Mẫu báo cáo đánh giá giữa kỳ, giai đoạn với dự án đầu tư đang được thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Mẫu báo cáo đánh giá giữa kỳ, giai đoạn với dự án đầu tư:
Trước hết, cần tìm hiểu khái niệm về đánh giá giữa kỳ và đánh giá giai đoạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 29/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về hoạt động đánh giá giữa kỳ, đánh giá giai đoạn. Đánh giá bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó bao gồm: Đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc. Cụ thể như sau:
– Đánh giá ban đầu là khái niệm để chỉ hoạt động đánh giá được thực hiện ngay sau khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư, thực hiện hoạt động đầu tư chương trình, dự án nhằm mục đích xem xét tình hình thực tế của chương trình và dự án đầu tư đó so với thời điểm phê duyệt để từ đó có thể nghiên cứu và đưa ra biện pháp xử lý sao cho phù hợp với tình hình thực tế;
– Đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn là khái niệm để chỉ hoạt động đánh giá được thực hiện vào thời điểm giữa kỳ theo tiến độ thực hiện của các chương trình đầu tư, dự án đầu tư được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc sau khi kết thúc từng giai đoạn cụ thể (trong trường hợp chương trình, dự án đầu tư được thực hiện theo nhiều giai đoạn khác nhau), hướng tới mục tiêu xem xét quá trình thực hiện dự án đầu tư, từ đó bắt đầu triển khai và đưa ra một số đề xuất để có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết;
– Đánh giá kết thúc là khái niệm để chỉ hoạt động đánh giá được tiến hành ngay sau khi kết thúc thực hiện các chương trình dự án đầu tư, nhằm mục đích xem xét kết quả đạt được, từ đó rút ra các bài học và kinh nghiệm.
Như vậy, mục đích của đánh giá giữa kỳ/giai đoạn là nhằm xem xét quá trình thực hiện các chương trình dự án đầu tư từ khi bắt đầu triển khai, từ đó đề suất các điều chỉnh sao cho cần thiết và phù hợp.
Có thể thấy, dự án đầu tư là khái niệm để chỉ tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc bỏ vốn dài hạn nhằm mục đích tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh trên một địa bàn cụ thể. Và dưới đây là mẫu báo cáo đánh giá giữa kỳ, giai đoạn đối với dự án đầu tư có thể tham khảo.
TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN TÊN CHỦ ĐẦU TƯ __________ Số: …./BCĐGĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ______________________ …, ngày … tháng … năm … |
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ HOẶC GIAI ĐOẠN
Tên dự án: …
Kính gửi: …
I. THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN
Ghi các nội dung như quy định tại Mục I của Mẫu số 02.
II. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ
1. Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình, dự án so với mục tiêu đầu tư;
2. Mức độ hoàn thành khối lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch được phê duyệt.
3. Các nội dung có liên quan khác (nếu có).
III. KIẾN NGHỊ
Đề xuất các giải pháp cần thiết, kể cả việc điều chỉnh chương trình, dự án.
CHỦ ĐẦU TƯ
(ký tên, đóng dấu)
2. Nội dung đánh giá giữ kì đối với dự án đầu tư bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 của Nghị định 29/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về hoạt động đánh giá đầu tư công. Theo đó, nội dung đánh giá dự án đầu tư công sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Văn bản hợp nhất Luật đầu tư công năm 2022.
Tiếp tục đối chiếu với quy định tại Điều 73 của Văn bản hợp nhất luật đầu tư công năm 2022 có quy định về nội dung đánh giá chương trình, dự án. Theo đó:
– Nội dung đánh giá ban đầu sẽ bao gồm các vấn đề cơ bản như sau: Công tác chuẩn bị, công tác tổ chức, công tác huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình dự án đầu tư nhằm mục đích đảm bảo theo đúng mục tiêu và tiến độ đã được phê duyệt ban đầu, những vướng mắc và phát sinh mới phát hiện so với thời điểm phê duyệt các chương trình dự án đầu tư, đề xuất các biện pháp nhằm mục đích giải quyết tốt nhất các vấn đề vướng mắc phát sinh phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế;
– Nội dung đánh giá giữa kỳ hoặc đánh giá giai đoạn sẽ bao gồm các vấn đề cơ bản sau: Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình dự án đầu tư so với mục tiêu đầu tư ban đầu, mức độ hoàn thành khối lượng công việc tính đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch đã được phê duyệt trước đó, đề xuất các giải pháp cần thiết (trong đó bao gồm cả việc điều chỉnh chương trình dự án đầu tư sao cho phù hợp).
Theo đó, nội dung đánh giá giữa kỳ hoặc đánh giá giai đoạn sẽ bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
– Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình dự án đầu tư so với mục tiêu đầu tư ban đầu;
– Mức độ hoàn thành khối lượng công việc tính tới thời điểm đánh giá so với kế hoạch đã được phê duyệt trước đó;
– Đề xuất các giải pháp cần thiết, trong đó bao gồm cả việc điều chỉnh chương trình và dự án.
3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá dự án đầu tư công được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 của Nghị định 29/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về hoạt động đánh giá dự án đầu tư công. Theo đó:
– Việc đánh giá dự án đầu tư công sẽ được thực hiện như sau: Dự án quan trọng quốc gia, các dự án thuộc nhóm A bắt buộc phải thực hiện thủ tục đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động. Bên cạnh đó, đối với các dự án nhóm B và các dự án nhóm C bắt buộc phải thực hiện thủ tục đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
– Trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá dự án được quy định như sau:
+ Chủ đầu tư là chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động thực hiện đánh giá bắt đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc;
+ Người có thẩm quyền quyết định đầu tư là chủ thể có thẩm quyền chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động thực hiện đánh giá đột xuất, đánh giá tác động. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư có thể giao cho chủ sử dụng hoặc có thể giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức thực hiện thủ tục đánh giá tác động dự án do mình quyết định đầu tư;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công là chủ thể có thẩm quyền tổ chức thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất dự án thuộc phạm vi quản lý của mình.
Tóm lại, trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá dự án đầu tư công được ghi nhận như sau:
– Chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc;
– Người có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá đột xuất và đánh giá tác động;
– Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước;
– Nghị định 29/2021/NĐ-CP thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát đánh giá đầu tư.
THAM KHẢO THÊM: