Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn, được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hàng ngày hoặc các hoạt động khác. Trong quá trình bàn giao chất thải rắn, các bên cụ thể là bên giao và bên nhận sẽ lập biên bản bàn giao chất thải rắn.
Mục lục bài viết
1. Biên bản bàn giao chất thải rắn là gì?
Chất thải rắn có nhiều nguồn khác nhau. Chúng bao gồm tất cả rác thải mà con người thải ra môi trường ở nhiều nơi khác nhau như từ hộ gia đình, trường học, bệnh viện, chợ… Qua đó, chúng ta có thể thấy được sự phổ biến của chất thải rắn. Để thu gom, vận chuyển hoặc xử lý các chất thải rắn này, các bên phải lập biên bản bàn giao chất thải rắn. mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn được sử dụng phổ biến trong thực tế và có vai trò quan trọng.
Nếu rác thải rắn không được chôn lấp đúng theo quy trình kỹ thuật, nó sẽ làm ô nhiễm đến môi trường đất, nước mặt, nước ngầm, từ đó dễ dẫn đến khả năng gây ô nhiễm cây trồng và nước uống của chúng ta. Hơn nữa, việc đốt rác không được kiểm soát ở những bãi chứa rác có thể gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng và cũng sẽ gây ảnh hưởng đến những sinh vật sống. Để đảm bảo được trình tự xử lý của chất thải rắn thì các bên phải thực hiện bàn giao theo đúng quy định.
Mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn là mẫu biên bản được lập ra để ghi chép về việc bàn giao chất thải rắn. Mẫu nêu rõ nội dung bàn giao, thông tin chất thải rắn, thông tin bên giao, thông tin bên nhận,…
2. Mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn:
TỈNH/THÀNH PHỐ
………………
BIÊN BẢN BÀN GIAO CTRSH, CTRCNTT
Số:………
1. Bên giao (chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển):…………
Địa chỉ văn phòng:………ĐT: ………..
Địa chỉ cơ sở:……………..ĐT: ………
2. Bên nhận (chủ thu gom, vận chuyển hoặc chủ xử lý):……
Địa chỉ văn phòng:………ĐT: …
Địa chỉ cơ sở xử lý:……ĐT: ……
3. Khối lượng: CTRSH, CTRCNTT chuyển giao
STT Các loại chất thải CTRSH, CTRCNTT chuyển giao (kg) Ghi chú
1.
2.
3.
Tổng khối lượng
4. Bên giao, Bên nhận xác nhận đã thống nhất để kê khai chính xác các thông tin ở mục 1-3
……, ngày…..tháng……. năm………
Bên giao
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu nếu có)
………, ngày……..tháng……. năm………
Bên nhận
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu nếu có)
3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản bàn giao chất thải rắn:
– Biên bản bàn giao được lập giữa chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển và chủ xử lý.
– Tổ chức thực hiện:
+ Bên giao chất thải rắn phải thống nhất với bên nhận để điền đầy đủ thông tin vào biên bản giao nhận theo đúng nội dung hợp đồng chuyển giao.
+ Biên bản bàn giao được lập mỗi khi thực hiện một lần chuyển giao chất thải rắn tương ứng với từng bên nhận chất thải.
+ Trường hợp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn không có chủ nguồn thải cụ thể (như từ hộ gia đình, cá nhân; phát sinh do sự cố môi trường) hoặc không xác định được chủ nguồn thải , cơ quan có thẩm quyền là bên giao (chủ nguồn thải).
– Trình tự kê khai, lưu và chuyển biên bản bàn giao chất thải rắn:
+ Mục 1, 2: Bên giao và bên nhận khai đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại.
+ Mục 3: Bên giao khai loại chất thải, số lượng một lần chuyển giao.
+ Mục 4: Người có thẩm quyền thay mặt bên giao, bên nhận ký (ghi rõ họ tên) để xác nhận các thông tin từ Mục 1 đến 3 trước khi chuyển giao. Trường hợp không có chủ nguồn thải thì thay bằng cơ quan giao nhiệm vụ vận chuyển.
Lưu ý: Có thể điều chỉnh một số thông tin cho phù hợp khi lập biên bản bàn giao chất thải rắn theo thực tế phát sinh.
4. Một số quy định của pháp luật về chất thải rắn sinh hoạt:
Theo Điều 3 Nghị định 09/VBHN-BTNMT có nội dung như sau:
“1. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.
3. Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.”
4.1. Phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt:
Theo Điều 15 Nghị định 09/VBHN-BTNMT quy định nội dung như sau:
“1. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau:
a) Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật);
b) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh);
c) Nhóm còn lại.
2. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp.
3. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội cụ thể của mỗi địa phương.”
Như vậy, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm phân loại chất thải sinh hoạt theo các nhóm như sau:
+ Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật) để vào một thùng rác theo quy định của Tổ phố, khu dân cư;
+ Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) để vào thùng riêng theo quy định;
+ Nhóm vô cơ không tái tạo được để vào nơi quy định để xử lý (đốt hoặc chôn lấp);
– Đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng xe chuyên dụng tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và chuyển tới cơ sở xử lý chất thải rắn (bãi rác chôn lấp, lò đốt rác, nhà máy xử lý rác thải).
4.2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt:
Theo Điều 16 Nghị định 09/VBHN-BTNMT quy định nội dung như sau:
“1. Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
2. Hộ gia đình, cá nhân phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
3. Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.
4. Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt (trừ hộ gia đình, cá nhân) chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng sau:
a) Cơ sở tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý và xử lý có chức năng phù hợp;
b) Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng quy định tại Điều 18 Nghị định này; tổ chức thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
5. Trường hợp chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng thì phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Phải phù hợp với quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường,
b) Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường (trừ chất thải rắn sinh hoạt thuộc nhóm hữu cơ dễ phân hủy phát sinh từ các phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi).”
Như vậy, trách nhiệm cơ bản của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt bao gồm:
+ Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
+ Hộ gia đình, cá nhân phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
+ Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.
4.3. Trách nhiệm thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt:
Theo Điều 17 Nghị định 09/VBHN-BTNMT quy định nội dung như sau:
“1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trên các đường phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp và điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt.
3. Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ. Các thiết bị lưu chứa tại các khu vực công cộng phải bảo đảm tính mỹ quan.
4. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ.
5. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng quy định tại điểm A Phụ lục II Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
Công tác tổ chức quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
– UBND cấp huyện, tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn cấp huyện về quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Cụ thể:
+ UBND cấp huyện giao cho Ban quản lý dịch vụ công ích (quản lý cây xanh, rác thải, nước thải, chiếu sáng, đường đô thị) đối với các đô thị thành lập Ban quản lý dịch vụ công ích hoặc phòng Kinh tế Hạ tầng của các huyện lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, lập dự toán kinh phí thực hiện phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tổ chức quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn huyện.
+ UBND huyện giao cho phòng Tài chính – Kế hoạch, bố trí nguồn vốn ngân sách hàng năm cho công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt có đầy đủ năng lực, điều kiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
+ UBND cấp huyện giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật.