Khi tiến hành nhập khẩu hàng hóa vào lãnh thổ nước ta, theo danh mục được quy định sẽ có các loại hàng hóa phải được kiểm nghiệm. Đối với đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm cần phải được sự xét duyệt của Cục quản lý dược.
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm là gì, mục đích của mẫu đơn?
- 2 2. Mẫu đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn:
- 4 4. Những quy định liên quan đến nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm:
- 4.1 4.1. Về Nhập khẩu mỹ phẩm:
- 4.2 4.2. Nguyên tắc lấy mẫu:
- 4.3 4.3. Quyền hạn và trách nhiệm của người lấy mẫu:
- 4.4 4.4.Vận chuyển và bàn giao mẫu:
- 4.5 4.5. Kết luận kết quả kiểm tra chất lượng các mẫu mỹ phẩm:
- 4.6 4.6. Kinh phí lấy mẫu mỹ phẩm và kiểm nghiệm xác định chất lượng mỹ phẩm: được quy định tại Điều 40 Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm:
1. Mẫu đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm là gì, mục đích của mẫu đơn?
Mẫu đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm là văn bản hàng được lập ra để ghi chép về đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, nội dung đơn nêu rõ nội dung nhập khẩu, thông tin mỹ phẩm…
Mục đích của mẫu đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm: mẫu đơn nhằm mục đích gửi đến Cục Quản lý dược, Cục quản lý dược sẽ xét duyệt để đơn vị được nhận các mỹ phẩm dùng cho kiểm nghiệm chất lượng.
2. Mẫu đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————————–
TÊN ĐƠN VỊ
——-
Số: …
ĐƠN HÀNG NHẬP KHẨU MỸ PHẨM DÙNG CHO NGHIÊN CỨU, KIỂM NGHIỆM
Kính gửi: Cục Quản lý dược – Bộ Y tế
…
(Đơn vị) kính đề nghị Cục Quản lý dược xét duyệt để đơn vị được nhận các mỹ phẩm dùng cho kiểm nghiệm chất lượng sau:
STT | Tên mỹ phẩm, dạng bào chế, quy cách đóng gói | Dạng sản phẩm | Thành phần | Đơn vị tính | Số lượng | Tên công ty sản xuất, tên nước | Ghi chú |
1 | |||||||
2 | |||||||
3 | |||||||
Cục Quản lý Dược
Chấp thuận đơn hàng nhập khẩu gồm … trang … khoản kèm theo
Hà nội, ngày … tháng … năm …
CỤC TRƯỞNG
…, ngày … tháng … năm …
GIÁM ĐỐC ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)
(Ghi rõ họ và tên người ký)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn:
Người viết đơn cần ghi đầy đủ tên đơn vị, các sản phẩm dùng để kiểm nghiệm cần ghi rõ tên sản phẩm, dạng bào chế, quy cách đóng gói, dạng sản phẩm, thành phần, đơn vị, số lượng, tên công ty sản xuất, tên nước.
4. Những quy định liên quan đến nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm:
4.1. Về Nhập khẩu mỹ phẩm:
Được quy định tại Điều 35
– Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.
– Nhập khẩu mỹ phẩm trong một số trường hợp đặc biệt (không bắt buộc phải thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Thông tư này):
+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu mỹ phẩm để nghiên cứu, kiểm nghiệm phải gửi đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm tới Cục Quản lý dược – Bộ Y tế (Phụ lục số 14-MP). Số lượng tối đa cho mỗi sản phẩm là 10 mẫu.
Đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm được làm thành 03 bản. Sau khi được phê duyệt, 02 bản được lưu tại Cục Quản lý dược, 01 bản gửi đơn vị. Bản gửi đơn vị có đóng dấu “Bản gửi doanh nghiệp” để trình cơ quan Hải quan khi làm thủ tục thông quan.
Các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu để nghiên cứu, kiểm nghiệm phải được sử dụng đúng mục đích, không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.
+Tổ chức, cá nhân nhận mỹ phẩm là quà biếu, quà tặng làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định. Tổng trị giá mỗi lần nhận không vượt quá định mức hàng hóa được miễn thuế theo quy định hiện hành.
Các mẫu mỹ phẩm nhập khẩu là quà biếu, quà tặng không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.
+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu mỹ phẩm để trưng bày tại hội chợ, triển lãm và các trường hợp tạm nhập tái xuất khác phải làm thủ tục xin cấp giấy phép tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương theo quy định hiện hành.
4.2. Nguyên tắc lấy mẫu:
– Lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra hoặc giám sát chất lượng theo nguyên tắc lấy mẫu ngẫu nhiên và phải lấy mẫu ở những vị trí khác nhau của lô hàng.
– Lượng mẫu cần lấy để phân tích và để lưu căn cứ vào yêu cầu kiểm tra, tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp thử nhưng ít nhất phải đủ cho ba lần phân tích hoặc phải đủ để thực hiện phép thử đảm bảo thu được kết quả chính xác và tin cậy.
– Các mẫu phân tích và mẫu lưu phải được cho vào đồ đựng, hàn kín và dán nhãn. Nhãn của đồ đựng mẫu phải ghi rõ tên sản phẩm, tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, số lô sản xuất, hạn dùng, nơi lấy mẫu, ngày lấy mẫu.
– Lập biên bản lấy mẫu mỹ phẩm theo mẫu Phụ lục số 09-MP: Biên bản lấy mẫu mỹ phẩm phải ghi rõ tên sản phẩm, số lô sản xuất, ngày lấy mẫu, địa điểm lấy mẫu, ghi chép về những bất thường của quá trình lấy mẫu, tên và chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu, người chứng kiến (khi cần thiết). Biên bản được làm thành 03 bản: một bản lưu tại cơ sở được lấy mẫu, một bản lưu tại cơ quan kiểm nghiệm, một bản lưu tại cơ quan quản lý kiểm tra chất lượng mỹ phẩm.
4.3. Quyền hạn và trách nhiệm của người lấy mẫu:
– Xuất trình thẻ thanh tra viên hoặc kiểm soát viên chất lượng hoặc
– Yêu cầu cơ sở có mẫu xuất trình các hồ sơ, tài liệu, liên quan đến nguồn gốc, số lượng, chất lượng của lô mỹ phẩm được lấy mẫu, đưa ra phương án lấy mẫu, số lượng mẫu phân tích và mẫu lưu được lấy của lô mỹ phẩm trong quá trình lấy mẫu.
– Kiểm tra, lấy mẫu bất kỳ bao gói nào trong lô mỹ phẩm khi có nghi ngờ về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thao tác kỹ thuật, thủ tục pháp lý trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển và bàn giao mẫu cho cơ quan kiểm nghiệm.
4.4.Vận chuyển và bàn giao mẫu:
– Sau khi hoàn tất việc lấy mẫu, người lấy mẫu phải chuyển các mẫu đã lấy kèm biên bản lấy mẫu mỹ phẩm và bàn giao ngay cho cơ quan kiểm nghiệm. Trường hợp đặc biệt, mẫu có thể gửi đến cơ quan kiểm nghiệm qua đường bưu điện.
– Mẫu mỹ phẩm đã lấy phải được đóng gói trong bao gói phù hợp và vận chuyển bằng phương tiện thích hợp để đảm bảo mẫu được bảo quản theo đúng quy định, tránh hư hỏng, đổ vỡ trong quá trình vận chuyển.
4.5. Kết luận kết quả kiểm tra chất lượng các mẫu mỹ phẩm:
– Các mẫu mỹ phẩm do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra chất lượng lấy mẫu đảm bảo tính đại diện cho cả lô mỹ phẩm và được tiến hành phân tích tại các phòng thử nghiệm được công nhận thì kết luận kết quả kiểm tra chất lượng có giá trị pháp lý đối với cả lô mỹ phẩm.
Các mẫu mỹ phẩm do tổ chức, cá nhân gửi tới cơ quan kiểm tra chất lượng của nhà nước để xác định chất lượng thì kết luận kết quả kiểm tra chất lượng chỉ có giá trị pháp lý đối với mẫu gửi tới.
4.6. Kinh phí lấy mẫu mỹ phẩm và kiểm nghiệm xác định chất lượng mỹ phẩm: được quy định tại Điều 40 Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm:
“1. Kinh phí lấy mẫu và kinh phí kiểm nghiệm mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng trong sản xuất, pha chế và lưu thông trên thị trường do cơ quan kiểm tra chất lượng quyết định việc lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu chi trả theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 03/3/2010 của liên bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đối với hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Trong trường hợp mẫu mỹ phẩm kiểm nghiệm được cơ quan kiểm tra chất lượng mỹ phẩm kết luận không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải hoàn trả toàn bộ kinh phí lấy mẫu và kinh phí kiểm nghiệm mẫu mỹ phẩm cho cơ quan kiểm tra chất lượng theo quy định tại các Điều 10, Điều 12, Điều 14, Điều 16 và Điều 41 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 03/3/2010 của liên bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đối với hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Trường hợp mỹ phẩm bị khiếu nại, tố cáo về chất lượng mà cơ quan kiểm tra kết luận việc khiếu nại, tố cáo về chất lượng mỹ phẩm không đúng thì người khiếu nại, tố cáo phải thanh toán hoàn trả chi phí lấy mẫu và chi phí phân tích, kiểm nghiệm mẫu mỹ phẩm cho cơ quan kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Kinh phí lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng, kinh phí kiểm nghiệm mẫu mỹ phẩm được bố trí trong dự toán kinh phí hoạt động của cơ quan kiểm tra chất lượng nhà nước về mỹ phẩm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 03/3/2010 của liên bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đối với hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.”