Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng Dân sự là cụm từ mà chúng ta nghe, gặp rất nhiều. Dưới đây Luật Dương Gia cung cấp các thông tin để trả lời những câu hỏi như: Khái niệm Luật Tố tụng Dân sự là gì? Đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Luật Tố tụng Dân sự là gì?
Trong khoa học pháp lý, tố tụng dân sự là trình tự, thủ tục do pháp luật quy định giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự.
Luật Tố tụng Dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự để bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự nhanh chóng, đúng đắn bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của nhà nước.
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự:
Luật Tố tụng Dân sự có đối tượng rất rộng. Đó chính là quan hệ giữa
– Các quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự với đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản và người liên quan;
– Các quan hệ giữa tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự với nhau;
– Các quan hệ giữa các đương sự với những người liên quan
Các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự có đặc điểm chỉ phát sinh trong tố tụng. Và Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự là các chủ thể có vai trò mang tính quyết định đối với quá trình giải quyết vụ việc dân sự và tổ chức thi hành án dân sự.
3. Phương pháp điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự:
Phương pháp điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự phụ thuộc bào tính chất và đặc điểm của các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh. Do đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự cơ bản là quan hệ giữa các cơ quan nhà nước như tòa án, viên kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự với những người tham gia vào quá trình giải quyết vụ án như đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự,…. nên Luật Tố tụng Dân sự điều chỉnh các quan hệ này bằng hai phương pháp mệnh lệnh và định đoạt.
Phương pháp mệnh lệnh được thể hiện ở chỗ các chủ thể khác đều phải phục tùng tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự. Các quyết định của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự có giá trị bắt buộc các chủ thể tố tụng khác phải thực hiện, nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
Với đặc thì giải quyết trong các vụ việc dân sự là các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình, nên các đương sự trong các quan hệ này có quyền tự quyết định quyền lợi của mình khi tham gia các quan hệ đó. Để đảm bảo quyền tự quyết định đó, phương pháp định đoạt chính là phương pháp điều chỉnh các quan hệ thuộc đối tượng của Luật Tố tụng Dân sự.
4. Nguyên tắc đặc thù của Luật Tố tụng Dân sự:
Nguyên tắc của mỗi ngành luật luôn được coi là kim chỉ nam cho chính ngành luật đó, là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoạt động xây dựng cũng như thực hiện pháp luật của đều phải tuân thủ các nguyên tắc này. Luật Tố tụng Dân sự cũng vậy, nguyên tắc của Luật Tố tụng Dân sự có thể chia thành các nhóm chính như: Các nguyên tắc thể hiện tính tuân thủ pháp luật của hoạt động tố tụng dân sự;
Các nguyên tắc về tổ chức hoạt động xét xử của tòa án; Các nguyên tắc bảo đảm quyền tham gia tố tụng của đương sự; Các nguyên tắc thể hiện trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;… Trong đó, các nguyên tắc đặc thù của Luật Tố tụng Dân sự có thể kể đến như:
4.1. Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự:
Nguyên tắc quyền tự định đoạt là một trong những nguyên tắc quan trọng của luật tố tụng hình sự. Quyền tự định đoạt của đương sự là quyền của đương sự trong việc tự quyết định về quyền, lợi ích của họ và lựa chọn biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích đó. Tại Điều 5
“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”
Cơ sở của nguyên tắc này chính là từ quyền tự định đoạt trong quan hệ dân sự. Các quan hệ dân sự đều phát sinh, xác lập, thay đổi hay chấm dứt trên nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận giữa các bên tham gia. Mà Luật Tố tụng Dân sự là luật quy định về trình tự, thủ tục để giải quyết những yêu cầu, tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật nội dung (quan hệ pháp luật dân sự nói chung) nên nó luôn gắn liền với pháp luật nội dung. Từ đó, pháp Luật Tố tụng Dân sự quy định về quyền tự định đoạt của đương sự.
Đầu tiên, nguyên tắc này xác định quyền của đương sự tự quyết định về việc tham gia tố tụng dân sự, đó chính là các chủ hoàn toàn tự quyết về việc có khởi kiện vụ án dân sự hoặc yêu cầu giải quyết việc dân sự hay không? Các chủ thể có thể tự mình thực hiện quyền này hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để thực hiện quyền. Bên cạnh quyền khởi kiện thì nguyên tắc này còn được thể hiện thông qua việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình tố tụng, các đương sự có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của mình trong các giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa xét xử. Bên cạnh đó, các đương sự hoàn toàn có quyền tự quyết trong việc hòa giải, tự thỏa thuận;…
Việc ghi nhận quyền tự định đoạt của đương sự là một nguyên tắc, Luật Tố tụng Dân sự đã đảm bảo cho đương sự được đảm bảo quyền, lợi ích của mình. Đồng thời, nguyên tắc này cũng xác định rõ ràng trách nhiệm của Tòa án là phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất về quyền, lợi ích của đương sự. Và nguyên tắc này cũng tạo điều kiện cho đương sự có thể tìm được cho mình một phương thức để giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
4.2. Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự:
Tại Điều 6 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự như sau:
“1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.
2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.”
Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự xác định khi đưa yêu cầu hay bác bỏ yêu cầu của người khác, đương sự có quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh để làm rõ căn cứ yêu cầu của mình hay căn cứ bác bỏ yêu cầu của người khác. Trước tiên là đối với người khởi kiện khi khởi kiện thì có quyền, nghĩa vụ chứng minh cho việc thực hiện quyền yêu cầu, quyền khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Và nếu bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn cũng phải đưa ra các chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.
Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì cũng có quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh như đương sự. Mặc dù các cơ quan, tổ chức, cá nhân không có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc có tranh chấp nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó là chủ thể đưa ra yêu cầu nên họ cũng phải chứng minh cho yêu cầu của mình đó là có căn cứ và hợp pháp.
Tòa án chỉ hỗ trợ đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp họ không thể tự mình thực hiện được và trong những trường hợp pháp luật quy định. Trường hợp các đương sự không cung cấp, giao nộp chứng cứ hoặc đưa ra không đủ chứng chứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc và do Tòa án thu thập được.
4.3. Nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự:
Nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự là một nguyên tắc cơ bản và đặc trưng trong Tố tụng dân sự. Nguyên tắc xác định trách nhiệm của Tòa án trong việc hòa giải vụ việc dân sự và tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự trên cơ sở tự nguyện (tự nguyện tham gia hòa giải, tự nguyện về nội dung hòa thỏa thuận), nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 10 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”
Nguyên tắc này được thể hiện trong giai đoạn chuẩn bị giải quyết vụ việc, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải cho các đương sự( Khoản 1 Điều 205 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015) thông qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng chứ và hòa giải. Trong thủ tục hòa giải, Tòa án đóng vai trò là một bên trung gian, độc lập giúp các đương sự thương lượng, thỏa thuận về việc giải quyết vụ việc dân sự. Tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc, Tòa án tạo điều kiện tốt nhất cho các đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc.
Nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự có ý nghĩa rất lớn cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Đó là cơ hội để các bên cùng thỏa thuận để giải quyết triệt để vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án. Đồng thời, cũng giúp cho hoạt động giải quyết vụ việc dân sự tại tòa án thêm hiệu quả, linh hoạt hơn.