Hiện nay, việc vợ chồng ly hôn nếu như đã có con cái thì pháp luật tôn trọng việc thỏa thuận của hai vợ chồng trong vấn đề phân chia việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Nhưng cũng rất nhiều trường hợp vợ chồng không thể thỏa thuận được vấn đề trên thì bắt buộc phải nhờ sự can thiệp của Tòa án. Vậy trường hợp vợ hoặc chồng lương thấp hơn có giành được quyền nuôi con không?
Mục lục bài viết
1. Lương thấp hơn có giành được quyền nuôi con không?
Căn cứ Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định cha mẹ sau khi ly hôn vẫn phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Trên tinh thần tôn trọng quyền của cá nhân, khi vợ chồng ly hôn việc trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ cũng như quyền của cha và mẹ đối với con sau khi ly hôn sẽ do vợ, chồng thỏa thuận.
Trường hợp hai vợ chồng không thể tự thỏa thuận được việc ai là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì sẽ yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ trên thực tế điều kiện của cha, mẹ (có chỗ ăn, chỗ ở hợp pháp; có công ăn việc làm ổn định; có mức lương thu nhập hàng tháng) có đủ để đảm bảo cuộc sống cho con hay không và dựa vào quyền lợi mọi mặt của người con để quyết định.
Ngoài ra, Tòa án cũng sẽ cần xem xét nguyện vọng của con nếu như con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trường hợp con chưa đủ 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con (ngoại trừ trường hợp người mẹ không đáp ứng đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái).
Như vậy, để xem xét việc ai được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn nếu các bên không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét đủ các điều kiện của cha mẹ để đưa ra quyết định chứ không phải chỉ căn cứ vào mỗi mức lương để đánh giá. Điều này cũng đồng nghĩa rằng không phải lương thấp hơn thì sẽ không giành được quyền nuôi con.
2. Các điều kiện cụ thể để giành quyền nuôi con:
Với trường hợp đơn phương ly hôn không đồng thuận việc phân chia con cái thì để giành được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con thì vợ, chồng phải chứng minh được các yếu tố sau đây:
(1) Điều kiện về vật chất:
- Phải có chỗ ở ổn định: vợ chồng cần chứng minh bản thân sau khi ly hôn có chỗ ở hợp pháp và ổn định thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc thông qua hợp đồng thuê nhà dài hạn nếu như chưa có nhà ở thuộc quyền sở hữu riêng của mình hoặc vẫn ở chung với cha mẹ ruột sau khi ly hôn,…
- Phải có công ăn việc làm ổn định tạo ra mức thu nhập hàng tháng: đây là một trong những điều kiện tiên quyết cần đó để vợ hoặc chồng giành được quyền nuôi con. Bởi phải có công việc ổn định thì mới tạo ra thu nhập hàng tháng ổn định để lo được cho con điều kiện vật chất cơ bản, lo cho con đi học và đáp ứng các nhu cầu của một đứa trẻ. Để chứng minh việc này thì vợ, chồng có thể cung cấp bảng lương của công ty,
hợp đồng lao động ; trường hợp kinh doanh ngoài thì có giấy tờ, tài liệu chứng minh có nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh đó,….
Như vậy, để giành được quyền nuôi con khi ly hôn, vợ hoặc chồng cần phải chứng minh được bản thân có đủ điều kiện nuôi con khi ly hôn bao gồm điều kiện về tài chính tốt hơn so với đối phương.
(2) Điều kiện về tinh thần:
Bên cạnh đáp ứng đủ các điều kiện vật chất, vợ, chồng cũng cần chứng minh có đủ điều kiện về tinh thần để chăm lo tốt nhất cho con, vấn đề này thể hiện thông qua việc có thường xuyên dành thời gian kèm cặp, dạy dỗ con học hành hay không? Mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái từ trước đến nay? Có thường xuyên dành thời gian tâm sự, đưa con đi chơi giải trí hay không?…
Để chứng minh điều kiện này, đơn giản nhất là chứng minh thông qua hợp đồng làm việc có ghi cụ thể giờ làm việc hoặc lịch làm việc của bản thân,…Ví dụ công việc làm giờ hành chính từ 8h sáng đến 5h chiều, tối đến có khoảng thời gian cho con cơm nước và dạy dỗ con học hành, cuối tuần có thời gian nghỉ ngơi với con,…
Lưu ý: bên cạnh việc chứng minh cho Tòa án thấy bản thân mình có đủ các điều kiện về vật chất, tinh thần hơn đối phương để giành quyền nuôi con thì cũng cần có chứng cứ chứng minh những yếu tố bất lợi của đối phương. Như vậy, khả năng để giành được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con khi ly hôn sẽ cao hơn rất nhiều.
3. Vợ hoặc chồng có hành vi cản trở quyền nuôi con xử lý thế nào?
Sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có nghĩa vụ sau đây:
– Tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
– Phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
– Có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Còn đối với cha, mẹ trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có quyền và nghĩa vụ sau:
– Được quyền yêu cầu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ vừa liệt kê ở trên.
– Có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
– Tuyệt đối không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Theo đó sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Nếu vợ hoặc chồng sau khi ly hôn có hành vi cản trở quyền nuôi con của người còn lại là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể mức xử phạt như sau:
– Người nào có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau: bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
(căn cứ Điều 56 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, tùy vào hành vi và mức độ, người không thực hiện theo đúng bản án/quyết định của Tòa án sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
– Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Đối tượng có đủ điều kiện mà cố tình không thực hiện theo quyết định hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó mà còn vi phạm.
– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có hành vi chống đối lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ.
+ Hành vi tẩu tán tài sản.
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi vi phạm.
– Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
–
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
THAM KHẢO THÊM: