Thông thường, thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ mất khoảng thời gian giải quyết lâu hơn so với thủ tục không có yếu tố nước ngoài. Vậy ly hôn có yếu tố nước ngoài mất bao lâu, bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Ly hôn có yếu tố nước ngoài mất bao lâu?
Căn cứ theo Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm những trường hợp cụ thể như:
– Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau đang thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam mà không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu như họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
– Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi mà có bất động sản đó.
Thủ tục ly hôn thuận tình và thủ tục ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài là hai thủ tục khác nhau. Vì vậy, thời gian giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài ở mỗi trường hợp cũng sẽ khác nhau. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời gian giải quyết ly hôn được quy định như sau:
1.1. Ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài:
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn ly hôn thuận tình và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn ly hôn thuận tình.
– Trường hợp đơn ly hôn thuận tình chưa ghi đầy đủ nội dung pháp luật quy định thì khi đó Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu ly hôn thuận tình sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu ly hôn.
– Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu ly hôn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ các điều kiện thụ lý thì Thẩm phán phải thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ các trường hợp người yêu cầu ly hôn thuận tình đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn ly hôn thuận tình, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu ly hôn thuận tình, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết ly hôn thuận tình, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
– Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn thuận tình là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn thuận tình.
– Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn thuận tình, trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì Thẩm phán sẽ ra quyết định việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản. Nếu đã hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn đã nêu trên mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn thuận tình ly hôn được kéo dài nhưng không quá 01 tháng.
– Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết đơn ly hôn thuận tình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.
Như vậy, qua quy định trên, ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài mất thời gian khoảng 03 tháng.
1.2. Ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài:
– Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 04 – 06 tháng; kể từ thời điểm thụ lý vụ án ly hôn đơn phương. Trong thời hạn không quá 06 tháng tòa án sẽ phải thực hiện tất cả những bước từ lấy lời khai, hòa giải, họp công tiếp cận công khai các chứng cứ và các công việc cần thiết khác để ban hành quyết định đưa vụ án ly hôn đơn phương ra xét xử.
– Thời hạn mở phiên tòa: Từ 01 – 02 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ly hôn đơn phương ra xét xử.
Trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thì thời hạn mở phiên tòa; phiên họp hòa giải sẽ được xác định như sau:
– Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng; kể từ ngày thẩm phán ra văn bản thông báo thụ lý vụ án ly hôn đơn phương. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) sẽ được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng.
– Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng; kể từ ngày thẩm phán ra văn bản thông báo thụ lý vụ án ly hôn đơn phương. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) sẽ được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng.
Tuy nhiên, việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài có phần phụ thuộc vào sự hợp tác của vợ, chồng và các nội dung giải quyết tranh chấp của vợ chồng. Trên thực tế thì thời gian giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài có thể lâu hơn do bị đơn không hợp tác hoặc bị đơn, người nhà bị đơn cố tình giấu địa chỉ; không có mặt khi Tòa án triệu tập hoặc vụ án ly hôn bị tạm đình chỉ để đợi kết quả ủy thác tư pháp.
2. Ly hôn có yếu tố nước ngoài mất bao nhiêu tiền?
Theo
– Lệ phí giải quyết sơ thẩm trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài, không có tranh chấp về tài sản là 300.000 đồng, nếu có ủy thác tư pháp thì cộng thêm 200.000 đồng.
– Án phí giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài (đơn phương ly hôn) là 300.000 đồng, nếu có ủy thác tư pháp thì cộng thêm 200.000 đồng.
– Nếu có tranh chấp về tài sản khi ly hôn có yếu tố nước ngoài thì mức án phí sẽ được tính theo giá ngạch với các mức cụ thể như sau:
+ Tài sản từ 06 triệu đồng trở xuống: Án phí là 300.000 đồng;
+ Tài sản trên 06 triệu đồng đến 400 triệu đồng: Án phí là 5% giá trị tài sản;
+ Tài sản trên 800 triệu đồng đến 02 tỷ đồng: Án phí là 36 triệu đồng + 3% phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng;
+ Tài sản trên 02 tỷ đồng đến 04 tỷ đồng: Án phí là 72 triệu đồng + 2% phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng;
+ Tài sản trên 04 tỷ đồng: Án phí là 112 triệu đồng + 0,01% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng.
3. Trong trường hợp nào Tòa án trả lại đơn khởi kiện ly hôn khi người bị kiện đang ở nước ngoài:
Điều 473 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về yêu cầu cung cấp thông tin về nhân thân, xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài, Điều này quy định yêu cầu cung cấp thông tin về nhân thân, xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài như sau:
– Người khởi kiện, người yêu cầu phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài ở trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo các giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự đó.
– Trường hợp không ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài hoặc là thiếu những nội dung trên thì phải bổ sung trong thời hạn do Tòa án ấn định, nếu như hết thời hạn đó mà không cung cấp được thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
– Trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người khởi kiện, người yêu cầu sẽ có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định về địa chỉ của đương sự hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố đương sự bị mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam là không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc đã sau 06 tháng mà không có trả lời thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
Như vậy, những trường hợp sau đây Tòa án trả lại đơn khởi kiện ly hôn khi người bị kiện đang ở nước ngoài:
– Hết thời hạn Tòa án yêu cầu bổ sung họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của người bị kiện ở nước ngoài.
– Trường hợp người khởi kiện ly hôn không xác định được địa chỉ của người bị kiện ở nước ngoài, nếu người khởi kiện ly hôn yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của người bị kiện thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện ly hôn trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam là không xác định được địa chỉ của người bị kiện ở nước ngoài hoặc sau 06 tháng mà cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không có trả lời.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.