Việc tham gia tố tụng trong vụ việc ly hôn là một việc cần thiết để các đương sự tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để tham gia tố tụng một cách đầy đủ. Vậy khi ly hôn tòa án sẽ triệu tập bao nhiêu lần, vắng mặt có được không?
Mục lục bài viết
1. Ly hôn Tòa gọi lên mấy lần?
Căn cứ theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự không có quy định nào về trường hợp giải quyết vụ án ly hôn Tòa án sẽ phải triệu tập đương sự lên để giải quyết bao nhiêu lần mà tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể mà tòa án quyết định việc sẽ triệu tập đương sự lên để giải quyết vụ án bao nhiêu lần trong quá trình tố tụng từ chuẩn bị xét xử đến xét xử. Tuy nhiên, về cơ bản Tòa án có thể sẽ triệu tập bạn tối thiểu 2 lần để giải quyết ly hôn trong đó lần 1 để tiến hành hòa giải nếu hòa giải đoàn tụ thành Thẩm phán sẽ đình chỉ vụ án ngược lại hòa giải không thành thì Tòa án sẽ triệu tập lần 2 để ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn trong trường hợp ly hôn thuận tình hoặc tại phiên tòa xét xử vụ án ly hôn trong trường hợp ly hôn đơn phương. Cụ thể như sau:
– Tòa án triệu tập lần thứ nhất: Hòa giải
Trong các vụ án ly hôn bao gồm cả thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn thì thủ tục hòa giải là một trong những thủ tục được khuyến khích thực hiện. Số lần tiến hành thủ tục hòa giải không bị giới hạn.Tuy nhiên phải được thực hiện ít nhất một lần trước khi giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hoặc giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương của người khởi kiện.
Trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì tòa án có thể ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và quyết định này sẽ có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày lập biên bản không hòa giải được mà 2 bên đương sự không có ý kiến thay đổi, bổ sung.
Nếu trường hợp sau khi lập biên bản hòa giải thành mà trong thời gian 7 ngày một trong hai bên đương sự có ý kiến thay đổi và không thỏa thuận được với nhau tất cả các vấn đề khi ly hôn bao gồm cả việc chi trả tiền án phí thì Thẩm phán đang thụ lý yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Tương tự trường hợp đơn phương ly hôn nếu qua quá trình hòa giải đoàn tụ không thành và các bên đương sự không tự thỏa thuận được với nhau các vấn đề tranh chấp thì Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án ly hôn sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Hoặc trường hợp theo Điều 207, khoản 2 Điều 208 BLTTDS trong vụ án ly hôn đơn phương mà một trong hai bên có đơn đề nghị không hòa giải hoặc trường hợp đã triệu tập bị đơn lên Tòa án để tiến hành hòa giải hợp lệ từ 2 lần trở lên nhưng bị đơn đều vắng mặt thì sẽ thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được. Trong trường hợp này vụ án ly hôn sẽ không cần phải tiến hành hòa giải thì thẩm phán cũng sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
– Tòa án triệu tập lần thứ hai: Xét xử vụ án ly hôn
Tòa án sẽ triệu tập đương sự để tham gia phiên tòa xét xử vụ án ly hôn Tòa án sẽ triệu tập hợp lệ tối đa 2 lần cho đương sự hoặc người đại diện của họ để tham gia tố tụng. Nếu trường hợp triệu tập lần thứ nhất mà đương sự vắng mặt thì hội đồng xét xử sẽ tiến hành hoãn phiên tòa trừ trường hợp đương sự có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành việc xét xử.
Sau khi hết căn cứ để hoãn phiên tòa, tòa án sẽ tiếp tục triệu tập đương sự lần thứ 2 để tiến hành xét xử trong trường hợp này mặc dù đương sự vắng mặt lần 2 thì tòa án cũng sẽ không hoãn phiên tòa giống như lần triệu tập thứ nhất mà trường hợp Tòa án sẽ xét xử vắng mặt họặc đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện, nếu người đó vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Đối với bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì sẽ được xem là đã từ bỏ yêu cầu phản tố và hội đồng xét xử sẽ ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu phản tố của bị đơn trừ trường hợp mà người đó có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.
Tương tự với trường hợp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhưng vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì cũng sẽ xem là từ bỏ yêu cầu độc lập và hội đồng xét xử sẽ ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu của họ.
Tuy nhiên, đối với trường hợp bị đơn không có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì việc họ vắng mặt không ảnh hưởng đến việc tiến hành xét xử và tòa án vẫn có thể xét xử vắng mặt họ.
Như vậy, về cơ bản, tòa án sẽ có thể triệu tập đương sự để giải quyết vụ việc ly hôn mà không có quy định nào cụ thể về việc Tòa án được triệu tập tối đa bao nhiêu lần đối với đương sự khi có yêu cầu giải quyết ly hôn.
2. Tòa án triệu tập không lên có sao không?
Như đã đề cập ở trên thủ tục ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương đều là thủ tục khởi kiện trong tố tụng dân sự.
Tuy nhiên đối với trường hợp đương sự yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn các đương sự cần có mặt tại phiên hòa giải ít nhất 01 lần tại phiên hòa giải đoàn tụ bởi chỉ khi có quyết định hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán mới quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Còn trường hợp một trong hai bên vắng mặt tại phiên hòa giải thì Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn như trường hợp đơn phương ly hôn. (Điều 397 BLTTDS)
Ngược lại, đối với trường hợp ly hôn đơn phương không cần đến Toà đó là khi có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bởi căn cứ Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp các bên đương sự có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì phiên toà vẫn được xét xử mà không phải hoãn phiên toà. Vì vậy, nếu Tòa án triệu tập mà bạn vắng mặt không có đơn xét xử vắng mặt thì sẽ hoãn phiên tòa lần 1 sau khi triệu tập lần 2 bạn vẫn tiếp tục vắng mặt thì sẽ bị xem là từ bỏ yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố của mình, hoặc có đơn xin đề nghị xét xử vắng mặt thì phiên tòa vẫn tiến hành xét xử. Tuy nhiên việc không tham gia phiên tòa có thể gây ra một số thiệt thòi cho đương sự do không tự mình tham gia phản bác ý kiến và chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp.
3. Tòa án triệu tập không lên có bị áp giải không?
Việc tham gia tố tụng trong vụ án dân sự là quyền của đương sự, do đó khi đương sự từ bỏ quyền của mình thì không bị ai cấm cản cũng như bắt buộc phải thực hiện việc tham gia tố tụng. Tùy trường hợp mà Tòa án sẽ có những quyết định khác nhau trong vấn đề đương sự vắng mặt không tham gia tố tụng.
Hậu quả của việc đương sự không tham gia tố tụng có thể là việc Hội đồng xét xử phải tạm hoãn phiên tòa; hoặc đình chỉ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập của các đương sự vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và không có lý do chính đáng hoặc người đại diện tham gia tố tụng thay khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai trở đi.
Như vậy, có thể khẳng định khi có triệu tập của Tòa án trong vụ việc dân sự mà đương sự không tới Tòa án để giải quyết thì sẽ không bị áp giải như trong vụ án hình sự.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015