Khiếu nại là một hoạt động phổ biến trong quản lý hành chính nhà nước. Và khi cá nhân, tổ chức, cơ quan có vấn đề khiếu nại thì sẽ viết đơn khiếu nại gửi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Vậy đơn khiếu nại dùng trong tố tụng tại Tòa án là gì?
Mục lục bài viết
1. Đơn khiếu nại dùng trong tố tụng tại Tòa án là gì?
Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Khiếu nại:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đơn khiếu nại dùng trong tố tụng tại Tòa án là văn bản do người khiếu nại soạn thảo gửi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm trình bày các nội dụng khiếu nại và kiến nghị giải quyết vấn đề khiếu nại.
Đơn khiếu nại dùng trong tố tụng tại Tòa án dùng để ghi nhận những thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại và nội dung khiếu nại gửi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để được giải quyết những vấn đề khiếu nại.
2. Mẫu đơn khiếu nại dùng trong tố tụng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
……, ngày …… tháng….năm ……
ĐƠN KHIẾU NẠI (Mẫu)
Kính gửi: …(1)
Họ và tên: …………(2); mã số hồ sơ…….(3)
Địa chỉ: …
Khiếu nại: ………(4)
Nội dung khiếu nại: …………….(5)
(Tài liệu, chứng cứ kèm theo – nếu có)
Người khiếu nại
(ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn viết đơn khiếu nại dùng trong tố tụng tại Tòa án:
(1) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
(2) Họ tên của người khiếu nại.
– Nếu là đại diện khiếu nại cho cơ quan, tổ chức thì ghi rõ chức danh, tên cơ quan, tổ chức mà mình đại diện.
– Nếu là người được ủy quyền khiếu nại thì ghi rõ theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
(3) Nội dung này do cơ quan giải quyết khiếu nại ghi.
(4) Khiếu nại lần đầu (hoặc lần 2) đối với quyết định, hành vi hành chính của ai?
(5) Nội dung khiếu nại
– Ghi tóm tắt sự việc đến khiếu nại;
– Yêu cầu (đề nghị) của người khiếu nại (nếu có);
4. Những quy định về khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại:
Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
+ Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình; nếu trái pháp luật phải kịp thời sửa chữa, khắc phục, tránh phát sinh khiếu nại.
+ Nhà nước khuyến khích việc hòa giải tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.
Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định chi tiết tại Điều 12, Luật Khiếu nại 2012:
Người khiếu nại sẽ tham khảo và thực hiện theo những quy định này để thực hiện chính xác vấn đề cần khiếu nại cũng như đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người khiếu nại.
1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:
– Tự mình khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;
Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;
– Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
– Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
– Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
– Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
– Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;
– Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;
– Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
– Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
– Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;
– Rút khiếu nại.
2.Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
– Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
– Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
– Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
– Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
3. Người khiếu nại thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm:
Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
-Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
-Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
-Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
-Quyết định giải quyết khiếu nại;
– Các tài liệu khác có liên quan.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại bao gồm những chủ thể sau đây:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại.
+ Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
+ Giám đốc sở và cấp tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp; giải quyết khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại; giải quyết khiếu nại mà Giám đốc sở hoặc cấp tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại mà nội dung thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
+ Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp; giải quyết khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại; giải quyết khiếu nại có nội dung thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc sở hoặc cấp tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.
+Tổng thanh tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mà thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại; giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;