Vi phạm pháp luật được cấu thành bởi bốn yếu tố: chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan. Trong pháp luật Hình sự, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm là yếu tố quan trọng qua đó xác định những yếu tố tác động từ bên trong tâm lý hay những yếu tố thể hiện ra bên ngoài của tội phạm.
Mục lục bài viết
1. Mặt chủ quan của tội phạm là gì?
Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm. Nó là trạng thái tâm lý, ý chí chủ quan của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra. Mặt chủ quan của tội phạm thể hiện ở dấu hiệu lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội.
Mặt chủ quan của tội phạm tiếng Anh là ” The subjective side of crime “
2. Phân tích mặt chủ quan của tội phạm:
Trong các dấu hiệu lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội thì dấu hiệu lỗi là dấu hiệu có trong tất cả các cấu thành tội phạm. Dấu hiệu động cơ phạm tội và dấu hiệu mục đích phạm tội chỉ có trong một số tội phạm nhất định.
Yếu tố lỗi:
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
“Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”
Vô ý phạm tội theo Điều 11 BLHS quy định:
“Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
Dựa trên sự biểu hiện khác nhau về lý trí và ý chí của từng loại lỗi, khoa học luật hình sự chia lỗi cố ý ra thành cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp; chia lỗi vô ý ra thành lỗi vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả.
– Lỗi cố ý trực tiếp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 BLHS, thì lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của phạm tội trong trong trường hợp “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”.
– Lỗi cố ý gián tiếp: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 BLHS, thì lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người phạm tội trong trường hợp “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
– Lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin: Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 BLHS, lỗi vô ý quá tin là lỗi trong trường hợp “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” nên vẫn thực hiện và đó gây ra hậu quả nguy hại đó.
– Lỗi vô ý do cẩu thả: Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 BLHS, thì lỗi vô ý do cẩu thả là lỗi trong trường hợp “người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
Yếu tố động cơ:
Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Động cơ phạm tội chỉ có thể có trong các cấu thành tội phạm của tội thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Trong một số ít trường hợp động cơ phạm tội được quy định là dấu hiệu cua cấu thành tội phạm cơ bản, cho phép phân biệt tội phạm với không phải là tội phạm
Yếu tố mục đích:
Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra nhằm phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích phạm tội sẽ quyết định ý chí của người phạm tội, hướng ý chí đó đến việc thực hiện tội phạm. Yếu tố mục đích chỉ xuất hiện đối với những tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp.
3. Mặt chủ quan của tội phạm là gì?
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.
Mặt khách quan của tội phạm tiếng Anh là ” The objective side of crime “
4. Phân tích mặt khách quan của tội phạm:
Nghiên cứu Luật hình sự Việt nam hiện hành, khoa học Luật hình sự nêu ra các biểu hiện bên ngoài của tội phạm tạo thành mặt khách quan của tội phạm bao gồm:
Hành vi khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội) là xử sự cụ thể của con người được thể hiện ra thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định, gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Đặc điểm của hành vi khách quan của tội phạm:
– Thứ nhất, hành vi khách quan của tội phạm phải có tính nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi thể hiện ở chỗ, hành vi đó xâm hại đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thông qua việc gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ đó. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà nhà làm luật xác định những hành vi bị coi là tội phạm và quy định trong luật hình sự. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được đánh giá thông qua tầm quan trọng và tính chất của đối tượng tác động hay quan hệ xã hội mà hành vi xâm hại đến.
– Thứ hai, hành vi khách quan của tội phạm là hoạt động có ý thức và ý chí. Cách xử sự của một người bị coi là hành vi phạm tội trong luật hình sự là cách xử sự mà trong đó phải có sự tham gia của ý thức và ý chí, nghĩa là chủ thể phải nhận thức và điều khiển được cách xử sự đó. Những biểu hiện ra thế giới khách quan không được chủ thể nhận thức và điều khiển hoặc nhận thức được nhưng không điều khiển được thì không phải là hành vi khách quan của tội phạm.
– Thứ ba, hành vi khách quan của tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự. Một hành vi chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm nếu hành vi đó thỏa mãn đầy đủ những đặc điểm của hành vi khách quan của tội phạm cụ thể đã được quy định trong luật hình sự, tức là hành vi khách quan của tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự.
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội:
Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của Bộ luật hình sự. Bất kỳ một tội phạm nào cũng gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho khách thể của tội phạm hay nói cách khác, bất kỳ một tội phạm nào cũng gây ra hoặc đe dọa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Trong luật hình sự, có những cấu thành tội phạm quy định hậu quả xảy ra trong thực tế là dấu hiệu bắt buộc, đồng thời có những cấu thành tội phạm chỉ quy định khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi khách quan.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả:
Trên cơ sở lý luận về quan hệ nhân quả của phép biện chứng duy vật, khoa học luật hình sự đã vận dụng để xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội, tạo cơ sở để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Khoa học luật hình sự đã giới hạn phạm vi những hiện tượng có thể là nguyên nhân và kết quả đồng thời tạo cơ sở để xác định mối quan hệ nhân quả trong luật hình sự. Theo đó, nguyên nhân chỉ có thể là hành vi trái pháp luật và kết quả chỉ có thể là hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả xảy ra trong thực tế nếu hậu quả đó do hành vi của họ gây ra hay nói cách khác giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm có quan hệ nhân quả với nhau. Nếu hậu quả của tội phạm được luật hình sự quy định là dấu hiệu bắt buộc thì quan hệ nhân quả cũng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm mặc dù nó không được phản ánh trực tiếp. Có hai cách thể hiện mối quan hệ nhân quả.
– Thứ nhất, nhà làm luật có thể trực tiếp khẳng định việc hành vi khách quan gây ra hậu quả trong cấu thành tội phạm, qua đó gián tiếp ghi nhận dấu hiệu quan hệ nhân quả.
– Thứ hai, nhà làm luật chỉ cần mô tả hành vi và đặc điểm của đối tượng gắn liền với hành vi đó.
Các điều kiện bên ngoài khác của tội phạm (công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm…phạm tội).
– Phương tiện phạm tội:
Phương tiện phạm tội là những dụng cụ, đồ vật hoặc quá trình của thế giới bên ngoài được chủ thể sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Trong cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội phạm, phương tiện phạm tội được quy định là dấu hiệu định tội. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất của phương tiện phạm tội, trong nhiều cấu thành tội phạm khác, nhà làm luật quy định phương tiện phạm tội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng.
– Phương pháp, thủ đoạn phạm tội:
Phương pháp, thủ đoạn phạm tội là cách thức thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có cách thức sử dụng công cụ, phương tiện. Trong một số cấu thành tội phạm cơ bản, phương pháp và thủ đoạn phạm tội được quy định là dấu hiệu bắt buộc, vì vậy nó có ý nghĩa trong việc định tội. Ngoài ra, trong một số cấu thành tội phạm khác, nhà làm luật quy định thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của cách thức thực hiện hành vi. Trong luật hình sự, việc xác định phương pháp, thủ đoạn phạm tội có ý nghĩa trong việc định tội hoặc định khung hình phạt.
– Thời gian phạm tội:
Thời gian phạm tội là một thời điểm hoặc một khoảng thời gian nhất định mà hành vi phạm tội diễn ra, được hiểu là thời kỳ cụ thể nhất định phản ánh bằng các sự kiện chính trị – xã hội. Trong luật hình sự Việt Nam, thời gian phạm tội được quy định là dấu hiệu định tội của một số tội phạm. Ngoài ra, trong những trường hợp thời gian phạm tội được phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với hành vi phạm tội thông thường thì nó được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng (dấu hiệu định khung).
– Địa điểm phạm tội:
Địa điểm phạm tội là giới hạn lãnh thổ nhất định mà ở đó tội phạm bắt đầu được thực hiện, tội phạm kết thúc hoặc hậu quả của tội phạm xảy ra. Có thể hiểu địa điểm phạm tội là lãnh thổ mà ở đó có sự kiện phạm tội, đó có thể là một điểm hoặc một vùng lãnh thổ nhất định. Luật hình sự quy định địa điểm phạm tội là dấu hiệu định tội của một số tội phạm. Trong một số trường hợp, địa điểm phạm tội mà tính chất đặc biệt của nó phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cao hơn so với trường hợp phạm tội thông thường nên được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt.
– Hoàn cảnh phạm tội:
Hoàn cảnh phạm tội là tổng hợp tất cả những tình tiết khách quan xung quanh việc thực hiện tội phạm, là bối cảnh xã hội cụ thể khi tội phạm diễn ra. Hoàn cảnh phạm tội là yếu tố để người phạm tội sử dụng để thực hiện tội phạm và có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Hoàn cảnh có thể được hiểu là điều kiện khách quan được người phạm tội sử dụng để đạt được mục đích của mình. Trong luật hình sự, việc xác định hoàn cảnh phạm tội có ý nghĩa trong việc định tội hoặc định khung hình phạt.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
–