Biên bản thỏa thuận hoàn trả các khoản chi phí đào tạo giữ hai bên để tránh những rủi ro cho các doanh nghiệp cũng như người lao động. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc tìm hiểu về mẫu biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ và hướng dẫn soạn thảo chi tiết mẫu đơn này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ là gì?
- 2 2. Mẫu biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ:
- 4 4. Vi phạm hợp đồng đào tạo nghề, người lao động phải bồi thường thế nào?
1. Biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ là gì?
Các quy định về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo nghề trong bộ luật lao động của NLĐ hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp và NLĐ, cũng như các cơ quan tố tụng khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề. Biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ là mẫu biên bản quan trọng được lập ra để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng lao động cũng như người lao động.
2. Mẫu biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————————-
BẢN THỎA THUẬN
(V/v: Hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động)
– Căn cứ qui định tại Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động.
– Theo sự thỏa thuận của hai bên.
Hôm nay: ngày …… tháng ……… năm ………
Tại: Văn phòng công ty ……..
Hai bên gồm:
1. Bên sử dụng lao động: CÔNG TY ………
Địa chỉ: ……
Điện thoại: ……..
Đại diện: ……..- Giám đốc công ty.
Sau đây gọi tắt là “công ty”
2. Bên Người lao động : Ông (Bà) …….
Số CMND: ………
Địa chỉ: …….
Là: ………
Sau đây gọi tắt là “………”
Sau khi trao đổi và đồng thuận, hai bên thống nhất lập Bản Thỏa thuận này với nội dung như sau
Điều 1: NỘI DUNG THỎA THUẬN
1.1. Theo thỏa thuận giữa công ty và Ông (Bà) ……., công ty đồng ý hỗ trợ chi phí đào tạo cho Ông (Bà) ……… tham dự đào tạo, huấn luyện về …… do …….tổ chức tại …… Bao gồm chí phí đào tạo, đi lại (vé máy bay), khách sạn, ăn ở … – trong thời gian 1 tháng : từ …./……../…… đến ……/……./…… (có nội dung chi tiết như phụ lục đính kèm).
1.2. Giá trị khoản chi phí hỗ trợ:
Giá trị chi phí hỗ trợ của Công ty tạm tính như sau:
– Chi phí đạo tạo: ….. VND (………)
– Chi phí đi lại, ăn ở: …….. VND (……….).
Tổng cộng: ………VND (……….)
Điều 2: THỜI GIAN VÀ HÌNH THỨC HỖ TRỢ
Công ty sẽ thanh toán một lần toàn bộ khoản chi phí trên cho Ông (Bà) ………. vào ngày …….
Điều 3: CAM KẾT CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Để bảo đảm sự công bằng trong việc được hỗ trợ chi phí đào tạo như nêu tại điều 1, Ông (Bà)……..tự nguyện cam kết với công ty như sau :
– Người lao động cam kết sẽ tiếp tục phục vụ (làm việc) tại công ty ít nhất là hai (2) năm kể từ khi kết thúc khóa đào tạo.
– Người lao động cam kết hoàn trả toàn bộ (100%) khoản chi phí hỗ trợ đã nhận từ công ty trong các trường hợp sau:
• Tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt
• Vi phạm kỷ luật lao động đến mức Công ty phải chấm dứt hợp đồng lao động/sa thải – vì lỗi của Người lao động.
Điều 4: THỎA THUẬN CHUNG
– Trong thời gian Ông (Bà)……. đi học, nếu xảy ra những tình huống khách quan có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng này hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận, giải quyết trên cơ sở thực tế theo hướng hai bên cùng có lợi, bảo toàn những chi phí mà công ty đã bỏ ra hỗ trợ cho Ông (Bà)……
– Bản thỏa thuận này không làm thay đổi Hợp đồng lao động đã ký giữa hai bên. Hai bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng lao động và bên người lao động – theo qui định của pháp luật lao động.
– Nếu có những tranh chấp liên quan đến bản thỏa thuận này không thể giải quyết được, hai bên đồng ý sẽ đưa vụ việc ra tòa án có thẩm quyền tại ……. để giải quyết theo qui định của pháp luật.
Bản thỏa thuận này có hiệu lực kể từ khi hai bên cùng ký vào, được làm thành 2 bản, có giá trị như nhau, mỗi bên giữ một bản. Các bên cam kết hoàn toàn tự nguyện và đều hiểu rõ các điều kiện và thỏa thuận nêu trên và đồng ý ký dưới đây.
NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
(Ký và ghi rõ họ tên)
……….
NGƯỜI LAO ĐỘNG
(Ký và ghi rõ họ tên)
…….
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho NLĐ:
– Phần mở đầu:
+ Ghi đầy đủ các thông tin bao gồm Quốc hiệu, tiêu ngữ.
+ Tên biên bản cụ thể là bản thỏa thuận hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động.
+ Căn cứ pháp lý lập biên bản.
+ Các thông tin liên quan tới thời gian và địa điểm lập biên bản.
– Phần nội dung chính của biên bản:
+ Thông tin cơ bản của bên sử dụng lao động.
+ Thông tin cơ bản của bên người lao động.
+ Nội dung thỏa thuận. ( ghi rõ các khoản chi phí công ty hỗ trợ người lao động trong quá trình đào tạo)
+ Cam kết thực hiện nghĩa vụ của người lao động.
+ Các thỏa thuận chung giữa hai bên.
– Phần cuối biên bản:
+ Ký và ghi rõ họ tên của người đại diện bên sử dụng người lao động.
+ Ký và ghi rõ họ tên của người lao động.
4. Vi phạm hợp đồng đào tạo nghề, người lao động phải bồi thường thế nào?
Trong quá trình làm việc, để nâng cao trình độ, tay nghề, người sử dụng lao động có thể hỗ trợ chi phí cho người lao động có cơ hội tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài. Khi đó, các bên phải ký hợp đồng đào tạo nghề và giao cho mỗi bên giữ 01 bản theo quy định của Bộ luật lao động.
Người lao động sau khi được đào tạo phải làm việc cho người lao động theo đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng đào tạo. Sau đó, không thiếu trường hợp người lao động tự ý bỏ việc , khiến cho các doanh nghiệp không những bị khủng hoảng về nhân sự mà còn bị thiệt hại do mất kinh phí đào tạo. Trong trường hợp này người lao động có thể sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động.
Do hợp đồng đào tạo nghề là sự thỏa thuận của các bên nên nếu trong hợp đồng đã nêu rõ trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc trả lại chi phí sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Nếu có quy định về miễn trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo thì người lao động thuộc trường hợp đó sẽ không phải trả lại chi phí này.
Nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động không thỏa thuận một cách rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào thì việc hoàn trả chi phí được thực hiện như sau:
+ Trường hợp 1: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp
BLLĐ năm 2019 không đặt ra trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục và nghề nghiệp 2014 lại quy định:
Người tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Theo đó, người lao động vẫn có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động nếu không làm việc theo đúng thời gian đã cam kết.
+ Trường hợp 2: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Theo quy định tại Điều 40 BLLĐ năm 2019, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:
+ Không được trợ cấp thôi việc;
+ Phải bồi thường nửa tháng tiền lương và một khoản tiền tương ứng với những ngày không báo trước;
+ Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.
Do đó, trong trường hợp này, người lao động cũng phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
Có thể thấy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo dù đúng luật hay trái luật.
Bởi vậy, để tránh tranh chấp xảy ra sau này, các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề cần thỏa thuận rõ các điều kiện phải hoàn trả chi phí đào tạo và trường hợp được miễn trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.
Có được phạt vi phạm gấp nhiều lần chi phí đào tạo?
Bên cạnh việc hoàn trả chi phí đào tạo, người lao động có thể còn phải bồi thường thêm khoản tiền do vi phạm hợp đồng nếu trước đó các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm.
Các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề thường thỏa thuận người lao động sau khi được đào tạo phải cam kết làm việc cho người sử dụng lao động trong thời gian nhất định, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần chi phí đào tạo nghề.
Việc yêu cầu bồi thường do vi phạm dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Pháp luật Việt Nam cũng cho phép các bên tự do thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng.
Như vậy, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về việc phạt vi phạm hợp đồng đào tạo nghề gấp nhiều lần chi phí đào tạo cũng không trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp tại Tòa án, với sự xem xét, cân bằng lợi ích giữa các bên thì mức phạt vi phạm được Tòa án áp dụng có thể thấp hơn so với mức các bên thỏa thuận trước đó.