Ly thân bao nhiêu lâu thì được ly hôn? Trình tự thủ tục xin ly thân mới nhất? Pháp luật có công nhận ly thân không? Vợ chồng ly thân có nên sống chung nhà không? Giải quyết tranh chấp khi ly thân?
Mục lục bài viết
1. Ly thân bao lâu thì ly hôn? Thủ tục ly thân?
Tóm tắt câu hỏi:
Chúng tôi kết hôn được 5 năm, có một con trai 4 tuổi, chúng tôi đều là công chức nhà nước. Cuộc sống hiện nay không hạnh phúc, anh ấy thường xuyên bỏ nhà đi chơi nhiều lần, có khi một tuần, cũng có lúc 2, 3 ngày khi về tỏ ra như không có gì xảy ra, nhậu nhẹt đập phá nhà cửa…Tôi sống trong sự sợ hãi mỗi khi anh ta say rượu trở về. Tôi cố gắng lắm rồi nhưng đến bây giờ tôi thật sư không chịu đựng nổi. Tôi muốn ly thân trước, xin hãy hướng dẫn tôi thủ tục như thế nào ?
Luật sư tư vấn:
Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành hoàn toàn không có chế định về ly thân. Vì luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, cũng không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn cũng không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn.
Luật sư
Ly thân, hiểu đơn giản là sự sống riêng giữa vợ và chồng, như là không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Mục đích của ly thân, theo quy định của luật pháp các nước là để giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ và chồng hoặc tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời để các bên có thời gian suy ngẫm, ăn năn hối cải, khắc phục lỗi lầm, sửa đổi tính tình, tha thứ cho nhau… để vợ chồng đoàn tụ, tiếp tục chung sống. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con chung và tài sản.
Mặt khác, nếu qua quá trình ly thân mà tình trạng vợ chồng vẫn trầm trọng, vợ hoặc chồng vẫn chứng nào tật nấy, không cảm thông, tha thứ cho nhau, không khắc phục lỗi lầm, không dung hòa… khi ấy, các bên có thể xin ly hôn.
Như vậy, ly thân là để hướng đến sự đoàn tụ, chứ không phải để hướng đến ly hôn. Với ý nghĩa đó, ly thân không phải là bước đệm để ly hôn. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian ly thân mà các bên vẫn không thể nào đoàn tụ được, lúc đó ly thân là cơ sở để tòa án xem xét giải quyết cho ly hôn.
2. Chia tài sản hình thành trong thời gian ly thân
Chia tài sản thế nào trong thời gian ly thân?
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề ly thân. Do đó thời gian ly thân vẫn được xác định là trong thời kỳ hôn nhân.
Theo quy định tại Khoản 13 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.
Như vậy, dù 2 vợ chồng đang trong thời gian ly thân nhưng chưa làm thủ tục ly hôn theo quy định Pháp luật nên quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại. Việc chia tài sản sẽ thực hiện theo thủ tục chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 38
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp:
– Việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Việc chia tài nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Như vậy, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc chia tài sản nếu không thuộc các trường hợp không được phép chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân theo quy định của pháp luật. Nội dung của văn bản thỏa thuận bao gồm các thông tin cơ bản như: tên, tuổi, nơi ở của 2 vợ chồng, tài sản được chia, thỏa thuận chia, quyền và nghĩa vụ của các bên, thời điểm việc chia tài sản có hiệu lực, các thỏa thuận khác và phải có chữ ký của hai vợ chồng. Việc chia tài sản phải lập thành văn bản phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung, thì bên nguyên đơn có thể làm đơn yêu cầu phân chia tài sản chung gửi đến tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn đang cư trú để giải quyết việc phân chia tài sản theo đúng quy định pháp luật.
3. Không cho thăm nom con khi ly thân phải làm thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Em và chồng em đã ly thân với nhau được hai tháng, nay con em mới 26 tháng tuổi em nhớ con mà chồng em không cho gặp. Chồng em còn đánh em, nay em đang làm đơn ly hôn mà chồng em cũng không cho em gặp con. Vậy em mà báo công an can thiệp thì chồng em có bị xử phạt gì không? Em có thăm con được không? Em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Nhiều người chưa hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con, hoặc có hiểu nhưng vì những hiềm khích cá nhân, sự ích kỷ mà gây khó quyền thăm nuôi của người kia. Quan hệ hôn nhân của vợ chồng chỉ chấm dứt khi ly hôn, nhưng quan hệ giữa cha, mẹ và con là quan hệ huyết thống kéo dài suốt đời, không gì có thể chia cắt được. Tuy nhiên, không phải ai cũng tôn trọng, thực hiện đúng nghĩa vụ và vai trò của mình trong mối quan hệ này, phổ biến là tình trạng người nuôi con cố tình gây khó, ngăn cản người kia tới lui thăm nom và chăm sóc con chung.
Hiên tại chồng bạn và bạn đang ly thân, con bạn mới 26 tháng tuổi và chồng bạn liên tục ngăn cản việc thăm nom con. Không cho bạn thực hiện quyền và nghĩa vụ của người mẹ.
Trong trường hợp của bạn, nếu bạn làm đơn yêu cầu ra bên phía cơ quan công an sẽ được giải quyết cho bạn về nội dung này theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ – CP như sau:
“Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Chồng bạn có hành vi cản trợ việc thăm nom con của bạn thì sẽ bị xử phạt hành chính. Để hạn chế và giải quyết được vấn đề này bạn cần phải giải quyết cá nhân giữa hai vợ chồng. Nếu mức độ trầm trọng không thể hòa giải hay tự giải quyết bên bạn có thể yêu cầu để Tòa án giải quyết.
Pháp luật đã có quy định đầy đủ về vấn đề nghĩa vụ chăm sóc, thăm nuôi con của cha mẹ, trong đó có các biện pháp chế tài nghiêm khắc. Nếu phát hiện có những hành vi gây khó, cản trở việc thăm con thì người trong cuộc nên mạnh dạn nhờ đến pháp luật và các cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ, thi hành, xử phạt hành chính v.v…
Nếu mọi nỗ lực của chúng ta đều không có kết quả, thì với các chứng cứ và biện pháp đã thực hiện, chúng ta có quyền làm đơn thay đổi người nuôi con, một cách chính đáng và cần thiết, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con trẻ. Vì theo quy định của pháp luật hôn nhân, con dưới 36 tháng tuổi mẹ sẽ có quyền nuôi con khi ly hôn.
4. Pháp luật có công nhận ly thân không?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư tôi và vợ tôi đã ly thân được 3 năm và hiện nay đang chờ tiến hành các thủ tục cần thiết để ly hôn. Nhưng trong thời gian này cô ấy thỉnh thoảng lại đến nhà tôi đang ở riêng gây rối mất trật tự hành hung đập phá đe dọa hành hung bằng lời nói cũng như tin nhắn làm ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như công việc của tôi. Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi cách xử lý sao cho đúng pháp luật và ngăn chặn không để tiếp tục xảy ra cũng như ngăn chặn việc thực hiện những đe dọa của cô ấy. Xin cảm ơn luật sư và mong được hồi đáp.
Luật sư tư vấn:
Hiện nay, quy định của pháp luật không ghi nhận vấn đề ly thân trong Luật hôn nhân và gia đình, và hiện nay pháp luật vẫn xác nhận anh chị là vợ chồng, trừ khi hai anh chị đã làm thủ tục ly hôn thì mới chấm dứt tư cách quan hệ vợ chồng.
Theo bạn trình bày, cô ấy thỉnh thoảng lại đến nhà đang ở riêng gây rối mất trật tự hành hung đập phá đe dọa hành hung bằng lời nói cũng như tin nhắn làm ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như công việc của bạn. Như vậy, với hành vi này, bạn có thể trình báo ra cơ quan công an về hành vi đó, việc này sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì:
Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.
Theo đó, bạn hoàn toàn có thể trình báo lên chính quyền địa phương về hành vi của cô ấy, cô ấy sẽ có thể sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi của mình.
5. Yêu cầu giải quyết ly hôn sau khi đã ly thân
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Xin luật sư tư vấn dùm trường hợp sau đây: Tôi và chồng kết hôn từ tháng 7 năm 2009 tại Phú Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Sau đó chúng tôi vào Bình Dương làm ăn và sinh sống, Năm 2010 chúng tôi có với nhau một đứa con.Tháng 01/2013, vì điều kiện công việc nên chồng tôi được công ty điều sang công ty bên Campuchia để làm việc. Từ đó vợ chồng con cái ít khi được bên cạnh nhau, thỉnh thoảng chồng tôi mới được về thăm gia đình một lần vào những ngày được nghỉ.
Con gái tôi thường xuyên đau ốm bệnh tật nên công việc của tôi thường xuyên bị gián đoạn, phải ở nhà chăm con, trong suốt thời gian đó một mình tôi phải chăm sóc con cái, cuộc sống 2 mẹ con cứ lủi thủi, khó khăn vất vả, đã nhiều lần tôi khuyên chồng tôi bỏ công việc về Bình Dương kiếm việc làm để vợ chồng con cái được bên nhau, chăm sóc và lo lắng cho nhau, nhưng chồng tôi cứ nói công việc này nọ , không chịu về. tình cảm vợ chồng từ đó cũng nhạt dần, sự quan tâm lo lắng đỡ đần nhau trong cuộc sống cũng ít đi, mỗi lần chồng tôi về chỉ biết ăn chơi nhậu nhẹt rồi đi.Cũng vì điều đó nên tôi buồn chán.
Đến khoảng tháng 5/ 2015, tôi bắt đầu quen và có quan hệ với một người đàn ông chưa có gia đình, và chồng tôi bắt gặp được.Từ đó vợ chồng tôi sống li thân, cuộc sống của ai người đó tự biết, đã qua một thời gian gần một năm, vợ chồng tôi không thể hàn gắn được, chồng tôi không chịu kí vào đơn li hôn nhưng cũng không còn muốn hàn gắn, chồng tôi đồng ý chia tay nhưng không muốn ra toà và đồng ý để con cho tôi nuôi, nhưng tôi muốn li hôn để chấm dứt tình trạng hôn nhân hiện tại.Trong trường hợp của tôi, xin luật sư cho biết:
1. Toà án liệu có giải quyết ly hôn cho tôi không?
2. Tôi phải gửi đơn ly hôn lên toà án cấp huyện hay tỉnh (vì chồng tôi làm việc ở nước ngoài nhưng trụ sở chính ở Thuận An, Bình Dương) chúng tôi tạm trú ở Thuận An, Bình Dương
3. Nếu chồng tôi không chịu kí đơn và cũng không chịu ra toà thì phải làm sao ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì :
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Do đó, bạn có quyền ly hôn mà không cần sự đồng ý của chồng bạn, trong trường hợp bạn đơn phương yêu cầu ly hôn thì căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Do đó, trong đơn yêu cầu ly hôn bạn cần trình bày căn cứ chứng minh đời sống hôn nhân của bạn lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn đã sinh sống và làm việc lâu dài tại Campuchia nên căn cứ vào Điều 37; 38
Hồ sơ xin ly hôn bạn cần chuẩn bị như sau:
– Đơn xin ly hôn theo mẫu;
– Đăng kí kết hôn (Bản chính hoặc bản sao);
– Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của bạn (bản sao);
– Giấy khai sinh của con (Bản sao);
– Hộ chiếu, tạm trú của chồng bạn (bản dịch, sao công chứng);
– Giấy tờ về sở hữu tài sản chung của vợ chồng (nếu có).
Do bạn xin ly hôn đơn phương nên trên đơn không cần có chữ kí của chồng bạn, đồng thời bạn phải chứng minh mâu thuẫn trầm trọng giữa hai vợ chồng bạn, chứng minh rằng cuộc sống gia đình không còn hạnh phúc thì Tòa án mới có căn cứ giải quyết cho bạn ly hôn. Đồng thời, bạn phải có được địa chỉ hiện tại của chồng bạn ở nước ngoài để tòa án có căn cứ giải quyết và tống đạt hồ sơ.
Sau khi xem xét hồ sơ thì nếu có đầy đủ căn cứ, Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của bạn, Theo Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong phiên hòa giải phải có mặt cả hai bên vợ chồng theo quy định tại Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
“Điều 209. Thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
1. Thành phần tham gia phiên họp gồm có:
a) Thẩm phán chủ trì phiên họp;
b) Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp;
c) Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;
d) Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động, trừ vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động, người lao động. Trường hợp đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động không tham gia hòa giải thì phải có ý kiến bằng văn bản;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);
e) Người phiên dịch (nếu có).
2. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp; đối với vụ án về hôn nhân và gia đình, Thẩm phán yêu cầu đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phiên họp; nếu họ vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
3. Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự”.
Trong trường hợp có thông báo triệu tập mà chồng bạn vắng mặt, thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà chồng bạn không đến thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn.