Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được tác giả Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980, trong bối cảnh đất nước ta đã thống nhất và đang đứng trước sự xây dựng cuộc sống mới, nhưng vẫn đầy những khó khăn, gian khổ và thử thách. Vậy mạch cảm xúc của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là gì?
Mục lục bài viết
1. Mạch cảm xúc của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là gì?
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được Thanh Hải viết vào tháng 11-1980, trong bối cảnh đất nước ta đã thống nhất và đang đứng trước sự xây dựng cuộc sống mới, nhưng vẫn đầy khó khăn, gian khổ và thử thách. Tác giả Thanh Hải còn được biết đến với tên thật là Phạm Bá Ngoãn (1930-1980), ông được sinh ra tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ông có một sự nghiệp sáng tác rất đáng chú ý. Từ năm 1954 đến năm 1964, ông làm cán bộ tuyên huấn. Sau đó, từ năm 1964 đến năm 1967, ông được đảm nhận vai trò phụ trách báo Cờ giải phóng tại thành phố Huế, sau đó ông đã trở thành Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Vào sau năm 1975, ông được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và được trở thành ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, cũng như Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Về phong cách sáng tác của Thanh Hải, thường tập trung vào việc miêu tả thiên nhiên và tình yêu cuộc sống. Thơ của ông không những mang tính bình dị, nhẹ nhàng, mà còn chứa đựng triết lí sâu sắc về cuộc sống và tình yêu.
Thanh Hải sáng tác ra bài thơ Mùa xuân nho nhỏ trước khi nhà thơ qua đời một tháng. Bài thơ này đã trở thành một tâm niệm chân thành, lời gửi gắm tha thiết mà nhà thơ để lại cho thế hệ tiếp theo. Bài thơ còn hiển lộ những cảm xúc của tác giả trước tình hình mùa xuân trong thiên nhiên của đất nước, và mong muốn mãnh liệt tạo ra được một “mùa xuân nhỏ bé” tuyệt vời để tặng cho cuộc sống.
Về giá trị nghệ thuật, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được viết theo hình thức thơ năm tiếng, bài thơ mang trong mình một giai điệu trong sáng, và gần gũi với truyền thống dân ca. Nó tràn đầy những hình ảnh đẹp, giản dị và vô cùng gợi cảm, cùng với những so sáng và ẩn dụ sáng tạo.
Đương nhiên, với mỗi bài thơ khác nhau thì sẽ có mạch cảm xúc khác nhau để tạo thành một bài thơ tình, ý nghĩa,….đối với bài thơ Mùa xuân nho nhỏ cũng vậy. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mở rộng ra với mùa xuân của đất nước, cách mạng. Với cảm xúc lắng đọng dần vào suy tư và ước nguyện, nhà thơ như muốn nhập vào bản hoà ca vĩ đại của cuộc đời bằng một nốt trầm xao xuyến của riêng bản thân mình, góp vào mùa xuân chung lớn lao “một mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ đã khép lại với những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.
2. Cảm xúc khi đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏ?
Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri và cũng là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mỹ, tới tầm cao của những khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống.
Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tác độc đáo trong ý tưởng thơ và ngôn ngữ thơ của nhà thơ Thanh Hải. Mặc dù đang nằm ở trên giường bệnh của những ngày cuối cùng của cuộc đời, nhưng giọng thơ ông vẫn đang ngân vang âm hưởng mùa xuân tràn đầy sức sống. “Mùa xuân nho nhỏ” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ một mùa xuân riêng trong lòng nhà thơ trước mùa xuân của dân tộc. Mở đầu bài thơ, Thanh Hải đã đưa ta về với thiên nhiên tạo hóa đất trời. Trong cảm xúc đắm say và ngất ngây của nhà thơ, thiên nhiên đất trời xứ Huế mộng mơ được khoác lên một tấm áo tươi non, ấm áp của mùa xuân. Đất trời như rộng thêm, cao hơn được Thanh Hải phác họa chỉ bằng ba nét chấm phá: “dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc”, “tiếng chim chiền chiện” gợi ra một không gian cao rộng, êm dịu, tươi tắn. Những âm thanh vang vọng, tha thiết và những đường nét đổ đã khắc họa thành một bức tranh mùa xuân xinh đẹp, yên ả, thanh bình, rạo rực niềm vui và tràn đầy sức sống. Bức tranh mùa xuân của thiên nhiên đất trời trong bài thơ thật trong sáng và tình khôi, với âm thanh và màu sắc sinh động chính là lời ca ngợi đất nước đang hồi sinh, đang thay da đổi thịt. Từ cảm nhận về mùa xuân của đất trời, của thiên nhiên đến mùa xuân của đất nước là sự chuyển nhịp rất hợp lý. Từ “mùa xuân” đã được chuyển nghĩa theo như cách hiểu thứ hai với hai nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ trong tư thế đi lên của đất nước. Điệp từ “lộc” láy lại đầu câu có nhiều nghĩa khác nhau như “lộc” là chồi non, sức sống, mùa xuân; lộc ấy chính là những điều đẹp đẽ nhất do chính con người mang đến cho mùa xuân, đất nước trong chiến đấu, sản xuất. Con người đi đến đâu mang mùa xuân đến đó, con người mang chồi non, lộc biếc cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Từ mùa xuân chung của đất nước và cách mạng, tác giả Thanh Hải ước nguyện làm một mùa xuân nho nhỏ đóng góp vào cuộc đời chung. Nhà thơ cũng tự nguyện làm một mùa xuân, ông muốn sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng lại khá khiêm nhường, coi đấy chỉ là một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Từ “lặng lẽ” ở trong bài thơ là thái độ công hiến và xây dựng cuộc sống một cách âm thầm, lặng lẽ và không cần ai biết đến. Tư tưởng sống cống hiến của nhà thơ Thanh Hải còn được thể hiện qua việc bất chấp về tuổi tác “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”. Dù ở độ tuổi nào thì con người sống ở trên đời cũng cần cống hiến vào cuộc sống chung, góp mình vào công cuộc chuyển mình và dựng xây đất nước.
Đây là một bài thơ mà em thích nhất bởi vì nó thể hiện tư tưởng sống cao đẹp và đầy tính nhân văn, mỗi người đều có thể tạo được một mùa xuân nho nhỏ để góp phần xây dựng nên mùa xuân trường tồn mãi mãi của một đất nước giàu đẹp và xã hội phồn vinh. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể trở thành một công dân tốt, có ích, một người tri thức, luôn thi đua hàng ngày vị sự phát triển đi lên của đất nước.
3. Cảm nghĩ khi đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏ?
Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ là kết tinh nghệ thuật trong đời thơ của Thanh Hải. Bài thơ thể hiện về tình yêu cuộc sống, gắn bó với đất nước, với cuộc đời và nguyện ước chân thành của Thanh Hải muốn được cống hiến cho đời, góp một mùa xuân nho nhỏ vào mùa xuân lớn của dân tộc. Từ đó mở ra những suy nghĩ về cả ý nghĩa và giá trị cuộc sống của mỗi cá nhân là sống có ích, có cống hiến cho cuộc đời chung.
Với thể thơ năm chữ gần với điệu dân ca, có nhạc điệu, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như là điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc. Sức mạnh của thơ năm chữ đó là dễ nhớ, dễ thuộc, nhẹ nhàng đi vào lòng người một cách tự nhiên và lưu giữ bền lâu ở trong đó. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ có nhiều hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Đặc biệt, một số các hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại và nâng cao, gây ấn tượng đậm đà. Giọng điệu bài thơ rất phù hợp với cảm xúc của tác giả. Ở đoạn đầu vui vẻ, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, rồi lại phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động của đất nước. Và cuối cùng là trầm lắng, trang nghiêm mà thiết tha bộc bạc, tâm niệm. Bài thơ đã có sức lay động tâm hồn chúng ta. Đưa ta về với mùa xuân của thiên nhiên của đất trời, của quê hương đất nước ta để tâm hồn mỗi người thêm yêu cuộc sống hơn, khát khao cống hiến.
THAM KHẢO THÊM: