Quyết định thuận tình ly hôn hoặc bản án ly hôn được xem là tài liệu thể hiện việc chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng trên thực tế. Vậy, ly hôn bao lâu thì có giấy quyết định ly hôn của tòa án?
Mục lục bài viết
1. Ly hôn bao lâu thì có giấy quyết định ly hôn của Tòa án?
Giấy quyết định ly hôn được xem là cơ sở để xác định việc chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng theo bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó thì bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của tòa án là cơ sở để xem xét việc ly hôn của vợ chồng đã hoàn toàn chấm dứt và được pháp luật công nhận trên thực tế. Đối với trường hợp ly hôn thuận tình, căn cứ theo quy định tại Điều 397 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có ghi nhận về việc hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, công nhận thỏa thuận nuôi con và tài sản sau khi ly hôn của vợ chồng. Theo đó thì trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành công, chủ thể có thẩm quyền đó là thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự căn cứ theo Điều 212 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Hai bên thực sự tự nguyện li hôn và không bị lừa dối ép buộc;
– Hai bên đã thỏa thuận với nhau về việc phân chia hoặc không phân chia tài sản chung, thỏa thuận về quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc giáo dục con cái sau thời kỳ ly hôn;
– Sự thỏa thuận của hai vợ chồng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người phụ nữ và con.
Và căn cứ theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó thì trong thời gian 07 ngày làm việc được tính kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào có ý kiến thay đổi về sự thỏa thuận đó, thế chủ thể có thẩm quyền đó là thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán được Chánh án tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và viện kiểm sát cùng cấp.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp ly hôn thuận tình, với thời hạn 12 ngày làm việc được tính kể từ ngày lập biên bản hòa giải, tòa án sẽ phải gửi quyết định thuận tình ly hôn cho vợ chồng.
Đối với trường hợp ly hôn đơn phương, căn cứ theo quy định tại Điều 269 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về việc cấp lại trích lục bản án, giao gửi bản án cho các đương sự. Theo đó thì trong thời hạn 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày kết thúc phiên toà, các đương sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện sẽ được tòa án cấp trích lục bản án theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày tuyên án, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án phải giao hoặc người bản án cho các đương sự, cơ quan và cá nhân khởi kiện, cùng với viện kiểm sát cùng cấp.
Vì vậy đối với câu hỏi đề bài: Ly hôn bao lâu thì có giấy quyết định ly hôn của tòa án? Có thể nói, thời điểm giao bản án hoặc quyết định ly hôn cho vợ chồng theo phân tích ở trên được xác định như sau:
– Ly hôn đơn phương: Căn cứ theo quy định tại Điều 269 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì tòa án sẽ gửi bản án cho vợ chồng trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ ngày tuyên án;
– Ly hôn thuận tình: Căn cứ theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trong thời hạn 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, thì tòa án sẽ gửi quyết định công nhận sự thỏa thuận đó cho vợ chồng và viện kiểm sát cùng cấp.
Lưu ý: Quyết định ly hôn của tòa án theo quy định hiện nay sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành, quyết định này sẽ không bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (căn cứ khoản 1 Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
2. Phải làm gì khi mất bản án ly hôn?
Giấy quyết định ly hôn được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ sở để xác định việc chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng theo phân tích ở trên. Căn cứ theo quy định tại Điều 57 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng sẽ hoàn toàn chấm dứt được tính kể từ thời điểm bản án hoặc quyết định ly hôn của tòa án có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Đồng thời, pháp luật hiện nay cũng đều rõ, tòa án đã ra quyết định ly hôn cần phải gửi bản án hoặc quyết định ly hôn đã có hiệu lực đó cho cơ quan đã thực hiện hoạt động đăng ký kết hôn để cơ quan này ghi vào sổ hộ tịch, cập nhật kịp thời thông tin ly hôn của hai vợ chồng, gửi cho hai bên vợ chồng đã ly hôn, gửi cho cá nhân và tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Do đó, số lượng bản án và quyết định ly hôn có thể sẽ có rất nhiều bản mà không giới hạn. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 70 của Luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự. Theo đó thì, đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quá trình tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng thì các đương sự có quyền được cấp trích lục bản án, bản án và quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật.
Vì vậy có thể nói, trong trường hợp bản án/quyết định ly hôn đã được giao bởi tòa án, nhưng do bất kỳ một lý do nào đó mà bạn đã làm mất thì có thể liên hệ với tòa án đã thực hiện hoạt động giải quyết ly hôn để được xin cấp lại trích lục của bản án hoặc quyết định ly hôn đó.
3. Trong quá trình kết hôn lại, có cần bản án ly hôn trước đó không?
Trong quá trình tái hôn, hồ sơ đăng ký sẽ bao gồm các loại giấy tờ cơ bản sau:
– Hai bên nam nữ có thể khai chung vào một tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy tờ tùy thân của các bên, giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài được xác định là các loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người nước ngoài đó không có vợ hoặc không có chồng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, trong trường hợp người nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì sẽ phải thay thế bằng các loại giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đầy đủ điều kiện để kết hôn phù hợp với quy định pháp luật nước sở tại;
– Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của những người nước ngoài không đi thôi hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế chỉ được xác định là có giá trị trong khoảng thời gian 06 tháng kể từ ngày cấp.
Hiện nay, pháp luật không có quy định riêng đối với trường hợp tái hôn, vì vậy bạn cần cung cấp các loại giấy tờ theo quy định nêu trên, mà không cần phải cung cấp bản án ly hôn hoặc quyết định cho phép ly hôn trước đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 .