Hiện nay, việc các cá nhân, chủ nhà đề nghị cấp số nhà diễn ra rất phổ biến. Vậy, mẫu đơn đề nghị cấp số nhà được quy định như thế nào và có nội dung ra sao?
Mục lục bài viết
1. Đơn đề nghị cấp số nhà là gì?
Theo quy định của pháp luật đánh số nhà được hiểu là việc xác định số nhà theo các nguyên tắc quy ước thống nhất. Sau khi xây dựng nhà ở, các công trình, hạng mục, các chủ sở hữu cần căn cứ theo quy định tại địa phương nơi mình sinh sống để xin cấp số nhà. Đơn đề nghị cấp số nhà ra đời trong hoàn cảnh này và được sử dung rất phổ biến trong thực tế.
Mẫu đơn đề nghị cấp số nhà là mẫu đơn đề nghị được cá nhân lập ra và gửi tới cơ quan có thẩm quyền để đề nghị về việc được cấp số nhà. Mẫu đơn nêu rõ thông tin người làm đơn, thông tin ngôi nhà xin được cấp số… Sau khi hoàn thành việc lập biên bản người làm đơn cần ký và ghi rõ họ tên của mình và cần có ý kiến xác nhận, chữ ký, đóng dấu của Ủy ban nhân dân địa phương nơi xin cấp số nhà.
2. Mẫu đơn đề nghị cấp số nhà:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP SỐ NHÀ
(Trường hợp cấp số nhà mới theo hình thức đơn lẻ)
Kính gửi: – Uỷ ban nhân dân (thị xã) …………
– Uỷ ban nhân dân (cấp xã)………….
Tên tôi là: ……..
Giấy CMND số: …….., cấp ngày….tháng….năm….
tại: ……..
Nay tôi làm đơn đề nghị cấp số nhà cho căn nhà tại Đường ……….
Tổ ……, Khu phố…… Phường …….
Nguồn gốc căn nhà: ……..
Ý kiến xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường
(Nêu rõ nguồn gốc đất, thời điểm xây dựng và không có tranh chấp)……..
………, ngày…tháng…năm…
T.M UBND …
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị cấp số nhà:
Tùy theo yêu cầu của từng địa phương, mẫu đơn xin cấp số nhà có những yêu cầu và được quy định khác nhau. Tuy nhiên, ở bất cứ địa phương nào đơn đề nghị cấp số nhà cũng yêu cầu những thông tin cơ bản sau:
+ Ghi đầy đủ các thông tin bao gồm Quốc hiệu, tiêu ngữ.
+Tiêu đề đơn : Đơn xin cấp số nhà
+ Thông tin chi tiết của người yêu cầu: Họ tên, giấy tờ tùy thân, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại,….
+ Thông tin chi tiết về căn nhà: nguồn gốc, thời điểm xây dựng.
+ Ý kiến xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về căn nhà.
+ Phần cam đoan thông tin và chịu trách nhiệm.
+ Chữ ký của người làm đơn.
4. Quy trình xin cấp số nhà:
– Thủ tục xin cấp số nhà năm 2021 bao gồm việc chủ sở hữu làm đơn đề nghị xin cấp biển số nhà rồi nộp lên ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã và nộp phí theo quy định pháp luật sau đó ủy ban sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận số nhà cho chủ sở hữu thời gian tùy theo quy định từng địa phương.
– Đối tượng được cấp biển số nhà là nhà có giấy phép xây dựng. Theo đó đối tượng được cấp biển số nhà bao gồm:
+ Nhà để ở.
+ Công trình xây dựng trên các tuyến giao thông trong khu vực đô thị đại lộ, đường liên tỉnh, liên quận, huyện, thị xã; các phố, ngõ, ngách, hẻm tại các phường, thị trấn.
+ Các nhóm nhà, ngôi nhà, công trình xây dựng tại khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Tầng nhà, căn hộ, cầu thang nhà chung cư trên địa bàn Thành phố.
+ Các loại nhà ở, công trình xây dựng không phép, trái phép sẽ không được đánh số và gắn biển số nhà.
– Thẩm quyền quản lý số nhà, đánh số và cấp chứng nhận số nhà:
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố là cơ quan quản lý nhà nước về số nhà, chỉ đạo chung về công tác đánh số, gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh, thành phố.
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.
+ Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã; tổ chức cấp Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình theo địa bàn quản lý.
+ Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn là cơ quan trực tiếp thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng theo địa bàn phường, xã, thị trấn, trao Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo địa bàn quản lý.
– Thủ tục xin cấp số nhà:
Bước 1: Ngoài đơn yêu cầu, hồ sơ xin cấp số nhà còn bao gồm nhiều giấy tờ khác. Cụ thể, cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
+ Đơn xin cấp số nhà có xác nhận và đề xuất của chính quyền địa phương nơi có căn nhà (theo mẫu).
+ Chứng minh nhân dân và hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú của người xin cấp số nhà (bản sao)
+ Bản sao có chứng thực giấy tờ liên quan đến đất, căn nhà: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bản vẽ xin phép xây dựng, Giấy phép xây dựng,
+ Các giấy tờ có liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Người làm đơn nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân quận – huyện (trong giờ hành chính).
Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn trao cho người nộp.
+ Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì công chức tiếp nhận hướng dẫn một lần để người nộp hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Nhận kết quả:
Người làm đơn theo giấy hẹn, nhận quyết định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân quận – huyện.
5. Một số quy định của pháp luật về nguyên tắc đánh số nhà:
Căn cứ pháp lý:
“Điều 4. Nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách
1. Đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…, n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7…), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8…).
2. Chiều đánh số nhà
a) Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc;
b) Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì lấy chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ. Trường hợp ngõ đặt tên theo đường, phố và ngõ thông ra đường, phố cả hai phía, thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ bên kia.
Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngách sát với ngõ đến nhà cuối ngách;
c) Đối với ngõ hoặc ngách chưa có tên thì chiều đánh số được áp dụng theo nguyên tắc quy định tại điểm b khoản này và tên ngõ hoặc ngách được lấy theo số nhà mặt đường nằm kề ngay trước đầu ngõ hoặc ngách đó.”
“Điều 5. Nguyên tắc đánh số căn hộ của nhà chung cư
1. Đánh số căn hộ được sử dụng dãy số tự nhiên với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Hai chữ số hàng chục và hàng đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và hàng trăm chỉ tầng nhà có căn hộ đó.
2. Chiều đánh số căn hộ
a) Trường hợp ngôi nhà chung cư có một cầu thang ở giữa, bố trí hành lang giữa hoặc không có hành lang thì chiều đánh số căn hộ hoặc phòng được thực hiện theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của người bước lên tầng nhà đó.
Trong trường hợp ngôi nhà có nhiều cầu thang, bố trí hành lang giữa thì chọn cầu thang có vị trí gần nhất tiếp giáp với lối đi vào. Chiều đánh số thực hiện theo nguyên tắc trên;
b) Trường hợp ngôi nhà có hành lang bên thì chiều đánh số căn hộ theo chiều từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy căn hộ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên, phía bên trái.”
“Điều 6. Nguyên tắc đánh tên nhóm nhà
Trong một khu có nhiều nhà tạo thành các nhóm nhà mà các lối đi giữa các nhóm nhà không được đặt tên (đường, phố, ngõ, ngách) thì cần phải đánh tên nhóm nhà theo quy định sau:
1. Việc đánh tên nhóm nhà áp dụng chữ cái in hoa của tiếng Việt (A, B, C…) sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Việt với chiều theo nguyên tắc sắp xếp của các nhóm nhà trong khu vực đó.
2. Trường hợp khu nhà trong một biển số nhà, có nhiều nhóm nhà thì chiều đánh tên nhóm nhà được bắt đầu từ nhóm nhà nằm gần lối vào khu nhà đi dần vào phía cuối khu nhà. Trường hợp các nhóm nhà nằm 2 bên trục đường giao thông nội bộ thì chiều đánh tên nhóm nhà cũng xác định theo phương pháp này, các nhóm nhà nằm phía bên trái đường nội bộ đánh tên A,C, Đ, G, I,…, các nhóm nhà phía bên phải đường nội bộ đánh tên B, D, E, H, K….”
“Điều 7. Nguyên tắc đánh tên ngôi nhà trong một nhóm nhà
Tên ngôi nhà trong nhóm nhà được viết bằng tên ghép của tên nhóm nhà và số thứ tự của ngôi nhà trong nhóm nhà đó (ví dụ: A10, B15, C4…..). Trong đó, tên nhóm nhà được xác định theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này; số thứ tự của ngôi nhà được dùng là các số tự nhiên (1, 2, 3…, n). Chiều đánh số thứ tự của ngôi nhà trong mỗi nhóm nhà được xác định theo nguyên tắc sắp xếp các ngôi nhà trong nhóm nhà đó.”
“Điều 8. Nguyên tắc đánh số tầng nhà của nhà chung cư
1. Đánh số tầng nhà theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng 1 của ngôi nhà (không tính tầng hầm). Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,…, n, với n là tổng số tầng của ngôi nhà) để đánh số tầng và được lấy từ số nhỏ đến số lớn. Có thể đặt tên tầng trệt thay cho tầng 1, khi đó các tầng tiếp theo từ dưới lên được đánh số là tầng 1, tầng 2,… tầng n-1.
2. Trường hợp nhà có tầng ngầm thì đánh số tầng ngầm theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng ngầm ở trên cùng xuống ngầm phía dưới, bắt đầu từ tầng ngầm gần nhất với tầng 1 hoặc tầng trệt của ngôi nhà. Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,…, n với n là tổng số tầng ngầm của ngôi nhà) để đánh số tầng ngầm, lấy từ số nhỏ đến số lớn. Để phân biệt với tầng nhà thì viết thêm ký hiệu N vào trước số tầng ngầm (ví dụ: N1, N2, N3,…).”
“Điều 9. Nguyên tắc đánh số cầu thang nhà chung cư
Đánh số cầu thang nhà chung cư (từ 2 cầu thang sử dụng chung trở lên) theo nguyên tắc lấy chiều từ lối đi chính vào nhà, cầu thang đầu tiên đánh số 1, những cầu thang tiếp theo được đánh số 2, 3,…n.”