Bất cứ ai dù là người lao động hay người sử dụng lao động đều không muốn tai nạn lao động xảy ra. Nhưng khi rủi ro xảy ra thì những người có liên quan phải có đủ hiểu biết để bảo đảm lợi ích của mình. Dưới đây, Luật Dương Gia xin giới thiệu mẫu biên bản điều tra tai nạn lao động.
Mục lục bài viết
1. Sơ lược về điều tra tai nạn lao động:
Tai nạn thì có rất nhiều loại tai nạn nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ Luật Dương Gia chỉ giới hạn đến bạn trong phạm vi tai nạn lao động. Tai nạn lao động được hiểu là “là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Căn cứ theo Điều 35 Luật an toàn vệ sinh lao động quy định:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động để tiến hành điều tra tai nạn lao động với thẩm quyền như sau:
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tra nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành thực hiện việc điều tra lao động nếu thuộc các trường hợp sau:
+ Tai nạn lao động làm bị thương nhẹ;
+ Tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động phải lập biên bản ghi nhận lại sự việc và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.
– Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm lập Đoàn thanh tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn lao động trong trường hợp sau:
+ Tai nạn lao động chết người;
+ Tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật vệ sinh an toàn lao động 2015;
+ Điều tra lại các vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã điều tra mà có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết.
– Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra tai nạn lao động trong trường hợp sau:
+ Khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh;
+ Điều tra lại các vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra.
– Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động thì việc thực hiện điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về lao động và có sự phối hợp của Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại do tai nạn lao động thì buộc các đơn vị có thẩm quyền phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động để xác định các nguyên nhân cũng như các yếu tố lỗi dẫn đến tai nạn lao động mà yêu cầu các bên có lỗi phải tiến hành bồi thường cho nạn nhân một cách thoả đáng.
2. Mẫu biên bản điều tra tai nạn lao động mới nhất:
Biên bản Điều tra tai nạn lao động được sử dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP. Cụ thể:
TÊN CƠ SỞ… —————
Số: ………. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— ……, ngày …. tháng ….. năm …… |
BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG
…………(1)….. (Nhẹ hoặc nặng) …………
1. Cơ sở để xảy ra tai nạn lao động:
– Tên cơ sở: ……
– Địa chỉ: ………
thuộc tỉnh/thành phố: ………
– Số điện thoại, Fax, E-mail: ……
– Lĩnh vực hoạt động kinh tế của cơ sở: …….(2)……
– Tổng số lao động (quy mô sản xuất của cơ sở): …
– Loại hình cơ sở: …………..(3)………
– Tên, địa chỉ của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có): ..……
2. Thành phần đoàn điều tra (họ tên, đơn vị công tác, chức vụ của từng người):…
3. Tham dự điều tra (họ tên, đơn vị công tác, chức vụ của từng người):….
4. Sơ lược lý lịch những người bị nạn:
– Họ tên: ……..….. Giới tính: ………
– Ngày, tháng, năm sinh: ………
– Quê quán: …………
– Nơi thường trú: ……………
– Hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con): ………
– Nơi làm việc (tên tổ/phân xưởng hoặc tên, địa chỉ cơ sở): …………..
– Nghề nghiệp: ………….(4)………
– Thời gian làm việc cho người sử dụng lao động: ……………….(năm)
– Tuổi nghề: ……………(năm) Bậc thợ (nếu có): ……………………………
– Loại lao động:
Có hợp đồng lao động: ………..(5)………. /Không có hợp đồng.
– Đã được huấn luyện về ATVSLĐ: ……….. Có/ không.
5. Thông tin về vụ tai nạn:
– Ngày, giờ xảy ra tai nạn: Vào hồi …. giờ …. phút, ngày …. tháng …. năm ….;
– Nơi xảy ra tai nạn: ………
– Thời gian bắt đầu làm việc: ……………
– Số giờ đã làm việc cho đến khi tai nạn xảy ra: ……. giờ …… phút.
6. Diễn biến của vụ tai nạn: ………
7. Nguyên nhân gây ra tai nạn: ……
(Trong đó phải xác định rõ tai nạn lao động xảy ra do một trong các nguyên nhân: lỗi của người sử dụng lao động; lỗi của người lao động; lỗi của cả người sử dụng lao động và người lao động; nguyên nhân khác không do lỗi của người sử dụng lao động và người lao động).
8. Kết luận về vụ tai nạn: ……
(Phải xác định rõ vụ tai nạn đó là một trong các trường hợp: tai nạn lao động; tai nạn được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật an toàn, vệ sinh lao động; không phải là tai nạn lao động).
9. Kết luận về những người có lỗi, đề nghị hình thức xử lý: ………
10. Biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn:
– Nội dung công việc: ……………
– Người có trách nhiệm thi hành: …………
– Thời gian hoàn thành: …………
11. Tình trạng thương tích:
– Vị trí vết thương: …………
– Mức độ tổn thương: ………
12. Nơi điều trị và biện pháp xử lý ban đầu: …
13. Thiệt hại do tai nạn lao động và chi phí đã thực hiện:
– Chi phí do người sử dụng lao động trả (nếu có):
Tổng số: ………đồng, trong đó:
+ Chi phí y tế: …..đồng;
+ Trả lương trong thời gian điều trị: ………đồng;
+ Bồi thường hoặc trợ cấp: ……đồng;
– Thiệt hại tài sản/thiết bị: ……….đồng.
CÁC THÀNH VIÊN KHÁC CỦA ĐOÀN ĐIỀU TRA (Ký, ghi rõ họ tên) | TRƯỞNG ĐOÀN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG (Người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền bằng văn bản) (Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu, nếu có) |
NHỮNG NGƯỜI THAM DỰ ĐIỀU TRA |
3. Hướng dẫn lập Biên bản điều tra tai nạn lao động:
(1) Căn cứ danh mục yếu tố gây chấn thương.
(2) Ghi tên ngành, mã ngành theo Hệ thống ngành kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Thống kê.
(3) Ghi tên, mã số theo danh mục và mã số các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành trong báo cáo thống kê.
(4) Ghi tên và mã số nghề nghiệp theo danh mục nghề nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Thống kê.
(5) Ghi rõ: Không xác định thời hạn; Xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; Theo mùa, vụ hoặc theo một công việc nhất định thời hạn dưới 12 tháng.
4. Lưu ý khi viết mẫu biên bản điều tra tai nạn lao động:
– Trong biên bản điều tra tai nạn lao động cần nêu rõ trường hợp và hoàn cảnh xảy ra tai nạn; nguyên nhân của vụ tai nạn cũng như kết luận về trách nhiệm để xảy ra tai nạn một cách rõ ràng, khách quan và cụ thể.
– Trong biên bản cần có đề nghị hướng xử lý nếu thấy cần thiết, đồng thời đề ra các biện pháp ngăn ngừa tai nạn tương tự xảy ra (ghi cụ thể biện pháp, thời gian phải hoàn thành và người chịu trách nhiệm thực hiện).
5. Các chế độ đối với người bị tai nạn lao động:
Theo quy định tại Điều 45
– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên
– Bị tai nạn không thuộc một trong các nguyên nhân sau:
+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Khi người lao động không may xảy ra sự cố tai nạn lao động mà có đủ các điều kiện nêu trên thì người lao động được hưởng các khoản trợ cấp sau theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động 2015. Cụ thể:
a, Trợ cấp một lần: Áp dụng cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% hoặc bị chết do tai nạn lao động với mức hưởng được tính như sau: (căn cứ Điều 48, Điều 53 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015)
– Trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%:
+ Suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 5 tháng lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương cơ sở;
+ Ngoài khoản trợ cấp trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mội năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.
– Trợ cấp khi người lao động chết vì tai nạn lao động: Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu thì ngoài hưởng chế độ tử tuất theo quy định, thân nhân còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương cơ sở.
b, Trợ cấp hàng tháng: Áp dụng cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên với mức hưởng được tính như sau: (Điều 49 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015)
+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
+ Ngoài khoản trợ cấp trên, hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
+ Đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng nêu trên, hàng tháng người lao động còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở (Điều 52 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015).
Thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện. Trường hợp giám định lại mức suy giảm khả năng lao động do thương tật hoặc bệnh tật tái phát thì thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.
c, Các quyền lợi khác:
– Người lao động hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được hưởng các quyền lợi sau:
+ Nếu không còn làm việc thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.
+ Nếu tiếp tục làm việc và tham gia đóng bảo hiểm xã hội, ngoài hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng theo quy định, khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì được hưởng đồng thời cả lương hưu.
– Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày tùy theo mức suy giảm khả năng lao động; mức hưởng là 30% lương cơ sở (Điều 54 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015).
– Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt theo niên đại và phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật như: chân, tay giả; mắt giả; răng giả; xe lăn, xe lắc; máy trợ thính…(căn cứ Điều 51 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015).