Để tránh những tranh chấp phức tạp khi sảy ra sự cố không mong muốn đối với tài sản của hộ liền kề thì trước khi xây dựng hai hộ gia đình nên lập bản thỏa thuận nhằm giảm tối đa việc tranh chấp. Vậy biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng là gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng là gì?
- 2 2. Mẫu biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng mới nhất:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng mới nhất:
- 4 4. Một số quy định về bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng:
1. Biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng là gì?
Biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng là biên bản cam kết giữa hai hộ gia đình khi một trong hai nhà có tiến hành xây/phá nhà. Mẫu thỏa thuận với hàng xóm khi xây nhà này nhằm giảm tối đa ảnh hưởng đến hộ gia đình còn lại cũng như thỏa thuận trước, tránh những tranh chấp phát sinh xảy ra khó có thể giải quyết ổn thỏa.
Biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng được dùng để thỏa thuận với hộ gia đình liền kề về sự an toàn của công trình, tránh những tranh chấp phát sinh xảy ra khó có thể giải quyết ổn thỏa.
2. Mẫu biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng mới nhất:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
————————–
…, ngày … tháng … năm …
BIÊN BẢN CAM KẾT GIỮA HAI HỘ GIA ĐÌNH
(Về việc bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng)
Địa điểm: …
1. Thành phần tham gia ký biên bản
a) Đại diện gia đình ông/bà (Gọi tắt là bên A)
– Ông/Bà: …
– Địa chỉ: …
– Điện thoại: …
b)Đại diện bên xây dựng lô đất số (Gọi tắt là bên B)
– Ông/Bà: …
– Địa chỉ: …
– Điện thoại: …
c) Đại diện tổ dân phố (Bên làm chứng)
– Ông/Bà: …Tổ trưởng tổ dân phố …
– Điện thoại: …
2. Thời gian ký biên bản:
– Bắt đầu: …h…..phút, ngày … tháng … năm …
– Kết thúc: …h…..phút, ngày … tháng … năm …
– Tại: …
3. Hiện trạng công trình bên A và bên B
Từ ngày … tháng … năm …….., bên B tổ chức phá dỡ mặt bằng xây dựng tiếp giáp với mặt sau nhà bên A, chiều dài phần công trình tiếp giáp là …m. Trước khi phá dỡ phần mặt bằng xây dựng bên B, phần móng và phần tường tiếp giáp nhà bên A với mặt bằng xây dựng nhà bên B vẫn ở trong tình trạng ổn định. Nhà không bị nứt, ngấm nước, nghiêng….
Từ ngày … tháng … năm …, bên B tổ chức triển khai xây dựng công trình nhà ở trên mặt bằng phần tiếp giáp nhà bên A.
Để tránh tranh chấp giữa hai bên khi xây dựng công trình liền kề, bên A và bên B bàn bạc, thống nhất các điều khoản cam kết như sau:
4. Các điều khoản cam kết giữa bên B với bên A:
Điều 1: Bên B cam kết xây dựng trên đúng diện tích được cấp phép, không mở các loại cửa sổ, chớp lật, thông gió, làm ô văng hoặc mái che mái vẩy lấn sang hoặc nhìn sang đất và nhà bên A.
Theo Quy định tại Điều 271 Bộ luật Dân sự về hạn chế quyền trổ cửa thì: “Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Điều 2: Trong quá trình xây dựng nếu công trình của bên B có tác động xấu đến nhà bên A như: nứt, lún, nghiêng, xé tường, bong tróc vôi vữa, biến dạng nền nhà, ngấm nước qua tường, đùn sủi hoặc các tác động ảnh hưởng đến kết cấu nhà của bên A thì bên B phải có trách nhiệm giám định, sửa chữa đền bù, khắc phục sự cố, trả về nguyên trạng ban đầu cho ngôi nhà của bên A. Mọi chi phí giám định, sửa chữa, đền bù do bên B hoàn toàn chi trả. (Có kèm ảnh chụp cụ thể hiện trạng nhà bên A trước khi bên B tiến hành xây dựng kèm theo để làm đối chứng).
Điều 3: Bên B phải đảm bảo an toàn xây dựng, có che chắn công trình, không làm bụi bẩn, không gây ô nhiễm tiếng ồn quá giới hạn ảnh hưởng đến các nhà hàng xóm trong đó có gia đình bên A. Bảo đảm an toàn cháy nổ cũng như an ninh, trật tự của khu dân cư. Quản lý nhân công tốt để phòng chống tệ nạn trộm cắp tài sản của các hộ liền kề cũng như khu dân cư.
Điều 4: Khi có sự cố xảy ra yêu cầu bên B phải có mặt ngay tại hiện trường để cùng bên A bàn bạc phương án giải quyết hợp lý. Không dây dưa kéo dài gây nguy hiểm cho an toàn cuộc sống và đảo lộn sinh hoạt của gia đình bên A.
5. Kết luận:
Bên A và bên B có trách nhiệm thi hành các điều khoản như trong cam kết, trong trường hợp tranh chấp không giải quyết sẽ đưa ra trước pháp luật để giải quyết tranh chấp theo luật định.
Biên bản này được lập thành 3 bản có giá trị như nhau, bên A, bên B và bên làm chứng mỗi bên giữ 1 bản.
ĐẠI DIỆN GIA ĐÌNH ÔNG/Bà
(Ký, ghi rõ họ tên)
ĐẠI DIỆN BÊN XÂY DỰNG LÔ ĐẤT SỐ…
(Ký, ghi rõ họ tên)
ĐẠI DIỆN TỔ DÂN PHỐ
(Ký, ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng mới nhất:
-Ghi rõ thời gian lập biên bản vào hồi mấy giờ ngày, tháng, năm
-Nêu rõ hiện trạng công trình
-Một số điều cam kết về an toàn giữa 2 bên.
4. Một số quy định về bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng:
Cơ sở pháp lý:
– Thông tư 02/2014/TT-BXD;
– Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
4.1. Thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng:
Xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư
– Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại:
+ Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại tòa án;
+ Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả; việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.
– Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.”
Theo đó, nếu nhà hàng xóm trong quá trình xây dựng nhà gây ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà bên cạnh thì họ phải ngừng việc thi công và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sự cố do công trình của mình gây ra. Nếu hai bên có thỏa thuận thì mức bồi thường sẽ như thuận trước đó của hai bên.
Trường hợp nhà hàng xóm không chịu thỏa thuận, nếu họ có vi phạm thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Do đó, việc có thỏa thuận hay không thỏa thuận ở đây thì nhà hàng xóm đó vẫn phải bồi thường nếu có vi phạm.
4.2. Quy tắc xây dựng đảm bảo an toàn cho bất động sản liền kề:
Căn cứ vào Điều 267 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng:
Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng
– Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
– Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
– Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hóa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.”
Theo Điều 268 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về Nghĩa vụ bảo đảm an toàn đối với công trình xây dựng liền kề: Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng các công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.
Trong trường hợp công trình đe dọa hoặc có nguy cơ đe dọa sự an toàn bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ công trình phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường.”.
Như vậy, người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. Vì vậy, nếu khi đào ao thì chủ sở hữu của cái ao đang đào đó phải đào cách mốc giới một khoảng cách theo quy định của pháp luật về xây dựng quy định, nếu có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề thì chủ sở hữu cái ao đó phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, cho ngừng ngay việc xây dựng, sữa chữa hoặc lấp, nếu gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu cái ao phải bồi thường thường thiệt hại cho chủ sở hữu liền kề.