Doanh nghiệp phá dỡ tàu biển thì cần làm đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động. Bài viết hướng dẫn bạn soạn thảo mẫu đơn này và cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động là gì?
- 2 2. Mẫu đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
- 4 4. Điều kiện để đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
- 5 5. Thủ tục quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
1. Đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động là gì?
Phá dỡ tàu biển là hoạt động tháo dỡ toàn bộ cấu trúc tàu biển tại cơ sở phá dỡ tàu biển. Cơ sở phá dỡ tàu biển là khu vực chuyên dụng để phá dỡ tàu biển.
Đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động là mẫu đơn do doanh nghiệp phá dỡ tàu biển lập ra và được gửi đến Cục hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải để xem xét và ra quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động.
Đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động được lập ra để các cơ quan có thẩm quyền, mà cụ thể ở đây là Cục hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, có thể xem xét và quyết định đưa các cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động. Có thể nói, ngành công nghiệp phá dỡ tàu biển đã từng đem lại những nguồn lợi khổng lồ và trở thành “xương sống” của nền kinh tế nhiều quốc gia.
Ta có thể thấy, tàu viễn dương cũng như bất kỳ loại máy móc nào cũng đều có “giới hạn sống” của nó. Sau khoảng thời gian dài (trung bình hơn 40 năm) hoạt động liên tục, khi hết “đát”, con tàu sẽ phải ngừng hoạt động vì máy móc đã hao mòn quá mức có thể sửa chữa được cùng với việc không đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong quá trình hoạt động. Lúc này, những chiếc tàu biển cũ này sẽ thực hiện chuyến hành trình cuối đến những bãi tập kết chờ ngày được phá dỡ. Tùy vào từng loại thuyền, một con tàu viễn dương có thể cho từ 5.000 – 40.000 tấn sắt vụn.
Chính vì vậy, đây là số tài sản có giá trị lớn, trong nhiều trường hợp còn đáng giá hơn cả khoản phí chủ tàu phải trả cho công ty phá dỡ và đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ, đóng góp lớn vào nền kinh tế nước nhà.
2. Mẫu đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
……, ngày…. tháng… năm 20…
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động
Kính gửi:
– Bộ Giao thông vận tải;
– Cục Hàng hải Việt Nam.
Tên doanh nghiệp phá dỡ tàu biển:……
Người đại diện theo pháp luật:….
Đăng ký kinh doanh: ngày tháng năm tại…….
Địa chỉ:………
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, cho phép đưa cơ sở phá dỡ tàu biển sau đây vào sử dụng:
1. Tên cơ sở phá dỡ:……..
2. Địa điểm cơ sở phá dỡ:……
3. Loại tàu biển có khả năng phá dỡ:…..
4. Giới hạn trọng tải của tàu biển được phép vào cơ sở phá dỡ tàu biển:
5. Văn bản kèm theo:
a) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
b) Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ sở phá dỡ tàu biển (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
c) Giấy xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
d) Giấy đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
đ) Giấy phép xả thải vào nguồn nước (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
e) Văn bản nghiệm thu về phương án phòng, chống cháy, nổ (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
g) Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (01 bản sao có chứng thực);
h) Bản vẽ tổng thể về vị trí bố trí trang thiết bị của cơ sở phá dỡ tàu biển (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
i) Bản kê danh sách lao động trực tiếp tham gia hoạt động phá dỡ tàu biển (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
k) Danh mục trang thiết bị bảo hộ an toàn lao động (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực);
l) Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường (01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực).
Kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận.
ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP PHÁ DỠ TÀU BIỂN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
– Người làm đơn điền đầy đủ thông tin liên quan đến doanh nghiệp phá dỡ tàu biển như tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh số bao nhiêu, cấp vào ngày nào.
– Điền đầy đủ thông tin liên quan đến cơ sở phá dỡ tàu để cơ quan có thẩm quyền căn cứ để xem xét quyết định như mẫu trên.
– Người làm đơn cũng cần chú ý không chỉnh sửa, tẩy xóa và phải trình bày rõ ràng. Các tài liệu kèm theo được ghi trong đơn cần được chuẩn bị đầy đủ.
4. Điều kiện để đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
Cơ sở phá dỡ tàu biển phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có cầu cảng, luồng hàng hải đã được công bố theo quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
2. Có đủ điều kiện về bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định tại Điều 22
3. Có nhân lực, quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại
4. Có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định tại Nghị định số
5. Thủ tục quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Chủ cơ sở phá dỡ tàu biển nộp trực tiếp đến Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc cổng thông tin điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động.
Hồ sơ đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động, gồm:
– Văn bản đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động
– Quyết định phê duyệt kèm theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ cơ sở phá dỡ tàu biển (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
– Hồ sơ hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
– Hồ sơ hoàn công của cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật cho bảo vệ môi trường (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
– Quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
– Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý hồ sơ:
– Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn chủ cơ sở phá dỡ tàu biển hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản về kết quả thẩm định hồ sơ. Trong quá trình thẩm định, Cục Hàng hải Việt Nam được tiến hành các hoạt động: khảo sát, kiểm chứng các thông tin, số liệu về cơ sở vật chất của cơ sở phá dỡ tàu biển;
– Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Các doanh nghiệp phá dỡ tàu biển cũng cần lưu ý Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở trong trường hợp cơ sở phá dỡ tàu biển để xảy ra tai nạn, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đối với con người, môi trường trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trong các trường hợp sau trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
– Cơ sở phá dỡ tàu biển không đáp ứng điều kiện hoạt động nêu trên.
– Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh;
– Khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển; trường hợp không dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.