Để được đứng trong hàng ngũ Đảng, quần chúng xin vào Đảng ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện về độ tuổi, trình độ học vấn thì còn phải đảm bảo lý lịch đầy đủ, rõ ràng và trung thực. Quá trình thẩm tra lý lịch Đảng viên được thực hiện bởi chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng.
Mục lục bài viết
1. Báo cáo kết quả thẩm tra lý lịch Đảng viên là gì?
Thẩm tra lý lịch Đảng viên là việc xác minh những thông tin nhân thân của quần chúng xin vào Đảng. Theo quy định tại 3.4 Hướng dẫn 01/HD/TW ngày 20/09/2016 về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:
– Người vào Đảng.
– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
Nội dung thẩm tra, xác minh gồm:
– Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
– Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
Báo cáo kết quả thẩm tra lý lịch đảng viên là báo cáo được soạn thảo bởi cán bộ Đảng viên trực tiếp thực hiện việc xác minh lý lịch của quần chúng xin vào Đảng. Nội dung báo cáo gồm: Thông tin người thực hiện thẩm tra, nhận xét về lý lịch, nhận xét về những nơi thẩm tra
Thẩm tra lý lịch Đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn những công dân ưu tú, có lý lịch rõ ràng, có quan điểm chính trị đúng đắn và có phẩm chất đạo đức để đứng trong hàng ngũ Đảng viên của Đảng. Mục đích của quần chúng xin và Đảng phải trong sáng, người vào Đảng mong muốn đem trí lực của mình cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước. Vì vậy, quá trình thẩm tra lý lịch phải đảm bảo sự khách quan, việc lập báo cáo phải được thực hiện kịp thời. Báo cáo thẩm tra lý lịch Đảng viên là căn cứ để chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng xét quyết định kết nạp Đảng.
2. Mẫu báo cáo kết quả thẩm tra lý lịch Đảng viên:
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
….., ngày…tháng…năm…
BÁO CÁO
Kết quả thẩm tra lý lịch
– Họ và tên: …..
– Sinh ngày: ….
– Đơn vị công tác: …
– Ngày vào Đảng: ….
– Ngày vào Đảng chính thức: …..
– Hiện đang sinh hoạt tại: ……
– Được sự phân công của Chi bộ Đảng trường …… nhận nhiệm vụ kèm cặp, giúp đỡ và tiến hành thẩm tra lý lịch của quần chúng …. hiện đang công tác tại trường …
Sau khi tiến hành công tác thẩm tra lý lịch, tôi xin báo cáo kết quả các nội dung cụ thể như sau:
1. Về lý lịch:
– Được khai đầy đủ, rõ ràng, thể hiện đầy đủ các yêu cầu của cấp trên quy định.
2. Nhận xét của các nơi đến thẩm tra:…
Tôi xin cam đoan đã báo cáo đầy đủ và trung thực những nội dung được cấp ủy chi bộ trường ….giao thẩm tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cấp ủy về những nội dung nêu trên.
Xác nhận cấp ủy chi bộ
Người báo cáo
(ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo báo cáo kết quả thẩm tra lý lịch Đảng viên:
Báo cáo kết quả thẩm tra lý lịch Đảng viên bao gồm những nội dung sau:
Phần mở đầu:
– Quốc hiệu, tiêu ngữ – đây là yêu cầu bắt buộc đối với các văn bản hành chính
– Thông tin cơ sở Đảng lập báo cao: Đảng bộ: Ví dụ: Đảng bộ TP. Hà Nội; Chi bộ: Ghi thông tin chi bộ làm báo cáo (Ví dụ: Chi bộ Trường Đại học…)
– Tên báo cáo: Ghi :” BÁO CÁO Kết quả thẩm tra lý lịch”
Phần thông tin người lập báo cáo:
– Họ và tên: Ghi thông tin người lập báo cáo. Ghi rõ họ tên bằng cữ in hoa có dấu
– Sinh ngày: Ghi theo thông tin trong Giấy khai sinh
– Đơn vị công tác: Ghi rõ đơn vị công tác của người thực hiện hoạt động thẩm tra
– Ngày vào Đảng: Ghi ngày vào Đảng được ghi trong Hồ sơ Đảng viên
– Ngày vào Đảng chính thức: Ngày vào Đảng chính thức là ngày Đảng viên được công nhận là Đảng viên chính thức.
– Hiện đang sinh hoạt tại: Ghi đơn vị công tác của người lập báo cáo (Ví dụ: Hiện là Giảng viên công tác tại Khoa Luật Trường Đại học….)
– Được sự phân công của Chi bộ Đảng trường …… nhận nhiệm vụ kèm cặp, giúp đỡ và tiến hành thẩm tra lý lịch của quần chúng …. hiện đang công tác tại trường …
Phần nội dung báo cáo kết quả thẩm tra:
Đảm bảo trình bày đầy đủ các thông tin về: Lý lịch của quần chúng xin vào Đảng, nhận xét của các nơi đến thẩm tra
Lời cam đoan: Người lập báo cáo cam đoan đã báo cáo đầy đủ và trung thực những nội dung được cấp ủy chi bộ trường ….giao thẩm tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cấp ủy về những nội dung nêu trên.
Cuối đơn là xác nhận của cấp ủy chi bộ; người làm đơn kỹ và ghi rõ họ tên
Căn cứ pháp lý: Điểm 3.4
4. Phương pháp thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng:
Căn cứ theo điểm c, khoản 3.4 Hướng dẫn 01/HD/TW ngày 20/09/2016 về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, phương pháp thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng được thực hiện như sau:
– Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh.
+ Nếu vợ (chồng) người vào Đảng đang là đảng viên hoặc có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng).
+ Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi cấp ủy cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.
– Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn…) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi ủy báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp ủy cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.
– Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.
– Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp ủy cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.
– Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp ủy nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp ủy hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng ủy Ngoài nước) để lấy xác nhận; trường hợp chưa rõ về chính trị thì đến cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi tổ chức đó để thẩm tra.
– Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đại diện cấp ủy cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này.
Như vậy, nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là Đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh. Quá trình thực hiện thẩm tra lý lịch Đảng viên phải lập thành báo cáo gửi về chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng. Người thẩm tra lý lịch Đảng viên chịu trách nhiệm trước Đảng về báo cáo kết quả thẩm tra lý lịch.
5. Trách nhiệm của các cấp ủy và Đảng viên:
Căn cứ theo điểm d, khoản 3.4 Hướng dẫn 01/HD/TW ngày 20/09/2016 về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng:
+ Kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào Đảng (chi ủy chưa nhận xét và cấp ủy cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch).
+ Gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp ủy những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.
+ Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào Đảng.
– Trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch:
+ Chỉ đạo chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi ủy) và cơ quan trực thuộc có liên quan xác nhận vào lý lịch người xin vào Đảng.
+ Cấp ủy cơ sở nơi đến thẩm tra: thẩm định, ghi nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp ủy nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch; tập thể cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy thống nhất nội dung ghi vào mục “Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng…” ở phần cuối bản “Lý lịch của người xin vào Đảng”. Người thay mặt cấp ủy xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ đóng dấu vào lý lịch và gửi cho cấp ủy cơ sở có yêu cầu; nếu gửi theo đường công văn thì không để chậm quá 30 ngày làm việc (ở trong nước), 90 ngày làm việc (ở ngoài nước) kể từ khi nhận được công văn đề nghị thẩm tra lý lịch.
+ Tập thể lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi được yêu cầu thẩm tra lý lịch thống nhất về nội dung trước khi xác nhận vào lý lịch của người xin vào Đảng.
đ) Kinh phí chi cho việc đi thẩm tra lý lịch của người vào Đảng ở các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, cước gửi công văn thẩm tra, công tác phí cho đảng viên đi thẩm tra được thanh toán theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước; ở các đơn vị khác nếu có khó khăn về kinh phí thì cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng cấp kinh phí./.
Các cấp ủy và Đảng viên có trách nhiệm thực hiện nghiêm những quy định về thẩm tra lý lịch Đảng viên. Bất cứ những sai phạm nào về thẩm tra lý lịch khiến cho kết quả thẩm tra mất đi sự khách quan, chính xác, các cấp ủy và Đảng viên có liên quan sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”