Để tiến hành hoạt động dạy thêm trong nhà trường, giáo viên phải tiến hành soạn thảo đơn đăng ký dạy thêm gửi đến Ban Giám hiệu nhà trường xin xét duyệt phương án dạy thêm trong trường. Vậy đơn đăng ký dạy thêm trong nhà trường là gì?
Mục lục bài viết
1. Đơn đăng ký dạy thêm trong nhà trường là gì?
Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức.
Đơn đăng ký dạy thêm trong nhà trường là mẫu đơn được soạn thảo bởi giáo viên có nguyện vọng dạy thêm trong các cơ sở giáo dục. Nội dung đơn nêu rõ lớp dạy thêm, thời gian tổ chức dạy thêm, giáo viên cam kết thực hiện đúng các quy định của Nhà trường về dạy thêm, học thêm cũng như các quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm
Soạn thảo đơn đăng ký dạy thêm trong nhà trường được soạn thảo nhằm mục đích xin xét duyệt phương án dạy thêm trong trường của cá nhân/ tập thể giáo viên.
Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Đơn đăng ký dạy thêm là căn cứ để Ban giám hiệu cơ sở giáo dục xét duyệt và phân phối lớp học, giáo viên cho hoạt động dạy thêm trong nhà trường.
2. Mẫu đơn đăng ký dạy thêm trong nhà trường mới nhất hiện nay:
PHÒNG GD- ĐT ……………….
TÊN CƠ SỞ TỔ CHỨC DẠY THÊM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————
ĐƠN ĐĂNG KÝ DẠY THÊM TRONG NHÀ TRƯỜNG
(Dành cho giáo viên)
Kính gửi: Cơ sở dạy thêm trường …..
Tôi tên: …… Ngày sinh: …….
Chức vụ: ……..
Chuyên ngành đào tạo: ………
Sau khi nghiên cứu Quyết định số …….. ngày…tháng…năm… của Ủy ban nhân dân tỉnh …………….. ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh …
Tôi làm đơn đăng ký dạy thêm tại cơ sở dạy thêm Trường …….
Môn dạy thêm: …….
Dạy thêm lớp: ……
Hình thức dạy thêm (Luyện thi ĐH-CĐ, ôn thi tốt nghiệp,…):
Tôi cam kết sẽ thực hiện dạy thêm đúng theo quy định của Ngành và của cơ sở tổ chức dạy thêm.
…….., ngày…tháng…năm..
Người đăng ký dạy thêm
(ký tên)
Xác nhận của Thủ trưởng
(Nhận xét về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký dạy thêm trong nhà trường mới nhất hiện nay:
Kính gửi: Cơ sở dạy thêm trường : Ghi tên cơ sở giáo dục nơi gửi đơn xin dạy thêm trong nhà trường
Tôi tên: Viết đầy đủ họ, tên đệm, tên theo giấy khai sinh/CMND/CCCD bằng chữ in hoa
Ngày sinh: Xác định theo ngày, tháng, năm dương lịch và được ghi đầy đủ 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh;
Chức vụ: Ghi theo chức vụ đang đảm nhiệm ở hiện tại
Chuyên ngành đào tạo: Ghi rõ chuyên ngành đào tạo
Sau khi nghiên cứu Quyết định số …….. ngày…tháng…năm… của Ủy ban nhân dân tỉnh …………….. ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh …
Tôi làm đơn đăng ký dạy thêm tại cơ sở dạy thêm Trường : Ghi tên trường gửi đơn xin dạy thêm
Môn dạy thêm: Ghi rõ môn học dạy thêm ( Môn văn lớp 6/Môn Toàn lớp 7,….)
Dạy thêm lớp: Ghi tên lớp dạy thêm (Trong trường hợp dạy thêm tại nhiều lớp thì người làm đơn phải liệt kê tất cả danh sách các lớp tham gia giảng dạy)
Hình thức dạy thêm (Luyện thi ĐH-CĐ, ôn thi tốt nghiệp,…)
Lời cam kết
Tôi cam kết sẽ thực hiện dạy thêm đúng theo quy định của Ngành và của cơ sở tổ chức dạy thêm
Người đăng ký dạy thêm: Ký và ghi rõ họ tên
Xác nhận của Thủ trưởng
4. Một số quy định của pháp luật về hạt động dạy thêm, học thêm:
Hiện nay hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường được điều chỉnh bởi Thông tư 17/2012/TT- BGDĐT
4.1. Quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm:
– Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
– Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
– Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
– Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
– Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
4.2. Các trường hợp không được dạy thêm:
– Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
– Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
– Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
– Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
4.3. Quy định về thu và quản lý tiền học thêm:
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;
c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
4.4. Trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm:
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
– Căn cứ quy định tại văn bản này và các quy định khác có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm. Văn bản quy định về dạy thêm, học thêm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn;
b) Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
c) Việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm;
d) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
Cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.
Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
Tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; bảo đảm các điều kiện quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm và quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm.
Quản lý, tổ chức việc dạy và học chính khóa, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm quy định tại điều 3 quy định này; quản lý việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, xác nhận các nội dung yêu cầu đối với người dạy thêm theo quy định tại khoản 5, điều 8 quy định này nhằm ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.