Hiện nay, vấn đề về phá dỡ tàu biển đang được nhiều người quan tâm bởi nó còn ảnh hưởng đến vấn đề môi trường. Bài viết hướng dẫn bạn soạn thảo đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển và cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển là gì?
Phá dỡ tàu biển là hoạt động tháo dỡ toàn bộ cấu trúc tàu biển tại cơ sở phá dỡ tàu biển. Cơ sở phá dỡ tàu biển là khu vực chuyên dụng để phá dỡ tàu biển. Phương án phá dỡ tàu biển là kế hoạch do chủ cơ sở phá dỡ tàu biển lập để thực hiện việc phá dỡ đối với từng tàu biển.
Theo đó, trước khi tiến hành phá dỡ từng tàu biển, chủ cơ sở phá dỡ tàu biển phải lập, phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển theo quy định, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Thông tin chung: Tên và địa chỉ của doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; tên và địa chỉ của cơ sở phá dỡ tàu biển; tàu biển phá dỡ (tên tàu, quốc tịch; đặc tính kỹ thuật của tàu);
– Thông tin về phá dỡ: Quy trình công nghệ phá dỡ (thứ tự các hạng mục của tàu được thực hiện phá dỡ kèm theo bản vẽ bố trí chung của tàu biển phá dỡ, bản vẽ vị trí phá dỡ tàu biển nằm trong mặt bằng tổng thể cơ sở phá dỡ); trang thiết bị, nhân lực phục vụ phá dỡ; ngày bắt đầu và ngày hoàn thành việc phá dỡ;
– Các biện pháp về: An toàn lao động, vệ sinh môi trường; phòng, chống cháy, nổ và phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển là mẫu đơn do doanh nghiệp phá dỡ tàu biển lập ra và được gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét và quyết định phê duyệt đối với phương án phá dỡ tàu biển mà doanh nghiệp xây dựng từ đó làm cơ sở để các hoạt động phá dỡ tàu biển diễn ra.
Chủ cơ sở phá dỡ tàu biển phải thực hiện phá dỡ tàu biển theo đúng phương án phá dỡ tàu biển đã được phê duyệt. Cảng vụ hàng hải khu vực chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phá dỡ đối với từng tàu biển theo quy định của pháp luật.
Đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển được lập ra để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Cảng vụ hàng hải nơi có cơ sở phá dỡ tàu biển, có thể xem xét, quyết định phương án phá dỡ tàu biển, từ đó làm tiền đề cho hoạt động phá dỡ tàu biển diễn ra.
Có thể nói, ngành công nghiệp phá dỡ tàu biển đã từng đem lại những nguồn lợi khổng lồ và trở thành “xương sống” của nền kinh tế nhiều quốc gia. Ta có thể thấy, tàu viễn dương cũng như bất kỳ loại máy móc nào cũng đều có “giới hạn sống” của nó. Sau khoảng thời gian dài (trung bình hơn 40 năm) hoạt động liên tục, khi hết “đát”, con tàu sẽ phải ngừng hoạt động vì máy móc đã hao mòn quá mức có thể sửa chữa được cùng với việc không đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong quá trình hoạt động. Lúc này, những chiếc tàu biển cũ này sẽ thực hiện chuyến hành trình cuối đến những bãi tập kết chờ ngày được phá dỡ.
Tùy vào từng loại thuyền, một con tàu viễn dương có thể cho từ 5.000 – 40.000 tấn sắt vụn. Chính vì vậy, đây là số tài sản có giá trị lớn, trong nhiều trường hợp còn đáng giá hơn cả khoản phí chủ tàu phải trả cho công ty phá dỡ và đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ, đóng góp lớn vào nền kinh tế nước nhà.
2. Mẫu đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…, ngày … tháng … năm 20…
ĐỀ NGHỊ
Phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển
Kính gửi: Cảng vụ hàng hải (1)……
1. Thông tin về cơ sở phá dỡ tàu biển (2)
a) Tên cơ sở phá dỡ tàu biển: ….
b) Địa chỉ: ……..
c) Số điện thoại liên hệ: ……..
d) Người đại diện theo pháp luật: …….
đ) Quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động số ………do (Tên cơ quan cấp) cấp ngày …… tháng …….năm …….
2. Thông tin về tàu biển phá dỡ (3)
a) Tên tàu: …….
b) Số IMO: ……………
c) Loại tàu: …………..
d) Trọng tải toàn phần (DWT): ………….
đ) Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ số ……do (Tên cơ quan cấp) cấp ngày ……tháng ….. năm …
3. Văn bản kèm theo
a) 01 bản chính phương án phá dỡ tàu biển;
……….
Kính đề nghị Cảng vụ hàng hải …… xem xét, phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển.
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ PHÁ DỠ TÀU BIỂN
(Ký, ghi rõ, họ tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển:
(1) Điền tên Cảnh vụ hàng hải nơi có cơ sở phá dỡ tàu biển mà doanh nghiệp sẽ thực hiện việc phá dỡ.
(2) Người làm đơn cần điền đầy đủ thông tin về cơ sở phá dỡ tàu biển như tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, người đại diện theo pháp luật và số, cơ quan, thời điểm cấp quyết định đưa cơ sở phá dỡ vào hoạt động.
(3) Điền đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan đến tàu biển phá dỡ như biểu mẫu, chú ý ghi đúng các thông tin của tàu biển phá dỡ theo như Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét cũng như phục vụ cho công tác kiểm tra sau này.
4. Thủ tục đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án phá dỡ đối với tàu biển
Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ tàu biển được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 82/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 30/12/2019) được quy định như sau:
Chủ cơ sở phá dỡ tàu biển nộp cho Cảng vụ hàng hải khu vực 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án phá dỡ đối với từng tàu biển. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch phá dỡ đối với từng tàu biển, gồm:
– Văn bản đề nghị phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (01 bản chính);
– Phương án phá dỡ tàu biển (01 bản chính).
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và xử lý
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cảng vụ hàng hải khu vực có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về phương án phá dỡ tàu biển.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Cảng vụ hàng hải khu vực, các cơ quan có liên quan phải có ý kiến trả lời bằng văn bản.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan, Cảng vụ hàng hải khu vực phải có quyết định phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cho cơ sở phá dỡ tàu biển; trường hợp không phê duyệt, Cảng vụ hàng hải khu vực phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bạn có thể tham khảo Mẫu Quyết định Phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
………, ngày ….. tháng ….. năm 20..
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển
GIÁM ĐỐC CẢNG VỤ HÀNG HẢI ……..
Căn cứ Nghị định số ……./2019/NĐ-CP ngày … tháng ……… năm 2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
Căn cứ ………;
Xét nội dung phương án phá dỡ tàu biển gửi kèm văn bản đề nghị số ………..ngày………tháng………năm 20…….. của (Tên cơ sở phá dỡ tàu biển);
Theo đề nghị ……..,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển của tàu biển có thông số chính như sau:
1. Tên tàu: …
2. Số IMO: ……
3. Loại tàu: ….
4. Trọng tải toàn phần (DWT): …
Điều 2. Tàu biển nêu trên được phép vào (Tên cơ sở phá dỡ tàu biển) để thực hiện phá dỡ. Cơ sở phá dỡ tàu biển có trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện phá dỡ theo đúng phương án phá dỡ tàu biển được phê duyệt
2. Đóng các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan căn cứ quy định của Quyết định này và các quy định có liên quan của pháp luật để tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong khu vực cảng biển ………………………….
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trưởng phòng Pháp chế, Thanh tra, Chủ cơ sở phá dỡ tàu biển, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 4;
– Cục HHVN;
– Các Sở: …..;
– Cục Hải quan …;
– …;
– Lưu: VT, …(…b).
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)