Vì nhiều lý do khác nhau khi các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện muốn đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ thì cần viết đơn đề nghị đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ tới cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập quỹ.
Mục lục bài viết
1. Đơn đề nghị đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ là gì?
Các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện có những vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của Nhà nước. Các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận. Chính vì thế việc ban hành các quy định cụ thể và các biểu mẫu về quỹ xã hội, quỹ từ thiện rất dược Nhà nước ta quan tâm. Đơn đề nghị đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ là một trong số đó và được sử dụng khá phổ biến trong thực tiễn đời sống.
Mẫu 1.11: Đơn đề nghị đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập ra nhằm mục đích để giúp các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thay đổi tên quỹ và đề nghị công nhận Điều lệ quỹ. Mẫu nêu rõ một số thông tin cơ bản về quỹ, lý do đổi tên quỹ, hồ sơ gửi kèm theo đơn, thông tin các tài liệu có liên quan. Đơn đề nghị đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ được ban hành kèm theo Thông tư 4/2020/TT-BNV hướng dẫn thi hành Nghị định 93/2019 về quỹ từ thiện. Sau khi hoàn thành việc lập mẫu đơn thì đại diện thay mặt hội đồng quản lý quỹ phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu để mẫu biên bản có giá trị.
2. Mẫu đơn đề nghị đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Đổi tên Quỹ …(1)… thành Quỹ …(2)… và công nhận Điều lệ Quỹ. …(2)…
Kính gửi: …(3)…
Theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và quy định của pháp luật có liên quan; Hội đồng quản lý Quỹ…(1)…. đã có Nghị quyết về việc đổi tên Quỹ…(1)… thành Quỹ …(2)…
1. Một số thông tin cơ bản về Quỹ…….
2. Lý do đổi tên…….
3. Hồ sơ gửi kèm theo đơn này, gồm: ……(4)……
4. Các tài liệu có liên quan (nếu có)
Thông tin khi cần liên hệ: ……
Họ và tên: ……
Địa chỉ liên lạc: ……
Số điện thoại: ……
Hội đồng quản lý Quỹ …(1)…đề nghị …(3)…xem xét, quyết định cho phép đổi tên Quỹ …(1)… thành Quỹ …(2)… và công nhận Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Quỹ …(2)…/.
Nơi nhận:
– Như trên;
– ……….;
– Lưu: …..
…(5)…, ngày … tháng … năm 20…
TM. HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ
(Chức vụ, chữ ký, dấu)
Họ và tên
Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị đổi tên quỹ và công nhận Điều lệ quỹ:
(1) Tên quỹ đề nghị.
(2) Tên quỹ sau khi đổi.
(3) Tên cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập quỹ.
(4) Đảm bảo đầy đủ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 39 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP.
(5) Địa danh.
3. Một số quy định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện:
3.1. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện là gì?
Quỹ xã hội: Đây là quỹ được tổ chức, hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Quỹ từ thiện: Đây là quỹ được tổ chức, hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Nhìn chung, quỹ xã hội, quỹ từ thiện đều được thành lập và tổ chức vì các mục tiêu cộng đồng và không hướng đến vấn đề lợi nhuận. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện được tổ chức, hoạt động theo pháp luật và điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận
Cơ quan Nhà nước vận động quyên góp, tài trợ cho quỹ; quỹ xã hội, quỹ từ thiện tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo đúng mục đích của quỹ và quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo tồn và tăng trưởng tài sản quỹ.
3.2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ:
Theo Điều 5 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ có nội dung như sau:
– Thứ nhất: Việc thành lập và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải không vì mục tiêu lợi nhuận.
– Thứ hai: Việc thành lập và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình.
– Thứ ba: Tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Cần lưu ý rằng, để được hoạt động thì quỹ từ thiện cũng cần đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Thứ tư: Tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải công khai, minh bạch và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nguyên tắc này là hoàn toàn hợp lý, vì khi hoạt động nếu quỹ xã hội, quỹ từ thiện không có sự công khai, minh bạch thì rất dễ sẽ dẫn đến tình trạng tham ô, tẩu tán tài sản, làm cho mục đích của quỹ xã hội, quỹ từ thiện không thực hiện được.
– Thứ năm: Không phân chia tài sản đối với tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nguyên tắc này quy định tài sản của quỹ từ thiện và quỹ xã hội phải là quỹ chung hợp nhất, không thuộc về bất kì chủ thể nào.
Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ từ thiện, quỹ xã hội chính là những điều cơ bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đặt ra, bắt buộc phải thực hiện khi thực hiện các hoạt động từ thiện. Những nguyên tắc này được đặt ra để đảm bảo cho hoạt động từ thiện được thực hiện một cách hiệu quả, cũng như đảm bảo cho sự ổn định trong hoạt động của quỹ từ thiện, quỹ từ thiện.
Quỹ từ thiện, quỹ xã hội đóng vai trò quan trọng trong xã hội và góp phần to lớn để giảm những khó khăn cho rất nhiều gia đình, cá nhân trong xã hội. Chính bởi vì vậy mà Nhà nước luôn dành những sự quan tâm nhất định đối với hoạt động của quỹ từ thiện và quỹ xã hội đồng thời có những chính sách cổ vũ để hoạt động của quỹ từ thiện và quỹ xã hội được phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.
3.3. Điều kiện thành lập quỹ từ thiện và quỹ xã hội:
Quỹ từ thiện và quỹ xã hội sẽ được thành lập khi có đủ những điều kiện sau đây:
– Quỹ từ thiện và quỹ xã hội được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.
– Quỹ từ thiện và quỹ xã hội phải có sáng lập viên thành lập quỹ đáp ứng điều kiện cụ thể như sau:
+ Đối với công dân Việt Nam: sáng lập viên thành lập quỹ phải có đủ năng lực hành vi dân sự không có án tích.
+ Đối với tổ chức của Việt Nam: Các tổ chức thành lập quỹ phải có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; nghị quyết của Ban lãnh đạo tổ chức về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ từ thiện và quỹ xã hội.
+ Các thành viên trong ban sáng lập quỹ cần dó tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ thành lập quỹ từ thiện và quỹ xã hội bao gồm:
– Thứ nhất: Đơn đề nghị thành lập quỹ từ thiện và quỹ xã hội.
– Thứ hai: Dự thảo điều lệ quỹ từ thiện và quỹ xã hội.
– Thứ ba: Tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định của pháp luật.
– Thứ tư: Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên ban sáng lập quỹ và các tài liệu theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ thành lập quỹ từ thiện và quỹ xã hội được thành lập 01 (một) bộ.
4. Quy định về đổi tên quỹ xã hội, quỹ từ thiện:
Theo Khoản 4 Điều 39 Nghị định 93/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/01/2020 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định đổi tên quỹ xã hội, quỹ từ thiện như sau:
– Việc đổi tên quỹ từ thiện và quỹ xã hội phải có nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ, ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có).
– Quỹ từ thiện và quỹ xã hội phải gửi 01 bộ hồ sơ xin đổi tên quỹ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau đây:
+ Đơn đề nghị đổi tên quỹ từ thiện và quỹ xã hội.
+ Nghị quyết của Hội đồng quản lý về việc đổi tên quỹ từ thiện và quỹ xã hội.
+ Dự thảo điều lệ sửa đổi, bổ sung.
+ Ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có).
Cần lưu ý rằng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP phải xem xét và quyết định cấp lại giấy phép về việc đổi tên quỹ và công nhận điều lệ quỹ từ thiện và quỹ xã hội. Đối với trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.