Để hoạt động thương mại tại biên giới, thương nhân phải nộp đơn đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới là gì? Thủ tục đăng ký hoạt động thương mại biên giới được tiến hành như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật Dương Gia:
Mục lục bài viết
- 1 1. Đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới là gì?
- 2 2. Mẫu đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới mới nhất:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới chi tiết nhất:
- 4 4. Thủ tục đăng ký hoạt động thương mại biên giới (Việt Nam – Lào):
- 5 5. Một số quy định pháp luật về hoạt động thương mại biên giới:
1. Đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới là gì?
Theo quy định tại Khoản 1. Điều 3
Như vậy có thể hiểu hoạt động thương mại biên giới được diễn ra ở khu vực biên giới của Việt Nam với các Quốc gia láng giềng. Nước có chung biên giới là nước có chung đường biên giới đất liền với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia.
Thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới là mẫu đơn được soạn thảo bởi thương nhân Việt Nam gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký hoạt động thương mại biên giới.
Đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới được soạn thảo nhằm mục đích đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoạt động thương mại ở khu vực biên giới. Nội dung đơn gồm: Tên thương nhân, địa chỉ kinh doanh, …
2. Mẫu đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới mới nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————-
…., ngày … tháng … năm …
ĐƠN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG
THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VIỆT NAM – …..
Kính gửi: Sở Công Thương tỉnh ….
– Tên thương nhân: …
– Địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh: …
– Điện thoại:…. Fax:….Email:…… Website:……
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số:… do …. cấp ngày …
Căn cứ …
Đề nghị Sở Công Thương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh … cho phép ….(tên thương nhân)…được hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-….. để được hưởng chính sách ưu đãi của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào tại các cửa khẩu, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động thương mại biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam – ….
(Tên thương nhân)… xin sao gửi kèm theo hồ sơ liên quan, bao gồm:
1…
2…
…(Tên thương nhân)… xin cam đoan thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam -….và quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động thương mại biên giới./.
Người đại diện theo pháp luật của thương nhân
(Ghi rõ chức danh, họ tên, ký tên và đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới chi tiết nhất:
Phần Kính gửi: Ghi thôn tin Sở Công Thương tỉnh – nơi thương nhân gửi đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới
Phần thông tin của thương nhân:
– Tên thương nhân: Ghi rõ tên thương nhân theo thông tin trên GCNĐKKD, tên viết tắt/tên Tiếng Anh (nếu có)
– Địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh: Ghi theo địa chỉ trụ sở kinh doanh đã đăng ký ( ghi rõ tên đường, khu phố, phường/xã/thị trấn, Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương)
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số:… do …. cấp ngày: Ghi theo thông tin trên GCNĐKKD
Đề nghị Sở Công Thương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh … cho phép ….( Ghi tên thương nhân)…được hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-…..
Thương nhân gửi kèm theo hồ sơ liên quan
Thương nhân cam đoan thực hiện nghiêm túc các quy định ….
Người đại diện theo pháp luật của thương nhân Ghi rõ chức danh, họ tên, ký tên và đóng dấu
4. Thủ tục đăng ký hoạt động thương mại biên giới (Việt Nam – Lào):
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký hoạt động thương mại biên giới (Việt Nam – Lào) gồm:
– Đơn đăng ký hoạt động thương mại biên giới theo mẫu
– Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã: 01 (một) bản sao, có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
Bước 2: Gửi hồ sơ
Thương nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào đến một trong các Sở Công Thương tỉnh biên giới của Việt Nam với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
– Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Sở Công Thương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xem xét, quyết định việc công bố thương nhân được thực hiện hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào.
– Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Sở Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xem xét, ban hành hoặc từ chối ban hành quyết định công bố thương nhân được thực hiện hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào.
Trường hợp từ chối đề nghị của thương nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trả lời hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương tỉnh biên giới trả lời thương nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Một số quy định pháp luật về hoạt động thương mại biên giới:
Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới ban hành Danh mục hàng hóa được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân trong từng thời kỳ.
5.1. Quy định về cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân:
– Cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương.
– Trường hợp hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới thực hiện qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa sau khi trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước.
– Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các địa điểm khác không phải là cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định
5.2. Quy định về chính sách thuế, phí và lệ phí:
Thương nhân hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, theo đó:
– Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại Nghị định này được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
– Thuế, phí và lệ phí trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
5.3. Thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới:
Hoạt động thương mại biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới.
Phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới gồm:
– Thanh toán qua ngân hàng.
– Thanh toán bằng tiền mặt.
– Thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng).
Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân hoặc cá nhân của nước có chung biên giới bằng hợp đồng bằng văn bản.
Trường hợp không xác lập hợp đồng bằng văn bản thì thương nhân phải lập bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới. Thương nhân Việt Nam ký tên, đóng dấu và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của bảng kê, có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới
– Thông tư 52/2015/TT-BCT
– Thông tư 56/2018/TT-BCT