Thanh lý hợp đồng là một phương thức chấm dứt hợp đồng dân sự đã ký kết. Vậy việc thanh lý hợp đồng phải được thực hiện như thế nào? Dưới đây là Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất mới và chuẩn nhất.
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất mới và chuẩn nhất:
- 2 2. Tại sao phải lập Biên bản thanh lý Hợp đồng thuê đất?
- 3 3. Các trường hợp thanh lý hợp đồng:
- 4 4. Những lưu ý và thủ tục thực hiện thanh lý hợp đồng thuê đất:
1. Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất mới và chuẩn nhất:
BIÊN BẢN THANH LÝ HỢP ĐỒNG THUÊ ĐẤT
Số: …../TLHĐ
Căn cứ vào Hợp đồng thuê đất số:…../…..được ký kết ngày …./…../…. tại …… giữa Bên ……… và Bên ………
Hôm nay, ngày …. tháng …. năm ……. tại ……, Chúng tôi gồm:
BÊN A: CÔNG TY ………….
Địa chỉ trụ sở chính: …………
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:………… ngày cấp:…….. nơi cấp:…………..
Fax: …………
Người đại diện theo pháp luật : …………
Chức danh: ………….
Số điện thoại: ………
BÊN B: CÔNG TY ………….
Địa chỉ trụ sở chính: …………
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:………… ngày cấp:…….. nơi cấp:…………..
Fax: …………
Người đại diện theo pháp luật : …………
Chức danh: ………….
Số điện thoại: ………
Hai bên thống nhất ký Biên bản thanh lý Hợp đồng thuê đất số:…..được ký kết ngày …./…../…….. tại…….. với nội dung sau:
Điều 1: Nội dung thoả thuận thanh lý:
– Các bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo như thoả thuận tại Hợp đồng thuê đất số: ……. được ký kết ngày …./…./….. tại……..;
– Bên A và Bên B thoả thuận và đồng ý thanh lý Hợp đồng thuê đất số: ……. được ký kết ngày …./…./….. tại……..;
…………. (Những thoả thuận khác)
Điều 2: Nghiã vụ thanh toán lệ phí liên quan đến thanh lý hợp đồng thuê đất:
Lệ phí công chứng biên bản Thanh lý hợp đồng thuê đất này do bên…. có trách nhiệm nộp.
….. (Các khoản lệ phí khác có liên quan)
Điều 3: Điều khoản thi hành:
– Biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất có hiệu lực kể từ ngày …./…/….;
– Bên A và bên B cam kết thực hiện theo đúng những thoả thuận đã nêu ra trong Biên bản này;
– Bên A và bên B cam kết không có tranh chấp, khiếu nại về sau liên quan đến biên bản này;
– Biên bản thanh lý này được lập thành …. bản mỗi bên giữ một bản và có giá trị pháp lý như nhau.
BÊN A (Ký, đóng dấu, ghi rõ họ và tên) | BÊN B (Ký, đóng dấu, ghi rõ họ và tên) |
2. Tại sao phải lập Biên bản thanh lý Hợp đồng thuê đất?
Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định như thế nào là Biên bản thanh lý hợp đồng thuế đất. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực hiện thanh lý hợp đồng, chúng ta có thể hiểu Biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất là biên bản thể hiện thoả thuận giữa bên cho thuê và bên thuê về việc chấm dứt hợp hiệu lực của Hợp đồng thuê đất. Theo đó, việc chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng thuê đất mà các bên đã ký kết có thể trùng khớp với thời gian mà các bên đã thoả thuận trong Hợp đồng thuê đất hoặc chấm dứt trước thời hạn theo thoả thuận của các bên trong Biên bản thanh lý này.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có bất kỳ quy định nào bắt buộc các bên phải lập biên bản khi thanh lý hợp đồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc chấm dứt Hợp đồng dân sự được công nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Hợp đồng đã được hoàn thành;
– Theo thỏa thuận của các bên;
– Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
– Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
– Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
– Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Trường hợp khác do luật quy định.
Như vậy, việc lập Biên bản thanh lý hợp đồng cũng được xem là một trường hợp chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thông qua thoả thuận của các bên. Tuy nhiên việc lập biên bản không phải là quy định bắt buộc nhưng theo quan điểm của luật Dương Gia cũng như nhiều cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng khác trên thực tế thì việc lập Biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất được xem như là một căn cứ, chứng minh và ghi nhận việc chấm dứt hợp đồng thuê đất đã ký kết. Biên bản này cũng nhằm mục đích bàn giao, công nhận việc các bên đã thực hiện xong các nghĩa vụ cũng như đã được đáp ứng các nhu cầu về quyền và lợi ích hợp pháp mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng thuê đất trước đó.
Do đó, nếu các bên sau khi hoàn tất các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thuê đất và muốn được bảo đảm hơn về mặt pháp lý, không phát sinh những sự cố và tranh chấp không đáng có thì nên lập Biên bản thanh lý Hợp đồng thuê đất để xác nhận việc các bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và công nhận việc chấm dứt nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết trước đó.
3. Các trường hợp thanh lý hợp đồng:
Theo như phân tích tại mục 2 của bài viết này thì việc thanh lý hợp đồng được thực hiện khi các bên đã thực hiện hoàn tất các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng trước đó và cũng đã được hưởng các quyền lợi tương ứng. Việc lập biên bản thanh lý hợp đồng được hiểu như là một văn bản thể hiện sự thoả thuận của các bên về việc chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trước thời hạn.
Theo đó, thủ tục thanh lý hợp đồng diễn ra sau khi hợp đồng thực hiện xong hoặc theo thỏa thuận của các bên về việc chấm dứt hợp đồng. Trên thực tế, việc lập biên bản thanh lý hợp đồng đã ký kết được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Hoàn thành nghĩa vụ của các bên và đã được hưởng quyền lợi được quy định trong hợp đồng;
– Thanh lý hợp đồng theo sự thoả thuận của các bên;
– Cá nhân, pháp nhân chấm dứt tồn tại mà yêu cầu hợp đồng phải do những người/tổ chức này thực hiện;
– Hủy bỏ, đơn phương chấm dứt hợp đồng;
– Không thể thực hiện hợp đồng do đối tượng không còn;
– Khi hoàn cảnh cơ bản thay đổi vì nguyên nhân khách quan, các bên không thể lường được sự thay đổi hoàn cảnh;
– Trường hợp khác do luật định.
Các trường hợp thanh lý hợp đồng tương tự như những trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, để đảm bảo về mặt pháp lý thì các bên có thể tiến hành lập biên bản thanh lý hợp đồng khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
4. Những lưu ý và thủ tục thực hiện thanh lý hợp đồng thuê đất:
Để thực hiện việc lập biên bản thanh lý hợp đồng thì các bên cần lưu ý những vấn đề sau và thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
4.1. Thời điểm các bên có thể thanh lý hợp đồng thuê đất:
Các bên có thể thoả thuận với nhau về thời điểm thanh lý hợp đồng và hiệu lực của biên bản thanh lý được ghi rõ trong biên bản đó. Thời điểm thanh lý hợp đồng có thể được diễn ra trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng đã ký kết.
4.2. Về hình thức của biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất:
Theo như những phân tích tại các mục trên của bài viết thì pháp luật không bắt buộc các bên phải thực hiện việc lập Biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, để bảo đảm cho việc hạn chế những tranh chấp xảy ra về quyền và nghĩa vụ của các bên thì các bên có thể thoả thuận và lập thành Biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất. Theo đó, biên bản phải thể hiện được những nội dung sau:
– Mỗi bên đã thực hiện được những nghĩa vụ gì đối với bên có quyền;
– Đã được hưởng những quyền gì từ bên có nghĩa vụ
– Còn nghĩa vụ nào chưa được thực hiện hay không;
– Các bên cam kết về thoả thuận cũng như cam kết không có tranh chấp xảy ra…
4.3. Trình tự, thủ tục thanh lý hợp đồng thuê đất:
Trình tự, thủ tục thanh lý hợp đồng được phân chia thành 02 trường hợp sau:
4.3.1. Các bên giao kết hợp đồng cùng thỏa thuận được việc thanh lý và chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thuê đất đã ký kết:
Việc thanh lý hợp đồng này được thực hiện dựa trên ý chí thống nhất của các bên nên việc thực hiện trình tự, thủ tục thanh lý cũng đơn giản hơn so với những trường hợp các bên không thể thống nhất, thoả thuận được về việc thanh lý hợp đồng.
Trong trường hợp này, theo Luật Dưỡng Gia thì các bên sẽ thoả thuận và soạn thư dự thảo biên bản thanh lý hợp đồng đến khi đạt được thống nhất ý kiến của các bên thì sẽ tiến hành ký biên bản thanh lý hợp đồng.
Sau khi thanh lý hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên thực hiện theo biên bản thanh lý.
4.3.2. Thanh lý hợp đồng khi chỉ có một bên đơn phương yêu cầu hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng:
Khi một trong các bên tham gia hợp đồng đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng thì căn cứ vào những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ cần phải thực hiện các nghĩa vụ thông báo cho bên còn lại theo đúng thời gian mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng. Nếu bên còn lại đồng ý thì các bên sẽ tiến hành lập biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất theo trình tự, thủ tục được trình bày tại mục 4.3.1 của bài viết này.
Trong trường hợp, tại hợp đồng thuê đất đã được ký kết trước đó, nếu hai bên không có điều khoản thỏa thuận về thanh lý hợp đồng thì khi có nhu cầu, bên đơn phương thanh lý hợp đồng phải gửi biên bản thanh lý đến bên còn lại và phải nhận được sự đồng ý của bên đó. Nếu có thiệt hại xảy ra, hai bên cũng phải thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại….
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015.