Mặc dù hoạt động sản xuất phân bón trong nước đã mang đến một số lượng lớn sản phẩm cung cấp cho nông dân. Pháp luật cho phép các tổ chức, cá nhân có quyền nhập khẩu phân bón nhưng trước hết họ cần viết và nộp đơn đăng ký nhập khẩu phân bón.
Mục lục bài viết
1. Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón là gì?
Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón là văn bản do cá nhân, tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cá nhân, tổ chức đó chưa được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phát sinh nghĩa vụ xem xét, đánh giá và đưa ra quyết định cho phép tổ chức, cá nhân nhập khẩu trong trường hợp chưa được cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam nhưng nhằm phục vụ một số nhu cầu luật định.
2. Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu phân bón:
TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
——-
Số:………
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…., ngày ….. tháng ….. năm ……
ĐƠN ĐĂNG KÝ NHẬP KHẨU PHÂN BÓN
Kính gửi: Cục Bảo vệ thực vật
1.Tên tổ chức, cá nhân: …………
Địa chỉ: …………
Điện thoại: ………….. Fax: …………
2. Tên phân bón: ………
3. Số lượng nhập khẩu: ……
4. Nhà sản xuất, xuất xứ: ………
5. Mục đích nhập khẩu
□ Phân bón để khảo nghiệm
□ Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí
□ Phân bón sử dụng trong dự án nước ngoài tại Việt Nam
□ Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu
□ Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm
□ Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học
□ Phân bón làm nguyên liệu sản xuất phân bón khác
□ Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất
6.Thời gian nhập khẩu (dự kiến):…………
7.Cửa khẩu nhập khẩu (dự kiến):……
8.Các tài liệu nộp kèm theo: …………
Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến phân bón nhập khẩu.
Khi cần liên hệ theo địa chỉ: ……, điện thoại: ……, Fax: ….., E-mail: …………
…….., ngày …… tháng …. năm….
Tổ chức, cá nhân đăng ký
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn viết đơn đăng ký nhập khẩu phân bón chi tiết nhất:
Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu phân bón khá đơn giản, người làm đơn cần chú ý các mục về địa danh, ngày tháng năm làm đơn, tên cơ quan, tổ chức, địa chỉ, phương thức liên hệ, tên phân bón, số lượng nhập khẩu.
Về mục đích nhập khẩu, người làm đơn đánh dấu vào ô trống. Để dễ dàng kiểm soát hoạt động nhập khẩu, người làm đơn phải xác định được thời gian nhập khẩu dự kiến và cửa khẩu dự kiến sẽ nhập khẩu.
Cuối đơn, đại diện tổ chức, cá nhân ký tên và đóng dấu
4. Các vấn đề pháp lý về nhập khẩu phân bón:
Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.
Căn cứ vào Luật Trồng trọt năm 2018 và Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón ghi nhận các nội dung sau:
4.1. Nhập khẩu phân bón:
– Tổ chức, cá nhân có phân bón đã được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và không cần Giấy phép nhập khẩu phân bón.
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón trong trường hợp sau đây:
+ Phân bón để khảo nghiệm;
+ Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
+ Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
+ Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
+ Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
+ Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
+ Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
+ Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.
– Trường hợp ủy quyền nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền phải xuất trình giấy ủy quyền của tổ chức, cá nhân có phân bón đã được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam cho cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra nhà nước.
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định về nhập khẩu hàng hóa thì phải nộp (trực tiếp hoặc thông qua Hệ thống Một cửa quốc gia) cho cơ quan Hải quan: Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và điểm b, c, g khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt; Giấy phép nhập khẩu phân bón đối với trường hợp quy định khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt.
4.2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón gồm:
– Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón theo Mẫu số 13 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
– Tờ khai kỹ thuật theo Mẫu số 14 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
– Văn bản của nhà sản xuất về chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và yếu tố hạn chế trong phân bón;
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp (Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt);
– Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam (Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt);
– Đề cương nghiên cứu về phân bón đề nghị nhập khẩu (Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt);
–
4.3. Trình tự và thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón theo Mẫu số 15 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4.4. Hồ sơ, trình tự, nội dung và thẩm quyền kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu
– Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu gồm:
+ Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu theo Mẫu số 16 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản chụp các giấy tờ sau:
– Trình tự kiểm tra và lấy mẫu như sau:
+ Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan kiểm tra nhà nước quy định tại khoản 4 Điều này;
+ Cơ quan kiểm tra nhà nước kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này trong thời gian 01 ngày làm việc.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan kiểm tra nhà nước xác nhận vào đơn đăng ký và tiến hành lấy mẫu theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ, cơ quan kiểm tra nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
+ Lấy mẫu kiểm tra chất lượng.
Kiểm tra thực tế sự phù hợp của lô phân bón tại địa điểm lấy mẫu so với tài liệu trong hồ sơ đăng ký. Trường hợp phù hợp, tiến hành lấy mẫu phân bón. Mẫu phân bón sau khi lấy phải được niêm phong và lập Biên bản lấy mẫu kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu theo Mẫu số 17 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu chất lượng và yếu tố hạn chế của phân bón theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Trường hợp chỉ tiêu chất lượng chưa được chỉ định cho các phòng thử nghiệm trong nước thì cơ quan được giao thực hiện quản lý nhà nước về phân bón xem xét chấp thuận kết quả thử nghiệm chất lượng của nhà sản xuất.
+ Thông báo kết quả kiểm tra.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan kiểm tra nhà nước thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 18 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Phân bón được phép đưa về kho bảo quản trước khi có kết quả kiểm tra và thực hiện theo quy định về thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
– Chế độ miễn giảm kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu
+ Chế độ miễn giảm kiểm tra được áp dụng đối với phân bón cùng tên phân bón, mã số phân bón, dạng phân bón của cùng một cơ sở sản xuất, cùng xuất xứ, cùng nhà nhập khẩu, sau 3 lần liên tiếp có kết quả thử nghiệm kiểm tra nhà nước về chất lượng đạt yêu cầu nhập khẩu. Khối lượng của mỗi lần nhập khẩu sau không được vượt quá tổng khối lượng của 3 lần nhập khẩu liên tiếp sử dụng làm căn cứ miễn giảm kiểm tra.
+ Thời hạn miễn giảm kiểm tra là 12 tháng. Tần suất lấy mẫu kiểm tra chất lượng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này đối với phân bón được áp dụng chế độ miễn giảm kiểm tra tối đa 20% trong vòng 01 năm do cơ quan kiểm tra lựa chọn ngẫu nhiên.
+ Trong thời gian áp dụng chế độ miễn giảm kiểm tra, nhà nhập khẩu nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này cho cơ quan kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều này. Cơ quan kiểm tra chỉ lấy mẫu kiểm tra chất lượng theo tần suất quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
Trường hợp không lấy mẫu kiểm tra chất lượng, trong thời hạn 2 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan kiểm tra nhà nước thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 18 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
+ Hồ sơ và trình tự đề nghị miễn giảm kiểm tra theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
+ Trong thời hạn áp dụng chế độ miễn giảm kiểm tra, nếu hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường phát hiện không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, cơ quan được giao thực hiện quản lý nhà nước về phân bón có văn bản thông báo ngừng áp dụng chế độ miễn giảm kiểm tra.
– Cơ quan kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu là Cục Bảo vệ thực vật hoặc tổ chức chứng nhận hợp quy có phòng thử nghiệm đáp ứng quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP và được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền theo từng giai đoạn.