Khi thực hiện hoạt động đề nghị, các tổ chức, cá nhân phải sử dụng đến đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản. Vậy, Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản bao gồm những nội dung nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Đơn xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản là gì?
- 2 2. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản (23.NT):
- 3 3. Cách soạn thảo đơn xin cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản:
- 4 4. Quy định về cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản:
1. Đơn xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản là gì?
Nuôi trồng thủy sản chính là hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng thủy sản để cung cấp cho thị trường hoặc vì các mục đích khác như nghiên cứu khoa học, làm cảnh, mỹ nghệ, mỹ phẩm,…… Hoạt động nuôi trồng thủy sản được thực hiện bởi các cơ sở gọi là cơ sở nuôi trồng thủy sản. Cơ sở nuôi trồng thủy sản này phải đáp ứng các điều kiện theo luật định như
“a) Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi;
c) Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động;
d) Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
đ) Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực” (Khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản năm 2017)
Đây là những điều kiện cốt lõi nhằm đảm bảo việc nuôi trồng thủy sản bên cạnh có chất lượng còn phải bảo vệ môi trường, có hiệu quả,… Trong các tiêu chí trên thì tiêu chí về điều kiện của cơ sở nuôi trồng thủy sản có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Do đó, trước khi đưa vào nuôi trồng thủy sản, thì các tổ chức, cá nhân phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản. Các tổ chức, cá nhân cần tiến hành lập Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản để gửi lên cơ quan có thẩm quyền. Vậy có thể hiểu Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản chính là văn bản do các tổ chức, cá nhân là chủ của cơ sở nuôi trồng thủy sản lập gửi lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đề nghị các cơ quan cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản cho các cơ sở đó.
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản (23.NT) chính là văn bản thể hiện mong muốn của các tổ chức, cá nhân là chủ của cơ sở nuôi trồng thủy sản, đây chính là văn bản để các chủ thể này trình bày về những điều kiện thực tế của cơ sở nuôi trồng thủy sản do mình làm chủ. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản được gửi lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng với các giấy tờ khác- đây chính là căn cứ để các cơ quan này quyết định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản cho cơ sở đề nghị đó.
2. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản (23.NT):
Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản (23.NT) được quy định trong Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Mẫu đơn như sau:
Mẫu số 23.NT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
………, ngày…….. tháng….. năm……. (1)
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP
GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Kính gửi: (Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh)
1. Tên cơ sở nuôi trồng thủy sản: ……… (2)
2. Địa chỉ của cơ sở: ……. ; (3)
Điện thoại…….; Số fax…..; Email……
3. Địa điểm nuôi trồng: ……. (4)
4. Đối tượng thủy sản nuôi trồng: ………(5)
5. Số lượng ao/bể/lồng: …….. (6)
6. Tổng diện tích cơ sở: …. (7)
7. Tổng diện tích mặt nước/thể tích lồng nuôi trồng: ……..
Đề nghị: … (Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh) …. cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu)
3. Cách soạn thảo đơn xin cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản:
(1) Ghi địa danh, ngày tháng năm lập đơn
(2) Ghi đầy đủ tên của cơ sở nuôi trồng thủy sản
(3) Ghi địa chỉ của cơ sở đề nghị, ghi rõ thôn/xóm, xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành phố
(4) Ghi địa điểm nuôi trồng của cơ sở đề nghị, ghi rõ thôn/xóm, xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành phố
(5) Ghi đối tượng (con vật ) mà cơ sở đề nghị có kế hoạch nuôi trồng
(6) Số lượng ao/bể/lồng nuôi trồng của cơ sở
(7) Ghi tổng diện tích của cơ sở đề nghị
4. Quy định về cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản:
Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đồng thời đây cũng là cơ quan có thẩm quyền Giấy chứng nhận đã cấp đó. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hiện nay hầu như được giao cho Chi cục thủy sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Khi có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản thì cá nhân, tổ chức lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản gồm các văn bản: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản theo mẫu cung cấp ở phần trên; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; và sơ đồ vị trí đặt lồng bè/Sơ đồ khu vực nuôi. (Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản).
Cơ sở có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, có thể thực hiện hoạt động gửi hồ sơ này bằng cách nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến các cơ quan. Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan tiến hành kiểm tra sự đầy đủ của hồ sơ được gửi đến.
Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra thực tế tại cơ sở nuôi trồng thủy sản có đề nghị và tiến hành lập Biên bản kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, mẫu biên bản này được ban hành theo Mẫu số 24.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Thời hạn tiến hành kiểm tra đó chính là trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Các tiêu chí trong hoạt động kiểm tra có thể kể đến như: Kiểm tra hồ sơ lưu giữ tại cơ sở về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản, nhật ký ao nuôi, hóa đơn hoặc phiếu mua vật tư, sử dụng con giống, sử dụng thức ăn, sử dụng sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản,… . Kiểm tra về thu gom và xử lý chất thải, thủy sản chết, kế hoạch phục hồi môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản,… Kiểm tra về người làm việc tại cơ sở nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra các trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; kiểm tra bờ ao (đầm/hầm), bể; kiểm tra khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu; kiểm tra về nơi chứa, xử lý rác thải, thủy sản chết. Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh, còn phải kiểm tra về hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, kiểm tra nơi chứa bùn thải; biển cảnh báo, chỉ dẫn…..
Nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 25.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh không cấp Giấy chứng nhận, thì cơ quan này phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Thời hạn của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản là 24 tháng
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Thủy sản năm 2017;
– Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;