Các cá nhân cần tham gia kỳ thi sát hạch Giấy phép lái xe. Để tổ chức kỳ thi sát hạch, thì các trung tâm đào tạo cần gửi đề nghị tổ chức sát hạch lái xe lên Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền.
Mục lục bài viết
1. Báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch lái xe là gì?
Báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch lái xe là văn bản do trung tâm hoặc cơ quan chủ quản trường đào tạo lái xe gửi lên Sở Giao thông vận tải nhằm báo cáo về việc đào tạo lái xe đồng thời đề nghị tổ chức kỳ thi sát hạch lái xe.
Báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch lái xe dùng để thể hiện mong muốn Sở Giao thông vận tải đồng ý và quyết định cho phép tổ chức sát hạch lái xe hoạt động.
2. Mẫu báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch lái xe và soạn thảo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TRƯỜNG (TRUNG TÂM) ….. (1)
Số:………../………
….., ngày…tháng…năm… (2)
BÁO CÁO ĐỀ NGHỊ TỔ CHỨC SÁT HẠCH LÁI XE
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải ……. (3)
Tiếp theo
Trường (Trung tâm)……..đã báo cáo quý Sở khai giảng và đăng ký sát hạch các lớp đào tạo lái xe Khóa …., nay Khóa học đã hoàn thành chương trình học tập và xin tổ chức sát hạch, bao gồm:
Số TT | Khóa – Lớp | Hạng giấy phép lái xe | Số học sinh vào học | Số học sinh dự sát hạch | Ngày sát hạch | Ghi chú |
Hệ đào tạo mới | ||||||
1 | ||||||
2 | ||||||
Hệ đào tạo nâng hạng | ||||||
(có danh sách học sinh các khoá học kèm theo)
Trường (Trung tâm)…..đề nghị Sở Giao thông vận tải………. xét duyệt và tổ chức kỳ sát hạch cho học sinh các lớp trên.
Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu;
THỦ TRƯỞNG CƠ SỞ ĐÀO TẠO
(Ký tên, đóng dấu)
Soạn thảo báo cáo đề nghị
(1) Ghi tên trường, trung tâm đào tạo
(2) Ghi địa danh, ngày tháng năm lập báo cáo đề nghị
(3) Ghi tên Sở Giao thông vận tải
(4) Ghi số, tên
3. Quy định về tổ chức sát hạch lái xe:
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT- BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định về hoạt động tổ chức sát hạch lái xe như sau:
“1. Đối với kỳ sát hạch lái xe các hạng A1, A2
a) Tiếp nhận báo cáo đăng ký sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô các hạng A1, A2 do cơ sở đào tạo gửi;
b) Kiểm tra hồ sơ và điều kiện người dự sát hạch theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Thông tư này;
c) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định tổ chức kỳ sát hạch; thành lập Tổ sát hạch.
2. Đối với kỳ sát hạch lái xe các hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E và F
a) Tiếp nhận báo cáo đăng ký sát hạch lái xe, danh sách học viên (báo cáo 1), danh sách đề nghị xác minh giấy phép lái xe đã cấp của cơ sở đào tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục 3a, Phụ lục 3b và Phụ lục 3c ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tiếp nhận báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch lái xe kèm danh sách thí sinh dự sát hạch (báo cáo 2) của cơ sở đào tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục 11avà Phụ lục 11bban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo 2 gửi bằng đường bưu chính và truyền dữ liệu qua hệ thống thông tin giấy phép lái xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải trước kỳ sát hạch 07 ngày làm việc;
c) Kiểm tra hồ sơ và điều kiện người dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E và F theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Thông tư này và người dự sát hạch phải có tên trong danh sách học viên (báo cáo 1), danh sách thí sinh dự sát hạch (báo cáo 2) và có bản xác minh giấy phép lái xe đã cấp (đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe);
Người được giao nhiệm vụ kiểm tra, duyệt hồ sơ thí sinh dự sát hạch phối hợp với cơ sở đào tạo lập biên bản kiểm tra hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 11c ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Dự kiến kế hoạch sát hạch và
đ) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải duyệt và ra quyết định tổ chức kỳ sát hạch lái xe; thành lập Hội đồng sát hạch, Tổ sát hạch theo mẫu quy định tại Phụ lục 12a ban hành kèm theo Thông tư này và danh sách thí sinh dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng theo mẫu quy định tại các Phụ lục 12b và Phụ lục 12c ban hành kèm theo Thông tư này.”
Như vậy, có thể thấy đối với việc sát hạch cấp bằng lái xe hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E và F thì trung tâm (trường) đào tạo lái xe cần có báo cáo đăng ký sát hạch lái xe nộp kèm với danh sách học viên tham gia khóa đào tạo lên Giám đốc Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam để đề nghị tổ chức cấp giấy phép lái xe đối với các giấy phép lái xe hạng A3, B1, B2, C, D, E và F.
Trình tự tổ chức sát hạch lái xe được thực hiện thành 3 giai đoạn chính như sau:
Đầu tiên, là tiến hành họp Hội đồng sát hạch và khai mạc kỳ sát hạch. Trước khi tổ chức sát hạch, Chủ tịch Hội đồng sát hạch tổ chức họp Hội đồng, Tổ sát hạch, Tổ giám sát (nếu có), phân công nhiệm vụ của từng thành viên trong kỳ sát hạch và tổ chức khai mạc kỳ sát hạch để công bố quyết định tổ chức kỳ sát hạch, phổ biến các nội dung có liên quan của kỳ sát hạch cho người dự sát hạch.
Tiếp theo là tổ chức sát hạch theo nội dung, quy trình sát hạch.
Cuối cùng là kết thúc kỳ sát hạch:
– Đối với kỳ sát hạch lái xe các hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E và F: Chủ tịch Hội đồng sát hạch tổ chức họp Hội đồng, Tổ sát hạch, Tổ giám sát (nếu có), Tổ trưởng Tổ sát hạch báo cáo kết quả sát hạch và thống nhất ký biên bản tổng hợp kết quả sát hạch. Chủ tịch Hội đồng sát hạch ký tên và đóng dấu vào biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe của người dự sát hạch trúng tuyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 15a ban hành kèm theo Thông tư này;
– Đối với kỳ sát hạch lái xe mô tô các hạng A1, A2: Tổ trưởng Tổ sát hạch tổ chức họp các thành viên của Tổ sát hạch, Giám đốc cơ sở đào tạo lái xe, Tổ giám sát (nếu có) thông qua kết quả sát hạch và thống nhất ký biên bản tổng hợp kết quả kỳ sát hạch. Trưởng Cơ quan quản lý sát hạch ký tên và đóng dấu xác nhận vào biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe của người dự sát hạch trúng tuyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 15b ban hành kèm theo Thông tư này.
Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe là hồ sơ gốc, giao cho người trúng tuyển kỳ sát hạch tự bảo quản.
* Nội dung sát hạch cấp giấy phép lái xe
– Sát hạch lý thuyết: gồm các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe, ngoài ra còn có nội dung liên quan đến cấu tạo và sửa chữa thông thường, nghiệp vụ vận tải (đối với giấy phép lái xe hạng A3, A4); cấu tạo và sửa chữa thông thường, đạo đức người lái xe (đối với giấy phép lái xe ô tô hạng B1); cấu tạo và sửa chữa thông thường, nghiệp vụ vận tải, đạo đức người lái xe (đối với giấy phép lái xe ô tô từ hạng B2 trở lên). Người dự sát hạch lái xe hạng A1 có giấy phép lái xe ô tô do ngành Giao thông vận tải cấp được miễn sát hạch lý thuyết.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2: Người dự sát hạch phải điều khiển xe mô tô qua 04 bài sát hạch: đi theo hình số 8, qua vạch đường thẳng, qua đường có vạch cản, qua đường gồ ghề.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A3, A4: Người dự sát hạch phải điều khiển xe tiến qua hình chữ chi và lùi theo hướng ngược lại.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D và E
Người dự sát hạch phải thực hiện đúng trình tự và điều khiển xe qua các bài sát hạch đã bố trí tại trung tâm sát hạch như: xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, qua đường vòng quanh co, ghép xe vào nơi đỗ (hạng B1, B2 và C thực hiện ghép xe dọc; hạng B1, B2 và D, E thực hiện ghép xe ngang), tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua, thao tác khi gặp tình huống nguy hiểm, thay đổi số trên đường bằng, kết thúc.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng FB2, FD và FE
Người dự sát hạch điều khiển xe qua bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với hạng FC
Người dự sát hạch điều khiển xe qua 02 bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại; ghép xe dọc vào nơi đỗ.
– Sát hạch thực hành lái xe trên đường: người dự sát hạch điều khiển xe ô tô sát hạch, xử lý các tình huống trên đường giao thông và thực hiện hiệu lệnh của sát hạch viên.
– Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: Người dự sát hạch xử lý các tình huống mô phỏng xuất hiện trên máy tính;
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình để cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
Người dự sát hạch phải điều khiển xe tiến qua hình chữ chi.”
* Việc tổ chức sát hạch lái xe được thực hiện như sau:
– Sát hạch lý thuyết đối với hạng A1 ở các đô thị từ loại 2 trở lên thực hiện trên máy vi tính; các địa bàn khác thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát quá trình sát hạch;
– Sát hạch lý thuyết đối với các hạng A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F thực hiện trên máy vi tính; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát và công khai quá trình sát hạch
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2 ở các đô thị từ loại 3 trở lên phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động; các địa bàn khác có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên dưới 100 km phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng F thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện thuộc trung tâm sát hạch lái xe;
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D, E thực hiện tại trung tâm sát hạch có thiết bị chấm điểm tự động, không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
– Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông áp dụng đối với các hạng B1, B2, C, D, E và F;
– Sát hạch thực hành lái xe trên đường đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động và có một sát hạch viên trên xe
– Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông thực hiện tại trung tâm sát hạch
Như vậy, hoạt động sát hạch cấp giấy phép lái xe được quy định thì phải bao gồm cả phần lý thuyết và phần thực hành. Việc thi lý thuyết nhằm đảm bảo người dự thi hiểu về những quy định pháp luật về giao thông đường bộ, những quy tắc khi tham gia giao thông cũng như cách ứng xử khi tham gia giao thông,… Còn phần thi thực hành nhằm kiểm tra các kỹ năng lái xe của người dự thi liệu có đảm bảo được các yêu cầu cần thiết để đảm bảo tham gia giao thông an toàn hay không. Người dự thi phải qua phần thi lý thuyết thì mới được qua phần thi thực hành. Việc tổ chức sát hạch lái xe cần đảm bảo những quy định để đảm bảo tính minh bạch, cũng như đảm bảo chất lượng của hoạt động cấp giấy phép lái xe.