Phân tích báo cáo tài chính là con đường ngắn nhất để tiếp cận bức tranh toàn cảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thấy rõ thực trạng hoạt động tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh. Vậy báo cáo tài chính được lập như thế nào, và mẫu bìa báo cáo tài chính theo Thông tư 133 và 200 ra sao?
Mục lục bài viết
1. Mẫu bìa báo cáo tài chính theo Thông tư 133 và 200:
Đơn vị:….
Địa chỉ:…..
Mã số thuế doanh nghiệp:…
———-* * * * * ——–
BÁO CÁO TÀI CHÍNH
NĂM…
GỒM CÁC BIỂU SAU:
1. Bảng cân đối kế toán (Mẫu số : B01 – DNN)
2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số : B02 – DNN)
3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số : B03 – DNN)
4. Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số : F01 – DNN)
5. Tờ khai quyết toán thuế TNDN (Mẫu số : 03/TNDN)
6. Phụ lục kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số : B03 1A/TNDN)
7. Phụ lục chuyển lỗ (Mẫu số : 03-2A/TNDN)
8. Tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN (Mẫu số : F02 – DNN)
9. Thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số: B09 – DNN)
2. Các cơ sở dữ liệu phân tích báo cáo tài chính được phản ánh trên mẫu bìa:
2.1. Bảng cân đối kế toán theo mẫu số B01 – DN:
Bảng cân đối kế toán được thể hiện dưới dạng bảng cân đối số dư các tài khoản kế toán và sắp xếp trật tự các chỉ tiêu theo yêu cầu quản lý. Bảng cân đối kế toán được chia: phần “Tài sản” và phần “Nguồn vốn”. Phần “Tài sản” cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo đang tồn tại dưới dạng các hình thái và trong tất cả các giai đoạn, các khâu của quá trình kinh doanh. Trên cơ sở tổng số tài sản và kết cấu tài sản hiện có mà có thể đánh giá một cách tổng quát quy mô tài sản năng lực và trình độ sử dụng vốn của doanh nghiệp. Phần “Nguồn vốn” phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản của doanh nghiệp đến cuối kỳ hạch toán. Các chỉ tiêu ở phần nguồn vốn được sắp xếp theo từng nguồn hình thành tài sản của đơn vị (nguồn vốn của bản thân doanh nghiệp – vốn chủ sở hữu, nguồn vốn đi vay, nguồn vốn chiếm dụng…).
2.2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo mẫu số B02 – DN:
Việc lập và trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải tuân thủ 6 nguyên tắc được quy định tại chuẩn mực số 21 – Trình bày báo cáo tài chính là: Hoạt động liên tục, cơ sở dồn tích, nhất quán, trọng yếu và tập hợp, bù trừ, có thể so sánh. Lấy doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ cộng doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ trừ đi các khoản chi phí trong kỳ (kể cả chi phí hoạt động tài chính) sẽ được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong kỳ; lấy thu nhập khác trừ chi phí khác sẽ được lợi nhuận từ hoạt động khác. Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận từ hoạt động khác là tổng lợi nhuận trước thuế trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ được chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
2.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo mẫu số B03 – DN:
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh việc hình thành và sử dụng lượng tiền phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Thông tin về lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp cung cấp cho người sử dụng thông tin có cơ sở để đánh giá khả năng tạo ra các khoản tiền và việc sử dụng những khoản tiền đã tạo ra đó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”, tiền tại quỹ, tiền đang chuyển và các khoản tiền gửi không kỳ hạn, còn các khoản tương đương tiền là các khoản đầu tư ngắn hạn (không quá 3 tháng kể từ ngày mua khoản đầu tư đó), có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong chuyển đổi thành tiền (kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, chứng chỉ gửi tiền…). Doanh nghiệp được trình bày các luồng tiền từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Có hai phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Phương pháp gián tiếp và phương pháp trực tiếp. Hai phương pháp này chỉ khác nhau trong phần I “Lưu chuyển tiền từ hoạt động sản xuất – kinh doanh”, còn phần II “Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư” và phần III “Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính” thì giống nhau.
2.4. Thuyết minh báo cáo tài chính theo mẫu số B09 – DN:
Bản thuyết minh báo cáo tài chính là một báo cáo kế toán tài chính tổng quát nhằm mục đích giải trình và bổ sung, thuyết minh những thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo, mà chưa được trình bày đầy đủ, chi tiết hết trong các báo cáo tài chính khác. Căn cứ chủ yếu để lập bản Thuyết minh báo cáo tài chính là:
– Bảng cân đối kế toán của kỳ báo cáo (Mẫu B01 – DN);
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh kỳ báo cáo (Mẫu B02 – DN);
– Báo cáo thuyết minh báo cáo tài chính kỳ trước;
– Tình hình thực tế của doanh nghiệp và các tài liệu khác có liên quan.
3. Các loại mẫu báo cáo tài chính trong doanh nghiệp:
Báo cáo tài chính là những báo cáo tổng hợp về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và dòng tiền trong kỳ của doanh nghiệp. Nói cách khác, báo cáo tài chính là phương tiện trình bày khả năng sinh lợi và thực trạng tài chính của doanh nghiệp cho những người quan tâm. Thông qua báo cáo tài chính, những người sử dụng thông tin có thể đánh giá, phân tích và chẩn đoán được thực trạng và an ninh tài chính, nắm bắt được kết quả và hiệu quả hiệu quả kinh doanh hoạt động kinh doanh, tình hình và khả năng thanh toán, xác định giá trị doanh nghiệp, định rõ tiềm năng cũng như dự báo được nhu cầu tài chính cùng những rủi ro trong tương lai mà doanh nghiệp có thể phải đương đầu. Theo khoản 1 Điều 3 Luật kế toán năm 2015, báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Phân tích báo cáo tài chính là việc sử dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích để xem xét mối liên hệ giữa các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, từ đó đánh giá về tình hình tài chính hiện tại cũng như dự báo về tình hình tài chính trong tương lai của doanh nghiệp. Mặc dù hệ thống báo cáo tài chính thể hiện “bức tranh” tổng quát về tình trạng tài chính, kết quả hoạt động và dòng tiền lưu chuyển sau mỗi kỳ hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ xem xét từng con số đơn lẻ trên báo cáo tài chính, các đối tượng sử dụng sẽ khó nhìn nhận toàn diện và sâu sắc về “bức tranh” này. Việc sử dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích hợp lý sẽ giúp các nhà đầu tư tiến hành các phân tích cơ bản, xác định giá trị của cổ phiếu để quyết định mua hoặc bán cổ phiếu với mức giá hợp lý. Phân tích báo cáo tài chính cũng giúp các nhà cung cấp tín dụng đánh giá rủi ro tín dụng, chấm điểm tín dụng để đưa ra các quyết định tài trợ vốn hợp lý. Các nhà quản trị doanh nghiệp không chỉ xem xét báo cáo tài chính của đơn vị mình mà còn xem xét báo cáo tài chính của đối thủ cạnh tranh, nhằm đánh giá vị trí của đơn vị trong ngành và hoạch định các chiến lược kinh doanh cho đơn vị.
Hệ thống báo cáo tài chính ban hành theo Thông tư
– Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01 – DN);
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02 – DN);
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03 – DN);
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B09 – DN).
Báo cáo tài chính giữa niên độ: Chủ yếu được áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra các doanh nghiệp khác có thể lập báo cáo tài chính giữa niên độ nhằm đáp ứng cho nhu cầu quản lý. Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ gồm:
– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (dạng đầy đủ): Mẫu số B01a – DN;
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (dạng đầy đủ): Mẫu số B02a – DN;
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (dạng đầy đủ): Mẫu số B03a – DN;
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc: Mẫu số B09a – DN.
4. Ý nghĩa của bìa phân tích báo cáo tài chính:
Bìa báo cáo tài chính là phản ánh hệ thống các giấy tờ nhằm phục vụ cho việc đánh giá tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời gian hoạt động nhất định.Trên cơ sở đó, giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp đưa ra các quyết định chuẩn xác trong quá trình kinh doanh. Trong điều kiện sản xuất và kinh doanh theo cơ chế thị trường, có nhiều đối tượng quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp như: các nhà đầu tư, các nhà cho vay, nhà cung cấp, khách hàng. Mỗi đối tượng này đều quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp dưới các góc độ khác nhau. Các đối tượng này có thể chia thành hai nhóm: nhóm có quyền lợi trực tiếp và nhóm có quyền lợi gián tiếp. Cụ thể là, các cổ đông, nhà đầu tư tương lai, chủ ngân hàng, các nhà cung cấp tín dụng, các nhà quản lý trong nội bộ doanh nghiệp. Mỗi đối tượng trên sử dụng thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp cho các mục đích khác nhau. Ngoài ra, các thông tin từ phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp nói chung còn được các nhà nghiên cứu, sinh viên kinh tế quan tâm phục vụ cho nghiên cứu và học tập.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính: hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, thay thế cho Quyết định 15/2006 và Thông tư 244/2009;
– Thông tư 133/2016 của Bộ Tài chính – hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế cho Quyết định 48/2006 và 138/2011;
– Thông tư 53/2016 của BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 200/2014.