Các quy định về thuế môn bài? Mã chương và mã tiểu mục nộp thuế môn bài?
Việc nộp thuế của các cá nhân, tổ chức có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia. Thuế là nguồn kinh phí quan trọng để Nhà nước thực hiện các chức năng của mình, góp phần chính trong việc phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Việc đóng thuế đúng và đủ kết hợp với việc chi tiêu hợp lý của nhà nước còn trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hiện nay thuế được chia làm hai loại là thuế trực thu và thuế gián thu. Thuế môn bài là một loại thuế trực thu quen thuộc đối với mỗi cá nhân và tổ chức. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về thuế môn bài và hướng dẫn điền mã chương tiểu mục khi nộp thuế môn bài.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Luật Phí và lệ phí 2015.
–
–
1. Các quy định về thuế môn bài:
1.1. Thuế môn bài là gì?
Theo quy định của các văn bản pháp luật, thuế môn bài trong pháp luật Việt Nam được định nghĩa như sau:
Thuế môn bài là một khoản tiền các cá nhân, tổ chức phải nộp định kỳ hàng năm hoặc phải nộp khi mới ra sản xuất, kinh doanh dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay số vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với tổ chức) hoặc dựa trên doanh thu của năm (đối với hộ kinh doanh cá thể).
Như vậy, thuế môn bài là loại thuế trực thu dựa trên việc thành lập của các doanh nghiệp hàng năm. Số thuế môn bài Nhà nước thu được ấn định trước và không phụ thuộc vào thực tế kinh doanh của cơ sở kinh doanh.
Người nộp thuế môn bài sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp một loại chứng chỉ gọi là thẻ môn bài chứng nhận tính hợp pháp của việc kinh doanh và ngành, nghề, chủng loại hàng hóa, dịch vụ, địa điểm kinh doanh. Thuế môn bài thu hàng năm tính theo năm dương lịch đối với các cơ sở kinh doanh.
Một điểm cần chú ý là các tổ chức, cá nhân bắt đầu hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm phải nộp thuế môn bài theo mức cả năm, kinh doanh 6 tháng cuối năm phải nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
1.2. Những đối tượng phải nộp thuế môn bài:
Theo quy định của pháp luật, các cá nhân và tổ chức sau đây phải nộp thuế môn bài, cụ thể:
– Thứ nhất là các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật sẽ phải nộp thuế môn bài.
– Thứ hai là các tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã sẽ phải nộp thuế môn bài.
– Thứ ba là các đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật sẽ phải nộp thuế môn bài.
– Thứ tư là các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân sẽ phải nộp thuế môn bài.
– Thứ tư là các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phải nộp thuế môn bài.
– Thứ năm là các chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức trên sẽ phải nộp thuế môn bài.
– Cuối cùng là các cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phải nộp thuế môn bài.
1.3. Những đối tượng được miễn nộp thuế môn bài:
Theo quy định của pháp luật, các cá nhân và tổ chức sau đây được miễn nộp thuế môn bài, cụ thể:
– Thứ nhất, các cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ được miễn nộp thuế môn bài.
– Thứ hai là các cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định sẽ được miễn nộp thuế môn bài.
– Thứ ba là cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối sẽ được miễn nộp thuế môn bài.
– Thứ tư là các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ được miễn nộp thuế môn bài.
– Thứ năm, điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) sẽ được miễn nộp thuế môn bài.
– Thứ sáu, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp sẽ được miễn nộp thuế môn bài.
– Thứ bảy, quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc sẽ được miễn nộp thuế môn bài.
– Ngoài ra, pháp luật cũng quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp thứ nhất: tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
+ Trường hợp thứ hai: hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Trong thời gian miễn lệ phí, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí.
– Thứ tám, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
– Cuối cùng là đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.
1.4. Bậc thuế và mức đóng thuế môn bài:
Theo quy định của pháp luật về mức thu thuế môn bài được quy định cụ thể đối với từng nhóm đối tượng như sau đây:
Thứ nhất: Mức thu đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
Thu thuế môn bài dựa trên vốn điều lệ của các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
– Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên 10 tỷ đồng: 03 triệu đồng/năm.
– Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 02 triệu đồng/năm
– Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 01 triệu đồng/năm
Thứ hai: Mức thu đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
Thu thuế môn bài dựa trên doanh thu của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
– Doanh thu của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên 500 triệu đồng/năm: 01 triệu đồng/năm
– Doanh thu của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm
Doanh thu được dùng để làm căn cứ xác định mức thu đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính có nội dung như sau, cụ thể:
+ Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm trước liền kề năm tính lệ phí.
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra kinh doanh trong năm thì mức doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí là doanh thu của năm tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
2. Mã chương và mã tiểu mục nộp thuế môn bài:
Người nộp thuế môn bài khi nộp tiền vào ngân sách nhà nước thường vướng trong việc điền thông tin chương, loại, khoản theo đúng quy định của pháp luật Để giúp các cá nhân, tổ chức kinh doanh kiệm thời gian của mình Luật Dương Gia xin hướng dẫn cách tra cứu mã chương, loại, khoản để quý vị tiện nắm bắt.
Để việc nộp lệ phí môn bài được chính xác và đúng quy trình, các doanh nghiệp cần xác định được mã chương và mã tiểu mục nộp lệ phí môn bài. Việc ghi đúng mã chương và mã tiểu mục sẽ giúp cho tiền nộp lệ phí môn bài đi đúng vào khoản mục đã được quy định của cơ quan thuế từ đó các doanh nghiệp sẽ tránh được việc nộp sai khoản mục, dẫn đến số tiền ở các sắc thuế khác bị nộp thừa và tiền thuế môn bài vẫn bị cơ quan thuế ghi nhận là chưa thực hiện.
Theo quy định của pháp luật liên quan, ta có thể hiểu mã chương dùng để phân loại thu, chi ngân sách nhà nước và được xác định dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức của các cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền gọi chung là cơ quan chủ quản được tổ chức quản lý ngân sách riêng. Thông qua đó đối với mỗi cấp ngân sách bố trí một Chương đặc biệt và khác nhau để phản ánh các khoản thu, chi ngân sách không thuộc dự toán giao cho các cơ quan, tổ chức. Theo đó mã chương được mã hóa ba kí tự và được chia là bốn khoảng tương ứng với bốn cấp quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hay ta có thể hiểu đơn giản, mã chương là mã của doanh nghiệp được phân loại theo loại hình doanh nghiệp và cấp quản lý.
Để biết được mã chương của doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức phải vào truy cập vào website của Tổng cục thuế, tại phần Tra cứu thông tin người nộp thuế nhập mã số thuế của doanh nghiệp và mã xác nhận. Kết quả hiển thị thông tin của doanh nghiệp đó sẽ có mã chương nộp thuế.
Đối với mã tiểu mục nộp thuế được hiểu là mã các khoản thu – chi vào ngân sách nhà nước phân loại theo nội dung, tính chất kinh tế.
Đối với mã chương và mã tiểu mục sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Để các doanh nghiệp có thể ghi được mã tiểu mục trong giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì các cá nhân, tổ chức cần phải xác định rõ loại tiền phải nộp là gì (tiền thuế hay tiền nộp phạt…)
Cụ thể mã chương và mã tiểu mục nộp thuế môn bài được quy định như sau:
– Mã chương nộp thuế đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần được quản lý bởi chi cục thuế cấp quận/huyện là 754.
– Mã chương nộp thuế đối với doanh nghiệp tư nhân được quản lý bởi chi cục thuế cấp quận/huyện là 755.
– Mã chương đối với các loại hình doanh nghiệp khác là 554.
– Mã tiểu mục nộp thuế môn bài bậc 1 là 2862 được áp dụng cho công ty có vốn điều lệ trên 10 tỷ có mức thuế môn bài: 3tr/năm.
– Mã tiểu mục nộp thuế môn bài bậc 2 là 2863 được áp dụng cho công ty có vốn điều lệ từ 10 tỷ trở xuống có mức thuế môn bài: 2tr/năm.
– Mã tiểu mục nộp thuế môn bài bậc 3 là 2864 được áp dụng cho chi nhánh, địa điểm kinh doanh hay VPDD có mức thuế môn bài: 1tr/năm.