Trong quá trình kinh doanh, sản xuất có một số sự cố khiến cho người lao động buộc phải ngừng việc. Vì vậy, pháp luật lao động đã quy định về các trường hợp được hưởng tiền lương ngừng việc và cách tính tiền lương ngừng việc để người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ của mình.
Mục lục bài viết
1. Lương ngừng việc là gì?
Khi xem xét giải thích khái niệm “lương ngừng việc”, trước hết, cần hiểu tiền lương là gì?
Theo Khoản 1, điều 90
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Hay có thể hiểu, “tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và điều kiện lao động, được xác định theo sự thỏa thuận hợp pháp giữa hai bên trong
Về nguyên tắc lương ngừng việc được tính đến trong trường hợp ngừng việc tạm thời và xảy ra trong các trường hợp không phải do lỗi của người lao động, nếu do lỗi của người lao động họ sẽ không được trả lương.
Lương ngừng việc được hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi người lao động phải ngừng việc trong một số trường hợp đặc biệt, theo hợp đồng lao động trước đó hoặc theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Lương ngừng việc trong Tiếng Anh là “Wages for work stoppage”.
2. Tại sao phải quy định về lương ngừng việc:
Thứ nhất, việc quy định về lương ngừng việc thể hiện sự tiến bộ trong quan điểm lập pháp về lao động của Việt Nam.
Thứ hai, quy định về tiền lương ngừng việc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người lao động được hưởng quyền, là căn cứ để xử lý vi phạm đối với người sử dụng lao động.
Thứ ba, tiền lương ngừng việc là khoản tiền đảm bảo được mức sống tối thiểu trong thời gian người lao động không làm việc được do yếu tố khách quan, điều đó sẽ không làm mất đi ý nghĩa cơ bản của tiền lương là nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bản thân và gia đình người lao động.
Bên cạnh đó, tiền lương ngừng việc còn là cách để người sử dụng lao động “giữ chân” người lao động, kích thích người lao động quay trở lại làm việc với tài năng, sức sáng tạo và tăng năng suất lao động.
3. Lương ngừng việc của người lao động được tính thế nào?
Theo Điều 99, Bộ luật lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
Điều 99. Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, tiền lương ngừng việc được tính trong các trường hợp khác nhau, có 03 trường hợp cụ thể:
Trường hợp 1: Do lỗi của người sử dụng lao động.
– Trong trường hợp này, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
– Lỗi của người sử dụng lao động ví dụ như người sử dụng lao động cho ngừng việc để cải tạo, sửa chữa địa điểm làm việc; chuyển người lao động làm công việc khác với hợp đồng mà người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc,…
– Tiền lương theo hợp đồng lao động là tiền lương được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, là nội dung bắt buộc trong mọi hợp đồng lao động.
Trường hợp 2: Do lỗi của người lao động, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc:
– Trong trường hợp do lỗi của người lao động thì họ không được trả lương, điều này hoàn toàn hợp lý, bởi sự ngừng việc này xuất phát từ ý chí chủ quan, sự lựa chọn của người lao động trong quan hệ lao động, điển hình là người lao động tổ chức đình công.
– Những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc, chẳng hạn: theo quy định tại Khoản 1 Điều 207 Bộ luật lao động 2019: “ Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.”. Trong trường hợp này, người lao động được trả lương theo thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu do Chính phủ quy định, thông thường các bên cũng lựa chọn lương theo hợp đồng lao động.
– Trường hợp 3: Các nguyên nhân khách quan khác:
Sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hay di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế. Có thể hiểu lý do kinh tế như sự khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
Đây là những yếu tố mà cả phía người sử dụng lao động và người lao động không mong muốn nhưng không có cách nào khác để thay đổi, nằm ngoài tầm kiểm soát của người sử dụng lao động, vì vậy, cách tính lương ngừng việc trong trường hợp này khác với hai trường hợp trên, đảm bảo được lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động:
+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Đây là khoảng thời gian khá ngắn, vì vậy mà việc người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khoản tiền lương cao hơn mức lương tối thiểu nhằm giúp người lao động đảm bảo được điều kiện sống tối thiểu trong thời gian này.
+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như đã nói ở trên, đây là trường hợp mà người sử dụng lao động bất khả kháng, do vậy pháp luật cho phép hai bên thỏa thuận tiền lương, trong đó đặc biệt là có thể thấp hơn tiền lương tối thiểu sau 14 ngày.
4. Mức lương tối thiểu vùng:
Mức lương tối thiểu làm căn cứ thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trong các trường hợp trên được quy định tại
Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng
1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Theo Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLDTL về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19, có quy định về các trường hợp khác được trả lương ngừng việc:
Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:
Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Như vậy, để đảm bảo lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ lao động hài hòa với lợi ích của Nhà nước, pháp luật lao động đã quy định một cách linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, đảm bảo được nguyên tắc “tự thỏa thuận” trong một quan hệ mang bản chất dân sự như lao động.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật lao động 2019;
– Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;
– Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLDTL về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.