Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn đã tạo ra hệ thống pháp luật về xuất bản (bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua. Tìm hiểu các nội dung cơ bản của luật xuất bản?
Mục lục bài viết
1. Luật Xuất bản là gì?
Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.
Theo Điều 3
Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của Nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Đóng vai trò là một luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Xuất bản là tổng hợp các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động xuất bản: lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Luật Xuất bản tiếng Anh là: “Publishing Law”.
2. Phạm vi điều chỉnh của Luật Xuất bản:
Tại Điều 1 Luật Xuất bản năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018.
“Luật này quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản.
Hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.”
Trong đó, in là việc sử dụng thiết bị in để tạo ra xuất bản phẩm từ bản mẫu.
Phát hành là việc thông qua một hoặc nhiều hình thức mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm đến người sử dụng.
Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh, dưới hình thức sách in, sách chữ nổi; tranh, ảnh, bản đồ, áp- phích, tờ rơi, tờ gấp; các loại lịch; bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa sách.
3. Nội dung cơ bản của Luật Xuất bản:
Luật Xuất bản quy định về các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất trong lĩnh vực xuất bản, in xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm, trong việc xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Điều 10 của Luật quy định về việc nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản có các nội dung như tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và Nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định… Nghiêm cấm thực hiện các hành vi xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; Thay đổi, làm sai lệch nôi dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản; In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;…
Tại chương II quy định về lĩnh vực xuất bản. Về đối tượng thành lập nhà xuất bản và các loại hình tổ chức nhà xuất bản; về điều kiện thành lập nhà xuất bản; về thủ tục thành lập nhà xuất bản; nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản; các chức danh thuộc nhà xuất bản; …
Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Cần thẩm định nội dung các tác phẩm, tài liền trước khi tái bản thuộc trường hợp tại Điều 24 của Luật.
Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu của tổ chức, cá nhân nước ngoài để kinh doanh tại Việt Nam phải được nhà xuất bản Việt Nam thực hiện. Đối với các tài liệu không kinh doanh của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không thực hiện qua nhà xuất bản Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật.
Trên sản phẩm xuất bản cần có tên sách, tên tác giả, người biên soạn, người chủ biên, người dịch,…; năm xuất bản, số tập; tên nhà xuất bản;…
Lĩnh vực in xuất bản bản phẩm được quy định tại chương III của Luật này. Cơ sở in chỉ được in xuất bản phẩm sau khi được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm. Luật quy định về thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản, về điều kiện nhận in xuất bản phẩm; việc in xuất bản phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm có nhiệm vụ thực hiện các nghĩa vụ khi thành lập cơ sở in xuất bản phẩm; lưu giữ và quản lý hồ sơ nhận in xuất bản phẩm; Báo cáo về hoạt động in xuất bản phẩm của cơ sở in theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in xuất bản phẩm do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức; Dừng in và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện có những vi phạm.
Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm được quy định tại Chương IV của luật. Cơ sở phát hành xuất bản phẩm bao gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hộ kinh doanh xuất bản phẩm. Nhà xuất bản được thành lập cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập là người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp; Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.( Khoản 3 Điều 36).
Điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là hộ kinh doanh là chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.
Về việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm thì cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông; cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Luật quy định về hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm: việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh; đăng lý nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh; trách nhiệm của người đứng đầu; cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; các trường hợp nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh không phải đề nghị cấp giấy phép.
Xuất bản phẩm đã được xuất bản và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam được phép xuất khẩu ra nước ngoài. Việc tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép, hoạt động này thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật.
Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử được quy định tại chương V của Luật. Việc xuất bản hoặc phát hành xuất bản phẩm điện tử phải thỏa mãn các điều kiện tại Điều 45 của Luật.
Tác phẩm, tài liệu xuất bản lần đầu theo phương thức xuất bản điện tử phải thông qua nhà xuất bản hoặc phải được cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cấp giấy phép xuất bản theo quy định của Luật. Xuất bản phẩm đã được xuất bản, in, phát hành hợp pháp được phát hành trên phương tiện điện tử. Việc xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Việc chuyển xuất bản phẩm điện tử sang xuất bản phẩm in để phổ biến tới nhiều người phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về sở hữu trí tuệ. (Điều 46 Luật Xuất Bản). Nhà xuất bản, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh thực hiện nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước. Không được quảng cáo lẫn vào nội dung hoặc làm gián đoạn nội dung của xuất bản phẩm điện tử dưới mọi hình thức.
Tại điều 50 của Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, theo đó, các chủ này có những nhiệm vụ tương tự như các chủ thể quản lý trong lĩnh vực in, xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, bên cạnh đó có nhiệm vụ đảm bảo nội dung xuất bản phẩm điện tử được phát hành đúng với nội dung xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu; thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước;… Cơ sở phát hành nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử để kinh doanh hoặc phổ biến phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép theo quy định của Luật.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Xuất bản năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018.