Đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật còn là căn cứ để Cơ quan, chủ thể có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật cho cá nhân, tổ chức. Vậy đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật là gì?
Mục lục bài viết
1. Đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật là gì?
Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật là mẫu đơn do cá nhân, tổ chức lập ra gửi cho Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền để đăng ký về việc nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật. Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật phải nêu rõ thông tin về cá nhân, tổ chức đăng ký nhập khẩu, nội dung đăng ký, thông tin nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật…
Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật là văn bản ghi nhận những thông tin về cá nhân, tổ chức đăng ký nhập khẩu, nội dung đăng ký, thông tin nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật…Ngoài ra, đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật còn là căn cứ để Cơ quan, chủ thể có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật cho cá nhân, tổ chức.
2. Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật:
TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
——-
Số:………….. ĐKNK
Tel:
Fax:
Email:
Địa chỉ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
(Địa danh), ngày….. tháng….. năm….
ĐƠN ĐĂNG KÝ NHẬP KHẨU VẮC XIN, VI SINH VẬT
Kính gửi: Cục Thú y
Căn cứ nhu cầu nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật dùng trong thú y đã có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, cho Mục đích:
□ Sử dụng □ Quà biếu, tặng
□ Kinh doanh □ Tham dự hội chợ triển lãm
□ Kiểm nghiệm □ Hàng mẫu
□ Khảo nghiệm □ Dùng cho vật nuôi nhập khẩu
□ Khác
Chúng tôi đề nghị nhập khẩu các loại vắc xin, vi sinh vật dùng trong thú y sau đây:
Tên sản phẩm
Nhà sản xuất
Nước sản xuất
Số ĐKLH
Đơn vị tính
Số lượng nhập
Thành tiền
Tổng giá trị đơn hàng (Bằng chữ):
Cửa khẩu nhập:
Thời gian nhập khẩu dự kiến:
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
3. Hướng dẫn viết đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật:
Phần kính gửi của đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật thì người làm đơn sẽ ghi cụ thể tên của Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ( Cục thú y).
Phần nội dung đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật yêu cầu người làm đơn sẽ cung cấp những thông tin như sau:
+ thông tin cơ bản, cần thiết của cá nhân, tổ chức đăng ký.
+ thông tin về vắc xin, vi sinh vật dùng trong thú y sẽ nhập khẩu.
Cuối đơn đăng ký nhập khẩu vắc xin, vi sinh vật người làm đơn sẽ ký và ghi rõ họ tên để là bằng chứng.
4. Nhập khẩu thuốc thú y:
Thuốc thú y là đơn chất hoặc hỗn hợp các chất bao gồm dược phẩm, vắc-xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh, phục hồi chức năng sinh trưởng, sinh sản của động vật.
4.1. Điều kiện nhập khẩu thuốc thú y:
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
+ Có đủ các điều kiện buôn bán thuốc thú y quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 92 của Luật thú y 2015;
+ Có kho đủ điều kiện để bảo quản thuốc;
+ Có Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam hoặc giấy phép nhập khẩu thuốc thú y theo quy định;
+ Có hồ sơ kiểm soát chất lượng và theo dõi xuất, nhập đối với từng loại thuốc;
+ Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y.
4.2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y:
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y có quyền sau đây:
– Được pháp luật bảo vệ về thương hiệu hàng hóa;
– Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật;
– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y có nghĩa vụ sau đây:
– Cung cấp hồ sơ nhập khẩu đúng với nội dung đã đăng ký;
– Tuân thủ quy định về điều kiện bảo quản thuốc;
– Cung cấp thuốc bảo đảm chất lượng theo đúng nội dung đăng ký;
– Lưu giữ tài liệu có liên quan đến từng lô thuốc thú y trong thời hạn ít nhất 06 tháng, kể từ ngày thuốc thú y hết hạn sử dụng;
– Chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp đầy đủ tài liệu có liên quan cho việc lấy mẫu, thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu;
– Trả kinh phí xử lý, bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu thuốc thú y gây ra theo quy định của pháp luật.
4.3. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y:
Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y bao gồm:
– Đơn đăng ký;
– Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật;
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Chứng chỉ hành nghề thú y.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y:
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y cho Cục Thú y;
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y kiểm tra điều kiện của cơ sở nhập khẩu thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y trong trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng; thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký:
+ Hồ sơ đăng ký cấp lại bao gồm đơn đăng ký cấp lại; tài liệu chứng minh nội dung thay đổi trong trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y đã được cấp, trừ trường hợp bị mất;
+ Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y cho Cục Thú y; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Cục Thú y thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y trong các trường hợp sau đây:
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;
+ Vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ ba lần trở lên trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính ba lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực nhập khẩu thuốc thú y;
+ Không còn hoạt động nhập khẩu thuốc thú y;
+ Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y.
Chính sách của Nhà nước về hoạt động thú y được Luật thú y quy định cụ thể:
– Trong từng thời kỳ, Nhà nước có chính sách cụ thể đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động sau đây:
+ Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ trong chẩn đoán, xét nghiệm, chữa bệnh động vật; xây dựng các cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, khảo nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng thuốc thú y phục vụ quản lý nhà nước; xây dựng khu cách ly kiểm dịch;
+ Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; quy hoạch cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi;
+ Phát triển hệ thống thông tin, giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật;
+ Phòng, chống dịch bệnh động vật và khắc phục thiệt hại sau dịch bệnh động vật;
+ Phòng, chống dịch bệnh có trong Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch; kiểm soát, khống chế, thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật, các bệnh truyền lây giữa động vật và người;
+ Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường;
+ Sản xuất thuốc thú y, vắc-xin phục vụ phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm của động vật;
+ Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật.
– Nhà nước khuyến khích các hoạt động sau đây:
+ Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; xây dựng cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung;
+ Tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật; xã hội hóa hoạt động thú y, bảo hiểm vật nuôi;
+ Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thực hành tốt, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong lĩnh vực thú y;
+ Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thú y;
+ Chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ động vật vì mục đích nhân đạo.
– Người thực hiện hoạt động thú y theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu bị lây nhiễm bệnh, bị thương, chết thì được xem xét, hưởng chế độ, chính sách như đối với thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.