Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều trường hợp kết hôn trái pháp luật. Vậy theo quy định hiện nay thì ly hôn trong trường hợp kết hôn trái pháp luật thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Ly hôn trong trường hợp kết hôn trái pháp luật thế nào?
Chào Luật sư, Em và anh H quen nhau được 1 thời gian thì về ở chung với nhau. Lúc quen anh bảo anh chưa có vợ đang độc thân nên em mới đồng ý kết hôn với anh. Nhưng khi về chung sống như vợ chồng với anh H thì em mới biết là anh đã có vợ. Vậy giờ em có được ly hôn không? Em cảm ơn ạ.
Chào em, chúng tôi gửi em câu trả lời sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình thì kết hôn trái pháp luật đó là việc nam và nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:
– Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
– Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
+ Quan hệ về tài sản và nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ khi chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; mà trong trường hợp nếu không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Đối với việc giải quyết về quan hệ tài sản thì phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì quan hệ hôn nhân của em và anh H sẽ bị hủy.
2. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật:
2.1. Thẩm quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Tòa án sẽ thực hiện việc xử lý việc kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp khi xem xét, giải quyết những yêu cầu có liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật, thì Tòa án phải căn cứ vào các yếu tố sau để quyết định như:
– Yêu cầu của đương sự gửi tới cơ quan có thẩm quyền;
– Điều kiện để kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định việc nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện như Nam thì từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn đều do nam và nữ tự nguyện quyết định, không ai bị mất năng lực hành vi dân sự, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này và hôn nhân cùng giới tính thì hiện nay nhà nước chưa công nhận.
– Điều kiện để được công nhận quan hệ hôn nhân quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
2.2. Trường hợp hai bên kết hôn trái pháp luật vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn tại thời điểm Tòa án giải quyết:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, đối với trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện để kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì thực hiện như sau:
– Nếu trường hợp có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án sẽ có trách nhiệm ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
– Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ bác yêu cầu của họ và sẽ ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Nếu trong các trường hợp trên thì Tòa án vẫn sẽ áp dụng quy định tại Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để giải quyết về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật.
2.3. Trường hợp cả hai bên kết hôn đã có đủ điều kiện kết hôn tại thời điểm Tòa án giải quyết:
Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định về trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Tòa án xử lý như sau:
– Nếu trường hợp hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì lúc này Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
– Nếu trường hợp một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc mà có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì lúc này Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Nếu trường hợp có đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
– Đối với trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì lúc này Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này:
+ Đối với quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn;
+ Đối với quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên kể từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;
+ Đối với quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên kể từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
3. Ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nếu trường hợp người bị cưỡng ép kết hôn hoặc bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có các quyền sau:
– Quyền tự mình được yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm các điều kiện về tự nguyện được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
– Đề nghị cá nhân và tổ chức được quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 phải yêu cầu Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm điều kiện tự nguyện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 Cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, sẽ có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn đã vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, trong đó bao gồm:
– Vợ hoặc chồng của người đang có vợ, có chồng mà còn kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật.
– Cơ quan về quản lý nhà nước về gia đình.
– Cơ quan về quản lý nhà nước về trẻ em.
– Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Ngoài ra thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác nếu khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có sẽ quyền đề nghị cơ quan, tổ chức như cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.