Việc khai thác quá mức đến nguồn tài nguyên thủy hải sản dần cạn kiệt mà các quốc gia cấp bách đặt ra vấn đề cần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của các tổ chức cộng đồng - đóng vai trò là đồng quản lý.
Mục lục bài viết
1. Nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
Tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thủy sản năm 2017 quy định như sau: “Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí.” Như vậy, từ quy định này có thể hiểu nguồn lợi thủy sản chính là tổng hợp của tất cả các tài nguyên sinh vật kể cả ở vùng nước ngọt hay nước mặn. Các tài nguyên sinh vật mang lại các giá trị kinh tế, khoa học, du lịch và giải trí cho con người.
Do đặc thù của các nguồn lợi thủy sản – chính là nguồn thu nhập chính cho các chủ thể là gia đình, cá nhân hay tổ chức khai thác thủy sản. Nếu chỉ có Nhà nước thực hiện các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các cá nhân đồng thời cũng không mang lại hiệu quả trong hoạt động bảo vệ khi một bên vẫn khai thác quá mức. Từ đó, mà pháp luật đã xây dựng cơ chế đồng quản lý- tức có sự tham gia của chính các chủ thể khai thác thủy sản hoặc ở khu vực mà có người dân sinh sống,… gọi chung các chủ thể này là tổ chức cộng đồng, các tổ chức cộng đồng này cùng nhà nước thực hiện các hoạt động để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 quy định như sau:
“5. Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (sau đây gọi là tổ chức cộng đồng) là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý.”
Như vậy, để được tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì các tổ chức cộng đồng phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia để cùng nhà nước quản lý, chia sẻ lợi ích và thực hiện các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Biên bản họp của tổ chức cộng đồng là gì?
Với quy chế là một tổ chức, nên các thành viên trong tổ chức này luôn có hoạt động họp, mỗi cuộc họp có nhiều mục đích khác nhau có thể là để quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động của tổ chức cộng đồng,… Khi tiến hành họp trong tổ chức cộng đồng thì cần thiết đặt ra cần phải có biên bản họp tổ của tổ chức cộng đồng.
Biên bản họp của tổ chức cộng đồng là văn bản được lập khi tổ chức cộng đồng tiến hành họp khi có sự tham gia của các thành viên cộng đồng.
Biên bản họp của tổ chức cộng đồng được dùng để ghi lại các nội dung, các vấn đề được tiến hành trong cuộc họp của tổ chức cộng đồng. Bên cạnh đó, các biên bản này còn được sử dụng là một trong những thành phần hồ sơ để tổ chức cộng đồng gửi lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Mẫu biên bản họp tổ chức cộng đồng và soạn thảo biên bản:
Mẫu biên bản họp tổ chức cộng đồng là Mẫu mang ký hiệu số 05. BT trong Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Mẫu Biên bản như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
……., ngày … tháng … năm …….
BIÊN BẢN HỌP CỦA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
Thông qua Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên tổ chức cộng đồng: ……(1)
2. Số lượng thành viên tổ chức cộng đồng: ………(2)
3. Thành phần tham dự họp (ghi cụ thể thông tin của đại biểu và số lượng thành viên tổ chức cộng đồng tham dự họp): ……
4. Thời gian, địa điểm tổ chức họp: ……(3)
II. NỘI DUNG CUỘC HỌP
1. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự, người chủ trì, người ghi biên bản cuộc họp.
2. Bầu người đại diện của tổ chức cộng đồng.
3. Thảo luận, thống nhất và biểu quyết thông qua nội dung về:
– Danh sách thành viên tham gia tổ chức cộng đồng.
– Dự thảo Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý.
– Dự thảo Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
– Các vấn đề khác (nếu có).
(Người ghi biên bản ghi đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham dự, kết quả biểu quyết thông qua của thành viên tổ chức cộng đồng đối với từng nội dung)
Cuộc họp kết thúc vào hồi ……., ngày …… tháng ……năm …… tại [tên địa điểm tổ chức đại hội].
Biên bản này được lập thành 02 (hai) bản có giá trị ngang nhau.
ĐẠI DIỆN CỦA CỘNG ĐỒNG
(Ký, ghi rõ họ tên)
NGƯỜI GHI BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ tên)
ĐẠI DIỆN ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ THAM DỰ CUỘC HỌP
(Ký, ghi rõ họ tên)
*Soạn thảo Biên bản họp tổ chức cộng đồng
(1) Ghi tên của tổ chức cộng đồng
(2) Ghi tổng số thành viên của tổ chức cộng đồng
(3) Ghi thời gian, địa điểm mà tổ chức cộng đồng tiến hành họp
4. Sử dụng Biên bản họp của tổ chức cộng đồng trong hoạt động của tổ chức cộng đồng:
Tại Điều 5 của Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
quy định như sau:
“1. Hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý theo Mẫu số 02.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 03.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Thông tin về tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 04.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Bản chính biên bản họp tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 05.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
…..
4. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 07.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Thông tin về tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 04.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung tên tổ chức và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng;
c) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và dự thảo phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản mới đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao; phạm vi quyền được giao;
d) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và dự thảo quy chế mới đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;
đ) Bản chính biên bản họp của tổ chức cộng đồng về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung theo Mẫu số 05.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”
Từ quy định trên, thì có thể thấy Biên bản họp của tổ chức cộng đồng được sử dụng là thành phần hồ sơ trong hai trường hợp, thứ nhất là trong hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thứ hai là trong trường hợp đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng mà cơ quan có thẩm quyền đã cấp trước đó. Biên bản họp của tổ chức cộng đồng đóng vai trò là văn bản thể hiện sự thống nhất ý chí hoặc có thể có những quan điểm khác nhau của các thành viên trong tổ chức cộng đồng (do tổ chức cộng đồng bao gồm nhiều thành viên khác nhau nên không thể chỉ có đại diện của tổ chức cộng đồng có quyền quyết định các vấn đề trong hoạt động của tổ chức cộng đồng mà cần có sự quyết định của từng thành viên trong tổ chức cộng đồng). Trên cơ sở xem xét biên bản họp của tổ chức cộng đồng và các văn bản khác trong hồ sơ mà cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng; thực hiện sửa đổi bổ sung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng hoặc từ chối thực hiện các hoạt động đó.
* Cơ sở pháp lý
– Luật Thủy sản năm 2017
– Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản