Theo quy định của pháp luật thì công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì có thể tiến hành ly hôn ở nước ngoài thì sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Có được tiến hành ly hôn khi cả hai đang ở nước ngoài không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình, có thể xác định được rằng ly hôn chính là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Hay nói cách khác thì khi có bản án, quyết định ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ, chồng sẽ chấm dứt.
Trên thực tế mọi người cho rằng quan hệ vợ, chồng đã chấm dứt tại thời điểm vợ, chồng quyết định ly thân bởi khi đó, tình cảm vợ, chồng đã chấm dứt. Tuy nhiên, pháp luật không hề có quy định ly thân là đã chấm dứt quan hệ hôn nhân. Tóm lại, chỉ khi được Tòa án xem xét, giải quyết thông qua bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ, chồng cũng chấm dứt vào thời điểm bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ta có thể xác định được những người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn bao gồm:
Một là, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu.
Hai là, khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì Cha, mẹ, người thân thích khác của họ có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.
Lưu ý: trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn.
Liên quan đến vấn đề liệu có được tiến hành ly hôn khi cả vợ và chồng đang ở nước ngoài hay không, thì ta căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật hôn nhân gia đình 2014. Theo quy định này thì công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì có thể tiến hành ly hôn ở nước ngoài thì sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Tóm lại, theo quy định trên thì hai bên có thể thực hiện thủ tục ly hôn mặc dù đều đang cư trú tại nước ngoài.
2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn khi đang ở nước ngoài:
Thẩm quyền giải quyết ly hôn khi đang ở nước ngoài được quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, trong trường hợp ly hôn khi đang ở nước ngoài thì thẩm quyền thụ lý thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng trước khi ra nước ngoài của công dân.
Tuy nhiên, hai bên có thể giải quyết ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nếu thuộc trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
3. Thủ tục ly hôn khi cả hai đang ở nước ngoài:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Để thực hiện thủ tục ly hôn khi cả hai đang ở nước ngoài thì bạn cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Mẫu đơn xin ly hôn theo mẫu của Tòa án;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của hai bê
– Bản sao Giấy khai sinh của các con;
– Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung nếu có.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ như đã nêu trên thì bạn nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường Bưu điện.
Bước 3: Sau khi nhận đơn khởi kiện, yêu cầu cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Lúc này bạn cần phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án.
Nếu cả hai bên đều không thể về nước thì có thể làm đơn nêu rõ lý do không về nước được. Tòa án sẽ xem xét và có thể ra quyết định ly hôn dựa trên các tài liệu hai bên đã cung cấp trước đó.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời gian giải quyết ly hôn đồng thuận có yếu tố nước ngoài từ 03 đến 04 tháng. Còn đối với trường hợp ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài, cấp sơ thẩm khoảng từ 04 đến 06 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài có thể kéo dài hơn nếu vắng mặt bị đơn, có tranh chấp tài sản, quyền nuôi con và một số yêu cầu khác.
4. Tài sản và con cái khi ly hôn mà cả hai ở nước ngoài giải quyết như thế nào?
Một, về vấn đề xử lý tài sản khi ly hôn:
Theo quy định của pháp luật thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định.
Về nguyên tắc thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như là: Hoàn cảnh của gia đình, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Lưu ý: Khi chia tài sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Còn đối với tài sản riêng của vợ, chồng thì xác định thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định
Hai, về quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn được xác định như sau:
– Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định.
Theo đó thì Vợ, chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau về vấn đề ai là người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; Nếu vợ, chồng không tự thỏa thuận được với nhau ai là người trực tiếp nuôi con. Tức là xảy ra tranh chấp về quyền nuôi con thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết về vấn đề quyền nuôi con của hai bên. Lúc này, Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Theo đó, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Bên cạnh đó, thì cần lưu ý rằng, nếu khi bố mẹ ly hôn mà con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Mặt khác, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bên không trực tiếp nuôi con là chồng bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Như vậy, có thể thấy, khi ly hôn thì ngoài việc giải quyết chấm dứt về vấn đề tình cảm vợ chồng, giải thoát cho nhau về mặt pháp lý thì bạn cũng cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề phân chia tài sản chung hình thành trong hôn nhân của hai vợ chồng cũng như là vấn đề con chung. Mặc dù pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về việc phân chia tài sản chung và quyền nuôi con khi ly hôn nhưng trên thực tế những vụ ly hôn mà có yêu cầu phân chia tài sản và con cái thì lại hết sức phức tạp, đa phần là do các bên không thể tự thống nhất được với nhau về cách chia và về phần được hưởng cũng như quyền nuôi con. Đặc biệt, nếu ly hôn có yếu tố nước ngoài thì việc tranh chấp với nhau về tài sản và con cái thì sẽ khiến cho thời gian thực hiện việc ly hôn kéo dài hơn rất nhiều.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật hôn nhân và gia đình 2014.