện:(5)……
Địa chỉ:(6)…….
Số điện thoại (nếu có):…….., số fax (nếu có):…..
Địa chỉ thư điện tử (nếu có): …….
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có):(7)……..
Địa chỉ:(8)………
Số điện thoại (nếu có):……., số fax (nếu có):…..
Địa chỉ thư điện tử (nếu có): …….
Quyết định …….. (9) bị kiện số……… ngày….. tháng….. năm….. của…….. về ……
Hành vi hành chính bị kiện……
Tóm tắt nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính(10): …….
Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có):….
Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết(11):..
Người khởi kiện cam đoan không đồng thời khiếu nại …. (12)đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Những tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (13)
1………
2…….
Người khởi kiện (14)
(Ký rõ họ tên)
3. Hướng dẫn viết đơn khởi kiện vụ án hành chính:
Tại nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính hướng dẫn việc viết đơn khởi kiện vụ án hành chính như sau:
(1) Ghi địa danh, ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).
(2) Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên).
(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi họ tên theo như Giấy khai sinh, hoặc Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
Trường hợp người khởi kiện là người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì đồng thời phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người được đại diện; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
(4) Ghi địa chỉ tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú từ thôn/làng/ bản, xã/phường/thị trấn, huyên/thành phố trực thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; (ví dụ: Nguyễn Văn A, trú tại thôn B, xã C, huyện D, tỉnh E); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH G có trụ sở: Số 50 phố H, quận I, thành phố K).
(5) Nếu người bị kiện là người có thẩm quyền thì ghi chức danh của người bị kiện (ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A); nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó.
Phần Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu có thì ghi như phần người khởi kiện.
Địa chỉ của Người bị kiện, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi theo phương thức ghi địa chỉ của người khởi kiện.
(9) Chính là ghi quyết định bị khởi kiện, tùy theo từng trường hợp mà ghi quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri.
Hành vi hành chính bị kiện thì nêu hành vi mà người khởi kiện cho rằng hành vi đó xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khởi kiện.
(10) Tùy theo từng trường hợp mà ghi tóm tắt nội dung cụ thể của quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc hành vi hành chính.
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết như: Yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc thực hiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính; hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật; buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra…
(12) Tùy từng trường hợp mà ghi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, hành vi hành chính.
(13) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu gì và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: 1. Bản sao
(14) Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là cá nhân, không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện; nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
4. Khiếu kiện hành chính nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về các quyết định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
– Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
– Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
– Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
4. Khiếu kiện danh sách cử tri.
Như vậy, các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là khiếu hiện về các quyết định hành chính, chính trừ các trường hợp không được khởi kiện nhằm đảm bảo sự bí mật của cơ quan nhà nước, bảo vệ an ninh, quốc phòng, ngoại giao; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; khiếu kiện danh sách cử tri.
5. Thủ tục nhận và xem xét đơn khởi kiện vụ án hành chính:
Điều 121 Luật tố tụng hành chính quy định về thủ tục nhận và xem xét đơn khởi kiện vụ án hành chính như sau:
1. Tòa án nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và ghi vào sổ nhận đơn.
Việc nhận đơn khởi kiện được ghi vào sổ nhận đơn và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án trả lời cho người khởi kiện biết qua thư điện tử. Trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 246 của Luật này;
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 123 của Luật này.
4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại Khoản 3 Điều này phải được thông báo cho người khởi kiện, phải ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).