Theo định kỳ hoặc đột xuất, tổ chuyên môn sẽ tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn để đánh giá lại quá trình giảng dạy để từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Bài viết hướng dẫn soạn thảo biên bản sinh hoạt chuyên môn và cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Biên bản sinh hoạt chuyên môn là gì?
– Tổ chuyên môn là một bộ phận cấu thành trong trong bộ máy tổ chức, quản lý của trường THCS, THPT. Trong trường, các tổ, nhóm chuyên môn có mối quan hệ hợp tác với nhau, phối hợp các các bộ phận nghiệp vụ khác và các tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường nhằm thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường, chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục và các hoạt động khác hướng tới mục tiêu giáo dục.
– Hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn có thể nói là hoạt động thường xuyên diễn ra tại các nhà trường, khối bộ môn nhằm mục đích tiến hành đánh giá lại các nội dung trong quá trình công tác, làm việc, là dịp để trao đổi chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn sẽ xuất hiện nhiều ý tưởng
– Mẫu biên bản sinh hoạt chuyên môn là văn bản ghi chép đầy đủ buổi sinh hoạt chuyên môn, trong đó nêu rõ nội dung được diễn ra, trình bày rõ về địa điểm, thời gian tổ chức sinh hoạt, nội dung của buổi sinh hoạt đó và những đánh giá khách quan của các cán bộ tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn thường kỳ.
Biên bản sinh hoạt chuyên môn được sử dụng để ghi nhận lại quá trình diễn ra buổi sinh hoạt chuyên môn, từ những nội dung thỏa thuận được trong buổi sinh hoạt này là tiền đề để các giáo viên cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy của mình.
2. Mẫu biên bản sinh hoạt chuyên môn:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập –Tự do – Hạnh phúc
————————-
BIÊN BẢN SINH HOẠT CHUYÊN MÔN TỔ ……..
Thời gian: vào lúc ……giờ…….phút ngày ……. tháng ……. năm ………
Địa điểm: tại ………
Có mặt: ………. vắng: …………. lí do: …….
I. Thành phần tham dự gồm
……….
II. Nội dung sinh hoạt
…………..
III. Kết luận
………
Buổi họp kết thúc vào lúc ……….cùng ngày.
CHỦ TỌA
(Ký và ghi rõ họ tên)
THƯ KÝ
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản sinh hoạt chuyên môn:
– Thư ký ghi rõ thời gian, địa điểm diễn ra buổi sinh hoạt chuyên môn
– Thư ký ghi đầy đủ thành phần tham dự, những người vắng mặt và lý do vắng mặt
– Ghi tóm tắt nhưng đầy đủ những nội dung có trong buổi sinh hoạt
– Thư ký cần ghi đầy đủ và chính xác những kết luận về các nội dung đã đưa ra thảo luận trong buổi sinh hoạt.
4. Chức năng của tổ chuyên môn:
Mỗi tổ chuyên môn trong mỗi lĩnh vực, mỗi nhà trường khác nhau thì có chức năng khác nhau nhưng nhìn chung có những chức năng chính sau đây:
– Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tuần, tháng, năm học nhằm thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục;
– Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả giảng dạy, giáo dục và quản lý sử dụng sách, thiết bị của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường;
– Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và giới thiệu tổ trưởng, tổ phó.
– Đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên
…
5. Những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn:
Thứ nhất, nâng cao năng lực tổ trưởng chuyên môn:
Tổ trưởng tổ chuyên môn là người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tổ chuyên môn. Để tổ chuyên môn hoạt động tốt, phát huy hết chức năng của mình thì tổ trưởng tổ chuyên môn phải là người gương mẫu, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có khả năng có thể nắm bắt nhanh tình hình trong tổ chuyên môn của mình, luôn bao quát mọi việc, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn cùng tổ viên, linh hoạt sáng tạo, mạnh dạn đề xuất những vấn đề liên quan đến tổ, tổ chức duy trì đoàn kết nội bộ.
Bên cạnh đó, tổ trưởng tổ chuyên môn cần biết căn cứ vào kế hoạch của nhà trường xây dựng kế hoạch chuyên môn của tổ. Kế hoạch phải cụ thể rõ ràng, nêu rõ phương phướng nhiệm vụ chỉ tiêu cần đạt các mặt, đề ra biện pháp cụ thể thực hiện… Kế hoạch hàng tuần phải nêu rõ công việc làm trong ngày, người thực hiện và thời gian thực hiện; thời gian hoàn thành, địa điểm, biện pháp, kết quả …
Thứ hai, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn:
Để buổi sinh hoạt tổ chuyên môn được diễn ra hiệu quả thì tổ trưởng chuyên môn phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chuyên môn; những vấn đề khó, chưa nắm rõ cụ thể, cần giải quyết trong buổi sinh hoạt; kế hoạch công tác tháng cần trình Ban giám hiệu duyệt trước khi triển khai, niêm yết tại văn phòng nhà trường.
Đối với nội dung họp trong tháng, tổ chuyên môn cần thực hiện, tập trung đi sâu vào chuyên môn và những vấn đề đổi mới, phương pháp dạy học theo hình thức đổi mới; hình thức phải thiết thực, cụ thể, nội dung phải linh hoạt thay đổi phong phú, phải tạo hứng thú cho giáo viên, nhưng tránh làm qua loa, thiếu trách nhiệm.
Trước khi sinh hoạt, tổ chuyên môn cần phải đăng ký và báo trước ngày cho Hiệu trưởng, Hiệu trưởng phân công người đến dự và có chỉ đạo rút kinh nghiệm trong buổi sinh hoạt. Thành viên trong tổ nghiêm túc chấp hành theo sự phân công chuyên môn nhà trường. Mỗi giáo viên nâng cao tinh thần tự giác, thẳng thắn góp ý, phê bình với mục đích góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn:
Thảo luận các nội dung chuyên môn có liên quan giữa 2 lần sinh hoạt chuyên môn định kì (nội dung sinh hoạt chuyên môn phải cụ thể, thiết thực do giáo viên, cán bộ quản lý đề xuất, thống nhất và thực hiện).
Thảo luận các bài học trong sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn học, hướng dẫn hoạt động giáo dục, thống nhất nội dung cần điều chỉnh; làm cho bài học trong sách giáo khoa, tài liệu học tập cập nhật, phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với vùng miền; nâng cao năng lực sư phạm, năng lực nghề nghiệp cho giáo viên.
Trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động phát huy vai trò chủ động, tích cực của học sinh; trao đổi kinh nghiệm đánh giá quá trình thực hiện và kết quả học tập của học sinh.
Thảo luận về việc tăng cường tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong các giờ học của học sinh, thúc đẩy được thế mạnh của từng cá nhân.
a) Sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề
Đây là nội dung sinh hoạt thường xuyên và rất cần thiết, các chuyên đề cần tập trung vào những đề tài như đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu,…
– Thảo luận việc xây dựng các chuyên đề dạy học (căn cứ vào chương trình, sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học phù hợp với việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong điều kiện thực tế của nhà trường).
– Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị bài dạy; tổ chức dạy học và dự giờ; phân tích thảo luận và đánh giá bài dạy minh họa của giáo viên theo hướng phân tích hoạt động học tập của học sinh; cùng suy ngẫm và vận dụng để hướng dẫn hoạt động học tập của học sinh.
– Xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; thảo luận hồ sơ kiểm tra đánh giá học sinh; xây dựng các ma trận đề kiểm tra, đề kiểm tra; mô tả các câu hỏi và bài tập theo 4 mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp cao theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
b) Sinh hoạt chuyên môn dựa trên hoạt động học tập của học sinh
Trong buổi sinh hoạt chuyên môn chủ yếu phân tích hoạt động học tập của học sinh, tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến việc phát triển năng lực của học sinh như: Học sinh học như thế nào ? Học sinh đang gặp khó khăn gì trong học tập ? Nội dung và phương pháp dạy có phù hợp, có gây hứng thú cho học sinh không ? Kết quả học tập của học sinh có được cải thiện không ? Cần điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào ?… Mỗi thành viên đều đưa ra ý kiến của riêng mình, có rất nhiều ý kiến hay và xác thực cho từng hoạt động của bài học.
Mỗi giáo viên tự rút ra bài học để áp dụng, những điều mình học được qua bài dạy minh họa như nội dung hoạt động học tập có phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh không ? Các phương pháp, kỹ thuật dạy học có làm học sinh hứng thú mang lại hiệu quả không ? Tại sao ? Học sinh được quan tâm, hỗ trợ như thế nào ?
Lưu ý: Trong quá trình thảo luận, không áp đặt ý kiến, kinh nghiệm chủ quan cá nhân, không quá chú trọng đến các quy trình truyền thống của một giờ dạy. Đặc biệt không đánh giá giáo viên, không xếp loại giờ học và không nhất thiết kết luận phải thay đổi theo cách nào. Tuy nhiên mỗi giáo viên sẽ tự suy nghĩ và lựa chọn giải pháp phù hợp với học sinh và điều kiện học tập của lớp mình.
c) Sinh hoạt chuyên môn về vận dụng đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng đồ dùng dạy học
Hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động giảng dạy ngày càng phổ biến, giúp cho việc truyền đạt kiến thức đối với học sinh đạt hiệu quả hơn. Do đó, giáo viên phải nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của việc sử dụng thiết bị vào đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên cần mạnh dạn, không ngại khó, tự thiết kế và sử dụng đồ dùng thiết bị của mình sẽ giúp rèn luyện được nhiều kỹ năng và phối hợp tốt các phương pháp dạy học tích cực khác.
Để có một tiết dạy thành công, người giáo viên phải nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy. Khi có đủ tư liệu thì phải định hướng công việc, cần dạy những gì, sử dụng phương pháp nào, cách thức dạy học ra sao, cần sử dụng đồ dùng cần thiết nào, ước lượng thời gian tổ chức dạy học.
d) Tổ chức tốt các tiết dự giờ, thao giảng
Ở các buổi sinh hoạt tổ có thể trao đổi, góp ý, giúp nhau sửa chữa những tồn tại, những nhược điểm như phong cách lên lớp, ngôn ngữ diễn đạt, trình bày bảng của giáo viên, … Hoạt động này nhằm hoàn thiện kỹ năng sư phạm của nhiều giáo viên. Tổ chuyên môn cần tăng cường quản lý, định hướng tổ chức dự giờ, thao giảng coi đây là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giờ dạy, giúp cho mỗi giáo viên tích lũy thêm kinh nghiệm trong hoạt động giảm dạy của mình.
Khi đánh giá, rút kinh nghiệm các tiết dạy cần thẳng thắn, chân tình với tinh thần giúp nhau cùng tiến bộ, phải đánh giá thực chất, nêu ra được những điểm mạnh, những hạn chế của người dạy. Cần phê phán lối dạy chay trong khi có và cần sử dụng đồ dùng dạy học.