Mẫu đề nghị xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa là mẫu đơn đề nghị được lập ra để đề nghị về việc xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa dành cho chủ thể là hộ gia đình, cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đề nghị xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa:
Nhìn chung thì có thể thấy, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể thế nào là mẫu đề nghị xác định tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Tuy nhiên mẫu đề nghị này sẽ được dành cho các chủ thể là hộ gia đình và cá nhân, là mẫu đơn được lập ra để đề nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định tiền bảo vệ và phát triển đối với loại đất trồng lúa dành cho các chủ thể nêu trên. Trong mẫu đề nghị này sẽ bao gồm một số nội dung cơ bản, có thể là nội dung đề nghị và số tiền bảo vệ … Cụ thể như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…, ngày … tháng … năm …
ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÁC ĐỊNH TIỀN BẢO VỆ, XÁC ĐỊNH ĐẤT TRỒNG LÚA
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Quyết định số … /QĐ-UBND ngày … tháng … năm của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố về mức thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
Kính gửi: ở Tài chính tỉnh/thành phố: … (Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, thành phố, thị xã)
Tôi tên là: …
Số chứng minh nhân dân / căn cước công dân: …
Ngày cấp: …
Nơi cấp: …
Địa chỉ: …
Điện thoại: …
Tôi đề nghị xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa như sau:
1. Diện tích đất được Ủy ban nhân dân tỉnh (Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã) cho thuê (giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất) là: … m2, trong đó diện tích đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm) nằm trong diện tích đất thuê (đất giao, đất chuyển mục đích sử dụng) là: … m2.
2. Số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đề nghị xác định là: … đồng
Đề nghị Sở Tài chính tỉnh/thành phố (phòng Tài chính – kế hoạch huyện, thành phố, thị xã) xác định số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để tôi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định./.
Tài liệu kèm theo: … | …, ngày … tháng … năm … NGƯỜI ĐỀ NGHỊ (Ký, ghi rõ họ tên) |
2. Quy định về mức thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa:
Căn cứ theo Thông tư 02/2023/TT-BTC sửa đổi Thông tư 18/2016/TT-BTC quản lý sử dụng đất trồng lúa, có quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, cụ thể như sau:
Mức tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = tỷ lệ phần trăm (%) x diện tích x giá của loại đất trồng lúa
Trong đó thì:
– Tỷ lệ phần trăm để xác định số tiền bảo vệ và phát triển các loại đất trồng lúa sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, và tỷ lệ phần trăm này sẽ được ban hành sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương nhất định tuy nhiên không được thấp hơn 50%;
– Diện tích là khái niệm để chỉ phần diện tích của các loại đất dùng vào mục đích chuyên trồng lúa nước được ghi nhận cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục luật định;
– Giá của loại đất trồng lúa nước sẽ được tính theo quy định của pháp luật, cụ thể là sẽ được tính theo bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và áp dụng trên thực tế.
3. Quy định về thẩm quyền thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa:
Căn cứ theo khoản 7 và khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có quy định về thẩm quyền thu tiền bảo vệ và phát triển các loại đất trồng lúa, theo đó thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương sẽ có trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa, bao gồm:
– Có trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung xoay quanh vấn đề quản lý và sử dụng đất trồng lúa của địa phương mà mình quản lý theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan;
– Có trách nhiệm trong việc tổ chức công bố công khai trên thực tế và quản lý chặt chẽ các vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trồng lúa thuộc địa phương của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, xác lập ranh giới hoặc lập bản đồ diện tích đối với các loại đất trồng lúa trên thực tế và vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất và chất lượng cao, phục vụ tốt cho nhu cầu và đời sống của người dân, tiến hành chỉ đạo cho các cơ quan tài nguyên và môi trường khi thực hiện thủ tục thu hồi đất để giao đất hoặc cho thuê đất đối với các chủ thể trên thực tế thì cần phải xác định diện tích của các loại đất chuyên trồng lúa nước chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp để làm cơ sở tính tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, sau đó nộp cho ngân sách nhà nước;
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương sẽ có trách nhiệm trong việc chịu vai trò trước pháp luật, và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc bảo vệ diện tích và chất lượng đất trồng lúa theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được chủ thể có thẩm quyền phê duyệt;
– Xác định các loại cây trồng lâu năm và các loại thuỷ sản sao cho phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong phạm vi địa phương mà mình quản lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa phương đó;
– Căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của địa phương nhất định để đưa ra các chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp trong vấn đề quản lý và sử dụng đất trồng lúa, để sử dụng và quản lý có hiệu quả nhất;
– Hằng năm trước giai đoạn ngày 31 tháng 12 cần phải tiến hành thủ tục báo cáo với cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ tài nguyên và môi trường cùng với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về tình trạng quản lý và sử dụng đất trồng lúa trên địa phương;
– Tiến hành hoạt động thanh tra và kiểm tra quá trình thực hiện việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa tại địa phương.
Theo đó thì có thể thấy, Ủy ban nhân dân phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với việc bảo vệ đất trồng lúa tại địa phương. Do đó cơ quan có thẩm quyền thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và phân bổ. Vì thế để biết chính xác các cơ quan có thẩm quyền thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa ở các địa phương khác nhau thì sẽ tham khảo trong các văn bản do Ủy ban nhân dân từng tỉnh, thành phố ban hành.
4. Quy định của pháp luật về trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa:
Theo nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có quy định trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa như sau:
– Cần phải sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trồng lúa được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Phải sử dụng có hiệu quả và không được bỏ hoang đất gây lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, không được thực hiện các hành vi gây thoái hóa đất trồng lúa;
– Canh tác đúng kĩ thuật và thực hiện luân canh, tăng vụ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng độ màu mỡ đối với đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái;
– Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
– Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thì cần phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật, không được phép làm hư hỏng đến các hệ thống thuỷ lợi hoặc ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất lúa ở các khu vực liền kề khác. Trong trường hợp gây ra hư hỏng đối với hệ thống thể loại vào hệ thống giao thông nội bộ thì cần phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời và phải bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra. Trong trường hợp đất bị nhiễm mặn tạm thôi thì cần phải thực hiện các biện pháp cần thiết để phục hồi hoạt động trồng lúa trên thực tế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
– Thông tư số 02/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.