Xóa án tích là chế định đặc biệt được ghi nhận ở Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, là chế định thể hiện nội dung các nguyên tắc cơ bản của Luật hình sự Việt Nam. Trong đó, pháp luật có quy định trình tự, thủ tục xóa án và các biểu mẫu kèm theo như Mẫu công văn về việc xóa án tích đối với người bị kết án (mẫu 69/TH).
Mục lục bài viết
1. Công văn về việc xóa án tích đối với người bị kết án là gì?
Người bị kết án là cá nhân bị Tòa án kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong khoa học luật hình sự, khái niệm án tích, đặc điểm cũng như bản chất và ý nghĩa của án tích chưa được hiểu một cách thống nhất và phù hợp. Theo PGS.TS Phạm Hồng Hải, “Án tích là hậu quả pháp lý của bản án kết tội mà Toà án tuyên đối với người phạm tội”.
Về bản chất pháp lý: Án tích là sự kiện pháp lý hình sự mà người bị kết án phải chịu trong khoảng thời theo quy định của pháp luật. Về điều kiện: Án tích chỉ phát sinh khi bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và người bị kết án bị áp dụng một hình phạt nào đó theo quy định của pháp luật hình sự. Giới hạn của án tích: Án tích chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ khi bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật cho đến khi được xoá án tích (đương nhiên xoá án tích hoặc xoá án tích theo quyết định của Toà án.
Từ sự phân tích nêu trên, chúng ta có thể đưa ra khái niệm án tích như sau: Án tích là sự kiện pháp lý hình sự phát sinh khi người phạm tội bị kết án, phải chịu hình phạt theo quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án đó phải gánh chịu án tích trong khoảng thời gian nhất định kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật đến khi án tích đó được xoá bỏ theo quy định của pháp luật.
Việc xác định một người đã được xóa án tích hay chưa có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự. Nếu một người bị kết án đã được xóa án tích mà phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được căn cứ vào tiền án đã được xóa án tích đó để xác định là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, việc đã được xóa án tích hay chưa còn có ý nghĩa trong việc xác định một người là có tội hay không có tội, hành vi thực hiện đó là vi phạm hành chính hay là hành vi tội phạm, đồng thời đó còn là tình tiết tăng nặng TNHS, căn cứ để định khung, định khoản hình phạt đối với hành vi phạm tội mới đó. Bên cạnh đó trong lý lịch tư pháp của người đã bị kết án luôn có phần thể hiện nội dung có hay không có tiền án. Xét dưới góc độ xã hội thì việc trong lý lịch của một người có hay không có án tích có ý nghĩa rất lớn đối với chính bản thân họ, đặc biệt trong các vấn đề như: Tìm kiếm việc làm, đăng ký kinh doanh, đi lao động, học tập ở nước ngoài…
Xóa án tích là chế định của Luật hình sự Việt Nam thể hiện ở việc xóa bỏ sự kiện pháp lý hình sự bất lợi đối với người đã bị kết án và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Khi có đủ các điều kiện pháp luật quy định người bị kết án được xóa án tích và được coi như chưa bị kết án.
Công văn về việc xóa án tích đối với người bị kết án là văn bản do Viện Kiểm sát gửi tới Tòa án có thẩm quyền xóa án tích thể hiện quan điểm của cơ quan này đối với người bị kết án về việc xóa án tích trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, hồ sơ và đối chiếu quy định của pháp luật.
Công văn về việc xóa án tích đối với người bị kết án là thủ tục bắt buộc để Tòa án thực hiện thẩm quyền của mình, là văn bản quan trọng thể hiện vai trò của Viện kiểm sát trong quá trình tố tụng và sau tố tụng, là căn cứ phát sịnh trách nhiệm của của Tòa án trong việc xem xét tới việc xóa án tích cho người bị kết án.
Xóa án tích được quy định cụ thể tại Chương X Bộ luật hình sự hiện hành, được quy định khá cụ thể và chi tiết, trong đó, quy định về đương nhiên xóa án tích và Xóa án tích theo quyết định của Tòa án là hai nội dung quan trọng nhất. Cụ thể, theo quy định tại Điều 70 về đương nhiên xóa án tích, Bộ luật hình sự nêu rõ:
Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện sau:
– Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn đã được quy định ở trên.
Đương nhiên xóa án tích là quy định có tính nhân văn, nhân đạo cao phù hợp với các nguyên tắc của Luật hình sự, nhằm giúp người bị kết án nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện các quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.
2. Mẫu số 69/TH: Công văn về việc xóa án tích đối với người bị kết án:
VIỆN KIỂM SÁT…………………….1
VIỆN KIỂM SÁT …..2
Số: ……../ VKS….3
V/v xóa án tích đối với người bị kết án
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…….., ngày …….. tháng……..năm 20……..
Kính gửi: Tòa án…..4………..
Ngày ……tháng….. năm……, Viện kiểm sát…….2………. nhận được hồ sơ về việc xóa án tích đối với người bị kết án có lý lịch như sau:
Họ và tên: ……; Tên gọi khác:………
Sinh ngày……. tháng ….. năm…….
Nghề nghiệp:.……
Nơi cư trú:………
Theo Bản án số…………..ngày……tháng…….năm……của Tòa án…….. và Quyết định thi hành án số… ngày……tháng…….năm……của Tòa án………….., người bị kết án phải chấp hành hình phạt chính:……….; hình phạt bổ sung: ……………….; biện pháp tư pháp…….5
Sau khi nghiên cứu tài liệu liên quan, đối chiếu với điều kiện về việc xóa án tích theo quy định của pháp luật, xét thấy: ………………6…..
Viện kiểm sát ……… 2..…có quan điểm như sau:…7……………………
Trên đây là quan điểm của Viện kiểm sát …..2……….về việc xóa án tích đối với người bị kết án có lý lịch nêu trên/.
Nơi nhận:
– Tòa án………….4………;
– VKS ….1….. (thay báo cáo);
– Lưu: VT, hồ sơ kiểm sát.
VIỆN TRƯỞNG 8
3. Hướng dẫn mẫu công văn về việc xóa án tích đối với người bị kết án:
(1) Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
(2) Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
(3) Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành văn bản – đơn vị phụ trách (nếu có)
(4) Ghi tên Tòa án có thẩm quyền xóa án tích
(5) Ghi thông tin theo Quyết định thi hành án
(6) Ghi nhận định, đánh giá của Viện kiểm sát như: tính hợp pháp của tài liệu có trong hồ sơ; thủ tục, thời hạn; điều kiện về xóa án tích
(7) Nêu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xóa án tích: đủ điều kiện để xóa án tích hay không đủ điều kiện để xóa án tích
(8) Thẩm quyền ký thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Cơ sở pháp lý:
Quyết định 39/QĐ-VKSTC ban hành biểu mẫu nghiệp vụ về kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.