Trong quá trình tổ chức Đại hội chi đoàn việc bầu ra Ban chấp hành mới là vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người tìm hiểu về mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử chi đoàn và hướng dẫn soạn thảo chi tiết mẫu biên bản này.
Mục lục bài viết
1. Biên bản kiểm phiếu bầu cử chi đoàn là gì?
Đại hội chi đoàn thường được tổ chức dịp đầu năm để tổng kết lại quá trình rèn luyện của các Đoàn viên trong năm cũ, rồi thông qua đó bầu ra ban chấp hành mới để lãnh đạo chi đoàn và ban hành nghị quyết, phương hướng phấn đấu cho nhiệm kỳ mới. Để bầu cử ra ban chấp hành thì vai trò của biên bản kiểm phiếu bầu cử chi đoàn là rất quan trọng.
Sau khi chương trình đại hội chi đoàn tiến hành bình bầu ra ban chấp hành Đoàn nhiệm kỳ mới, ban tổ chức sẽ tiến hành hoạt động kiểm phiếu và từ đó lập biên bản kiểm phiếu bầu cử chi đoàn để thống kê lại những chỉ tiêu như: Tổng số Đoàn viên chính thức có mặt; Tổng số phiếu phát ra; Tổng số phiếu thu vào; Tổng số phiếu hợp lệ; ….
2. Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử chi đoàn:
ĐOÀN TNCS
Đoàn trường:……………
Chi đoàn: ………………….
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——-o0o——–
……ngày ….tháng …….năm ……….
BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU
Bầu BCH chi đoàn nhiệm kỳ …..- ……
Ngày …/…./……..Chi đoàn …… tiến hành Đại hội nhiệm kỳ ….. – …..
Đại hội bầu Ban kiểm phiếu gồm:
1. Đ/c: ………..Trưởng ban.
2. Đ/c: ……….. Ủy viên.
3. Đ/c: ……….. Ủy viên.
Đã kiểm phiếu bầu BCH chi đoàn như sau:
– Số phiếu phát ra:………
– Số phiếu thu vào………
– Số phiếu hợp lệ:……….
Số phiếu không hợp lệ:………
Kết quả như sau:
1. Đ/c……. (số phiếu bầu……/…… )
2. Đ/c……. (số phiếu bầu……/…….)
3. Đ/c…… (số phiếu bầu…../…….)
4. Đ/c……. (số phiếu bầu……/……)
Theo nguyên tắc thể lệ bầu cử, các đồng chí sau đây trúng cử vào BCH chi đoàn khóa…….
1. Đ/c…..
2. Đ/c…..
3. Đ/c…..
Ban kiểm phiếu chúng tôi lập biên bản báo cáo trước đại hội và làm căn cứ để Đoàn cấp trên công nhận.
Biên bản kết thúc vào lúc …. giờ cùng ngày.
TM/ĐOÀN CHỦ TỊCH
(Ký và ghi rõ họ tên)
TM/BAN KIỂM PHIẾU
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử chi đoàn:
– Phần mở đầu:
+ Ghi đầy đủ các thông tin bao gồm Quốc hiệu, tiêu ngữ.
+ Tên đoàn trường và tên chi đoàn.
+ Địa điểm, ngày, tháng, năm viết biên bản.
+ Tên biên bản cụ thể là biên bản kiểm phiếu Bầu BCH chi đoàn nhiệm kỳ năm…
– Phần nội dung chính của biên bản:
+ Họ tên đầy đủ của đại hội bầu ban kiểm phiếu.
+ Nội dung kết quả kiểm phiếu: số phiếu phát ra, số phiếu thu vào, số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ.
+ Kết quả kiểm phiếu.
+ Họ tên đầy đủ đồng chí trúng cử vào BCH chi đoàn.
– Phần cuối biên bản:
+ Thời gian kết thúc biên bản.
+ Ký và ghi rõ họ tên của đại diện đoàn chủ tịch.
+ Ký và ghi rõ họ tên của đại diện ban kiểm phiếu.
4. Thể lệ bầu cử đại hội chi đoàn:
Một trong những hoạt động không thể thiếu khi tiến hành đại hội chi đoàn chính là bầu một ban chấp hành mới. Khi tiến hành bầu cử đại hội chi đoàn các bước cần thực hiện đúng theo thể lệ bầu cử được quy định trong đại hội đoàn.
– Việc bầu cử ban chấp hành:
+ Việc bầu cử của đoàn có thể được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc là biểu quyết.
+ Riêng việc bầu ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành đoàn theo điều lệ Đoàn quy định, việc bầu cử ban chấp hành, bầu Bí thư, hay Phó bí thư nhất thiết phải bầu bằng bỏ phiếu kín.
+ Do đó, Đại hội chi đoàn bầu ban chấp hành hoặc bầu Bí thư, Phó bí thư đều phải bầu bằng bỏ phiếu kín.
+ Khi tiến hành bầu cử thì phải có trên một phần hai số người có mặt tán thành thì người được bầu mới trúng cử.
+ Danh sách bầu cử sau khi đã có sẽ phải được đại hội đại biểu thảo luận và thông qua bằng cách biểu quyết.
+ Đối với Đại hội chi đoàn bầu ban chấp hành thì bầu ban chấp hành trước, sau đó ban chấp hành họp phiên thứ nhất để bầu Bí thư, Phó bí thư.
+Đối với chi đoàn chỉ bầu Bí thư và Phó bí thư thì Đại hội bầu xong Bí thư, tiếp tục bầu Phó bí thư. (không nên bầu cả Bí thư và Phó bí thư trong cùng một phiếu bầu)
– Về cách bầu:
+ Đại biểu nhận phiếu bầu từ Ban kiểm phiếu Đại hội.
+ Căn cứ vào danh sách ứng cử viên đã được đại hội thông qua (bao gồm … đồng chí) thì mỗi đại biểu được bầu chọn tối đa là ….đồng chí trên tổng số ứng cử viên.
+ Đại biểu tín nhiệm ai thì đánh dấu đồng ý người đó; không tín nhiệm ai thì đánh dấu không đồng ý, không đánh dấu giữa 2 ô hoặc bất cứ dấu hiệu nào khác. Tuyệt đối không được ký tên đại biểu hoặc ký hiệu riêng vào phiếu bầu.
+ Khi bầu xong, đại biểu tự bỏ phiếu của mình vào thùng phiếu được đặt tại vị trí quy định trong hội trường.
+ Đại biểu bầu xong phải chờ nghe kết quả kiểm phiếu.
– Về phiếu bầu:
Đối với chi đoàn, phiếu bầu cử thường sẽ dùng bằng phiếu viết tay, nên đối với phiếu bầu hướng dẫn như sau:
a, Phiếu hợp lệ:
+ Phiếu bầu hợp lệ là phiếu do Ban tổ chức Đại hội phát hành.
+ Phiếu được in sẵn danh sách bầu cử do Đại hội thông qua theo vần trên bảng chữ cái.
+ Phiếu bầu cử đủ số lượng định bầu (cụ thể là bầu ….. đồng chí); hoặc ít hơn số lượng định bầu (cụ thể là bầu ít hơn ….. đồng chí), nhưng không được bỏ hết tên người trong danh sách. (Ví dụ: Danh sách bầu cử có 5 người để chọn 3 người thì viết tên 3 người trong danh sách đó, hoặc chỉ viết tên 1 người cũng được coi là phiếu hợp lệ).
+ Cần phải viết rõ ràng tên người bầu, không có ký tên, không đánh dấu ký hiệu.
+ Phiếu bầu mà danh sách bầu cử chỉ có 1 người thì bỏ phiếu trắng (không ghi tên trong phiếu bầu) vẫn được coi là phiếu hợp lệ. (Ví dụ: Bầu Bí thư hay Phó bí thư, danh sách bầu cử có 1 người thì phiếu trắng vẫn được coi là hợp lệ).
b, Phiếu không hợp lệ:
Có 6 trường hợp dưới đây được coi là phiếu không hợp lệ:
+ Phiếu thu về không phải do Ban kiểm phiếu phát ra hay còn gọi là phiếu giả.
+ Phiếu bầu thừa, không đúng so với số lượng định bầu.
+ Phiếu bầu bị nhàu, nát không rõ tên ai (đã viết sai tên hoặc là sai lỗi chính tả mà Ban kiểm phiếu không xác định rõ bầu ai).
+ Phiếu viết tên người ngoài danh sách bầu cử.
+ Phiếu không bầu ai cả hay còn gọi là phiếu trắng. Trường hợp danh sách bầu cử chỉ có 1 người thì được coi là hợp lệ.
+ Phiếu ký tên, đánh dấu ký hiệu, chữ số lạ, phiếu viết chung chung, như: Tôi nhất trí bầu toàn bộ danh sách …
– Cách tính kết quả bầu cử:
+ Người trúng cử phải có tổng số phiếu được bầu hợp lệ trên 1/2 so với số người tham gia bầu cử (tính theo số phiếu thu vào và phải tính từ cao xuống thấp).
+Ví dụ: Chi đoàn có tổng cộng 40 đoàn viên. Dự Đại hội chỉ có 38 đoàn viên tham gia bầu cử. Danh sách bầu cử sau khi được biểu quyết gồm có 5 người; số lượng ban chấp hành định bầu là 3 người.
Kết quả kiểm phiếu là:
Số phiếu phát ra = 38; số phiếu thu vào 36. (vì có thể 02 đoàn viên đã nhận phiếu nhưng vì lý do đột xuất nào đó lại không bỏ).
Số phiếu hợp lệ =32; phiếu không hợp lệ = 4
Như vậy, người trúng cử phải có số phiếu hợp lệ ghi tên người đó tối thiểu phải có 17/32. Còn phiếu không hợp lệ có ghi tên ai thì cũng không được tính. Tuy vậy, phiếu không hợp lệ vẫn có ảnh hưởng tới kết quả vì nó vẫn nằm trong tổng số để tính tỷ lệ. (Ví dụ có người được 17 phiếu bầu nhưng lại nằm ở 2 phiếu không hợp lệ thì chỉ được (tính 15/32 phiếu, như vậy không trúng cử).
Tuy nhiên, dù được 17/32 phiếu bầu, nhưng cũng vẫn có thể không trúng cử vì thứ tự số phiếu của người này dưới số lượng định bầu. (ví dụ: Danh sách bầu của 5 người để lấy 3 người. Mặc dù đã trúng quá 1/2 nhưng lại xếp ở vị trí thứ 4 nên vẫn không trúng cử).
+ Trường hợp bầu lần thứ nhất mà vẫn chưa đủ số lượng đã quyết định bầu, thì việc có tiếp tục bầu nữa hay không tùy do đại hội, hội nghị quyết định.
+ Nếu đại hội, hội nghị tiến hành bầu lần thứ 2 mà vẫn thiếu số lượng định bầu thì không tiến hành bầu tiếp nữa. Nếu là bầu các chức danh chủ chốt của Đoàn thì báo cáo với cấp uỷ và Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định, nếu là bầu đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên thì báo cáo để Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội quyết định.
5. Hướng dẫn công tác chuẩn bị đại hội chi đoàn:
– Công tác đại hội chi đoàn:
+ Lập kế hoạch tổ chức đại hội trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Đoàn cấp trên. Kế hoạch cần xác định rõ: thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, các nội dung chính trong đại hội và phân công người chuẩn bị.
+ Ban chấp hành chi đoàn dự thảo
+ Chuẩn bị đề án nhân sự Ban chấp hành mới.
+ Xin ý kiến GVCN, Đoàn cấp trên (đối với ĐH chi đoàn GV, xin ý kiến cấp ủy chi bộ) về những vấn đề nêu trên.
+ Triệu tập đoàn viên dự đại hội, phân công đoàn viên thực hiện các khâu trong công tác tổ chức đại hội (trang trí, điều khiển chương trình, các hoạt động trước, trong và sau đại hội…) để đại hội chi đoàn thực sự trở thành một sinh hoạt chính trị quan trọng nhất, thể hiện ý thức trách nhiệm của từng đoàn viên.Đại hội, hội nghị chi đoàn chỉ có giá trị tiến hành khi có ít nhất 2/3 số Đoàn viên trong chi đoàn tham dự.
– Chương trình đại hội:
+ Chào cờ – Quốc ca – Đoàn ca.
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
+ Bầu chủ tọa đại hội, chủ tọa giới thiệu thư ký của đại hội.
+ Chủ tọa công bố chương trình đại hội (có biểu quyết thống nhất của đại hội).
+ Chủ tọa trình bày báo cáo của Ban chấp hành đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động nhiệm kỳ qua, chương trình công tác nhiệm kỳ tới và bản kiểm điểm Ban chấp hành.
+ Đại hội thảo luận báo cáo, phương hướng, bản kiểm điểm. (thảo luận về báo cáo của chi đoàn và góp ý kiến cho Đoàn trường – Chủ tọa ĐH điều khiển đại biểu thảo luận, tập trung vào các biện pháp thực hiện trong phương hướng)
+ Đại diện Đoàn cấp trên phát biểu ý kiến
+ Chủ tọa công bố Ban chấp hành cũ hết nhiệm kỳ, đại hội tiến hành bầu Ban chấp hành mới; Trình bày yêu cầu, cơ cấu, tiêu chuẩn Ủy viên Ban chấp hành mới. Giới thiệu nhân sự dự kiến của Ban chấp hành cũ và hướng dẫn đại hội thảo luận và giới thiệu người ứng cử vào Ban chấp hành mới.
+ Chủ tọa đại hội trả lời, giải thích những ý kiến của đoàn viên, quyết định cho rút tên hoặc không cho rút tên khỏi danh sách bầu cử. Đại hội biểu quyết thống nhất danh sách bầu cử.
+ Bầu tổ bầu cử. Tổ bầu cử hướng dẫn thể lệ bầu cử.
+ Tiến hành bầu cử, công bố kết quả, Ban chấp hành mới ra mắt.
+ Thông qua nghị quyết của đại hội.
+ Bế mạc đại hội.
– Cách thức tổ chức đại hội chi đoàn:
+ Đại hội chi đoàn là sinh hoạt chính trị quan trọng, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng nguyên tắc điều lệ.
+ Thời gian: chi đoàn phải lựa chọn thời điểm tổ chức đại hội phù hợp với điều kiện thuận lợi của đa số đoàn viên để đảm bảo đoàn viên của chi đoàn được tham dự đầy đủ.
+ Địa điểm: Đại hội chi đoàn cần được tổ chức tại hội trường, phòng họp, phòng học … để tạo không khí nghiêm túc. Khách mời: Đại diện Đoàn cấp trên, GVCN, các đội hình thanh niên của chi đoàn,….
+ Trang trí buổi lễ: Phông trang trí gồm có: Cờ Tổ quốc, cờ Đoàn, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
+ Các khẩu hiệu: “Sống chiến đấu, học tập, lao động theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
+ Trên bàn chủ tọa, bàn thư ký, bàn đại biểu khách mời nên có bình hoa.