Kiểm toán viên nhà nước là công chức của Kiếm toán nhà nước, do đó, pháp luật quy định rất cụ thể điều kiện, trình độ để trở thành kiểm toán viên, trong đó dự thi là bước đầu tiên. Để được dự thi, cá nhân phải nộp đơn dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước?
Kiểm toán viên nhà nước là công chức nhà nước được Tổng Kiểm toán nhà nước bổ nhiệm vào các ngạch kiểm toán viên nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
“Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước” do Tổng Kiểm toán nhà nước cấp cho người tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước có đủ điều kiện để làm cơ sở bổ nhiệm công chức vào các ngạch Kiểm toán viên nhà nước theo quy định.
Tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước
Kiểm toán viên nhà nước phải bảo đảm các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:
– Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán;
– Đã có thời gian làm việc liên tục từ 05 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán nhà nước từ 03 năm trở lên, không kể thời gian tập sự;
– Có chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.
Trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước
– Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.
– Tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình, nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan của Tổng Kiểm toán nhà nước.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.
– Thu thập bằng chứng kiểm toán, ghi nhận và lưu giữ tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
– Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm toán.
– Xuất trình thẻ Kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
– Thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chương trình cập nhật kiến thức hằng năm theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
– Báo cáo kịp thời, đầy đủ với người ra quyết định thành lập Đoàn kiểm toán khi có trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này và các tình huống khác làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Kiểm toán viên nhà nước.
Kiểm toán nhà nước tổ chức kỳ thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước dựa trên chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước và kế hoạch phát triển đội ngũ công chức phù hợp với hoạt động thực tiễn của Ngành (nhu cầu, số lượng công chức đăng ký dự thi).
Đối tượng được dự thi phải có các điều kiện:
– Công chức đang giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại Kiểm toán nhà nước, chưa được cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước;
– Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, khách quan, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các quy định của ngành, được đơn vị cử tham dự kỳ thi;
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc các chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán;
– Có Chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn ngạch kiểm toán viên;
– Đã có thời gian làm việc liên tục tối thiểu 04 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán nhà nước tối thiểu 02 năm trở lên, không kể thời gian tập sự;
– Công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật không được dự kỳ thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.
Hồ sơ đăng ký dự thi:
– Người đăng ký dự thi lần đầu, hồ sơ dự thi gồm:
+ Đơn đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước (Mẫu số 01);
+ Tờ khai thông tin theo quy định, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị (Mẫu số 02);
+ Bản sao bằng tốt nghiệp đại học; bản sao Chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn ngạch kiểm toán viên;
+ 03 ảnh màu cỡ 3×4 mới chụp trong thời gian không quá 6 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi.
– Người đăng ký thi lại các môn đã thi chưa đạt yêu cầu hoặc thi tiếp các môn chưa thi để đạt số điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy chế này, hồ sơ gồm:
+ Đơn đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước (Mẫu số 01);
+ Giấy Chứng nhận kết quả thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước của những lần thi trước;
+ 03 ảnh mẫu cỡ 3×4 mới chụp trong thời gian không quá 6 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi.
Quy trình cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước
– Vụ Tổ chức cán bộ lập hồ sơ những người đủ điều kiện cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
– Tổng Kiểm toán Nhà nước ký Quyết định cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.
– Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.
– Người được nhận Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước ký nhận vào sổ theo dõi nhận chứng chỉ.
– Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước chỉ được cấp 01 lần. Đối với trường hợp Chứng chỉ bị mất, rách, bị hư hỏng căn cứ vào hồ sơ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Kiểm toán nhà nước cấp chứng nhận đã được cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.
Hồ sơ gồm có: Đơn xin cấp chứng nhận đã được cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị, trong đó nêu rõ Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước bị mất hoặc bị rách, bị hư hỏng và nộp lại Chứng chỉ bị rách, bị hư hỏng kèm theo.
2. Đơn đăng ký dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước là gì?
Đơn đăng ký dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước là văn bản do cá nhân đủ điều kiện theo Luật định gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bày tỏ nguyện vọng đăng ký dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước.
Đơn đăng ký dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước được dùng làm cơ sở là người dự thi có đăng ký dự thi, qua đó, cơ quan có thẩm quyền xác định số lượng người tham gia dự thi và thực hiện sắp xếp, tổ chức phòng thi, đề thi,…
3. Mẫu đơn đăng ký dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…, ngày ……. tháng ……. năm 20…..
ĐƠN ĐĂNG KÝ DỰ THI
Cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước
Năm: ………
Kính gửi: Hội đồng thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước
Tên tôi là:
Ngày tháng năm sinh:
Đơn vị:
Chức vụ:
Trình độ chuyên môn:
Đang giữ ngạch: …. Mã ngạch: …. Thời gian bổ nhiệm ngạch: ……. Bậc lương: …. Hệ số: …… Thời gian xếp bậc: ……
Sau khi nghiên cứu điều kiện dự thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước tại Quy chế thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-KTNN ngày tháng năm 2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước, tôi thấy bản thân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham dự Kỳ thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước năm ………..
Tôi làm đơn này kính đề nghị Hội đồng xem xét cho tôi được tham dự kỳ thi và đăng ký thi các môn sau:
1. Kiến thức chung về Kiểm toán nhà nước □
2. Kiến thức chuyên ngành tài chính, kế toán □
3. Kiến thức chuyên ngành kiểm toán □
Tôi sẽ cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt kỳ thi và chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế thi.
Người làm đơn
(Ghi rõ họ tên)
4. Hướng dẫn mẫu đơn đăng ký dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước:
– Người viết đơn ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh theo giấy khai sinh.
– Đơn vị đang công tác ( nêu rõ tên đơn vị và địa chỉ đơn vị) và chức vụ người viết đơn đang giữ.
– Đang giữ ngạch: Kiểm toán viên/ Kiểm toán viên chính / Kiểm toán viên cao cấp/ chuyên viên hoặc tương đương trở lên.
– Mã ngạch, thời gian bổ nhiệm ngạch, bậc lương, hệ số được ghi theo
– Người viết đơn ghi ngày, tháng, năm, ký và ghi rõ họ tên.
Điều kiện miễn thi: Người đăng ký dự thi có Chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập – CPA Việt Nam hoặc Chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế (Chứng chỉ Hiệp hội kế toán công chứng Anh – ACCA, Chứng chỉ Hiệp hội kế toán viên công chứng Australia – CPA Australia, Chứng chỉ Viện Kế toán công chứng Anh Quốc và xứ Wales – ICAEW …) hoặc có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành kiểm toán được miễn môn thi Kiến thức chuyên ngành kiểm toán. Những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành tài chính, kế toán được miễn môn thi Kiến thức chuyên ngành tài chính, kế toán.
Cơ sở pháp lý:
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015.
Quyết định 1894/QĐ-KTNN của Kiểm toán nhà nước Ban hành Quy chế thi cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.