Thừa kế đất đai có di chúc? Thừa kế đất đai không có di chúc? Nên lựa chọn hình thức thừa kế đất đai có di chúc hay không có di chúc?
Khi một người chết để lại di sản là đất đai thì việc phân chia thừa kế được thực hiện như thế nào? Theo quy định của pháp luật thì có hai hình thức thừa kế là có di chúc và không có di chúc. Bài viết dưới đây, luật Dương Gia sẽ phân tích cụ thể về vấn đề thừa kế đất đai khi có di chúc và không có di chúc.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Thừa kế đất đai có di chúc:
1.1. Di chúc là gì?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của một cá nhân về việc để lại di sản của mình cho người khác khi mình chết dưới dạng văn bản hoặc di chúc miệng.
1.2. Các loại di chúc:
Theo quy định tại điều 627 của BLDS 2015, di chúc được công nhận dưới 2 hình thức như sau: Di chúc bằng văn bản và di chúc miệng.
Di chúc bằng văn bản
“Điều 628. Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.”
Có thể thấy, việc lập di chúc bằng văn bản để thể hiện ý chí có thể được thể hiện dưới các dạng như: tự tay viết ra giấy, đánh máy, in mẫu di chúc có sẵn và điền thông tin,….
Người để lại di chúc bằng văn bản có thể lựa chọn loại di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng có ít nhất 02 người làm chứng trở lên và 02 người này phải là những người không liên quan đến di sản để lại, là những người không cùng huyết thống, anh em, họ hàng với người để lại di sản.
Trường hợp di chúc bằng văn bản không có người làm chứng người để lại di chúc phải tự tay viết và tự tay kí vào bản di chúc đó.
Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc di chúc bằng văn bản có chứng thực được thực hiện trong trường hợp nếu người để lại di sản có nhu cầu được một cơ quan có thẩm quyền đứng ra để đảm bảo về nội dung di chúc hoặc muốn lưu giữ di chúc an toàn. Loại hình này có nhiều ưu điểm nên đây là hình thức di chúc phổ biến hiện nay.
Di chúc miệng
Di chúc miệng được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 629. Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”
Di chúc miệng là loại di chúc được dùng khi người để lại di chúc chưa kịp lập văn bản mà tính mạng bị đe dọa nhưng vẫn phải còn đủ minh mẫn, tỉnh táo. Tuy nhiên, trên thực tế thì loại di chúc này ít được áp dụng bởi khó thực hiện hoặc nếu có ý định để lại di sản cho người khác thì hầu hết mọi người đã có sự chuẩn bị từ trước.
Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi người để lại di sản thể hiện ý chí của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng và được người làm chứng ghi chép lại nội dung ý chí đó, cùng ký tên điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc thì bản ghi chép của người làm chứng đó phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người làm chứng. Nếu quá thời hạn quy định trên thì di chúc miệng không có hiệu lực.
1.3. Ai có quyền lập di chúc?
Không phải ai cũng có thể lập di chúc, pháp luật đã quy định rất cụ thể về các đối tượng có thể lập di chúc để đảm bảo di chúc hợp pháp, cụ thể tại điều 625 BLDS đã nêu, từ đó có thể hiểu những người sau đây có quyền được lập di chúc:
Thứ nhất, người thành niên, minh mẫn, sáng suốt và không bị đe dọa, cưỡng ép.
Thứ hai, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi sẽ có quyền được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Những người lập di chúc sẽ có các quyền như: Chỉ định cho ai được hưởng thừa kế; truất quyền hưởng thừa kế của người mà họ không muốn cho hưởng di sản của mình để lại; phân định các phần di sản cho người thừa kế; được phép dành một phần di sản của mình để di tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định ai là người giữ di chúc, quản lý di sản.
1.4. Di chúc có hiệu lực khi nào?
Nhiều người nhầm tưởng rằng sau khi người để lại di sản lập di chúc thì di chúc đó sẽ có hiệu lực luôn, nghĩa là có thể thực hiện ý chí của người để lại di sản luôn. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 643, BLDS 2015 quy định thì:
Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế ở đây hiểu một cách đơn giản nhất là từ sau khi người để lại di sản chết, nói cách khác di chúc có hiệu lực khi người để lại di sản chết, còn khi họ đang sống thì di chúc vẫn chưa có hiệu lực.
Cần lưu ý rằng, di chúc có thể không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong một số trường hợp như:
Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc. Hiểu rằng người chết trước hoặc chết cùng thời điểm đó sẽ không được hưởng di sản theo di chúc, vì vậy phần di chúc có liên quan đến người này sẽ không có hiệu lực – gọi là di chúc vô hiệu một phần, còn nếu chỉ có duy nhất một người được hưởng theo di chúc thì chúc này không có hiệu lực toàn bộ.
Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Nghĩa là trong di chúc nếu để lại di sản cho một cơ quan, tổ chức nhưng khi người để lại di sản chết thì cơ quan, tổ chức này lại bị phá sản hoặc giải thể không còn tồn tại nữa thì di chúc sẽ bị vô hiệu toàn phần và tương tự như trên nếu có nhiều cơ quan, tổ chức mà chỉ 1 cơ quan không còn tồn tại thì di chúc chỉ bị vô hiệu một phần.
1.5. Thủ tục thừa kế đất đai có di chúc:
Người được thừa kế đất đai có di chúc cần làm hồ sơ khai nhận di sản thừa kế tại các cơ quan có thẩm quyền công chứng nơi có đất. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế phải bao gồm: Di chúc, phiếu yêu cầu công chứng, giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ chứng minh về nhân thân của người thừa kế.
Việc khai nhận di sản thừa kế phải niêm yết 15 ngày, sau khi khai nhận di sản thừa kế, người thừa kế nộp hồ sơ để làm thủ tục sang tên sổ đỏ tại cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện khai nhận di sản thừa kế đất đai theo di chúc, những người thừa kế và cơ quan thực hiện thủ tục cần xác định đầy đủ những người thừa kế không phụ thuộc di chúc để tránh tranh chấp sau này.
2. Thừa kế đất đai không có di chúc:
2.1. Thừa kế không có di chúc là gì?
Thừa kế không có di chúc hay còn gọi là thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật khi mà người để lại di sản không lập di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp, hoặc là khi Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2.2. Ai là người được thừa kế không có di chúc?
Theo quy định tại điều 651, BLDS 2015 quy định thì những người thừa kế theo pháp luật được xác định như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (Con nuôi hợp pháp về mặt giấy tờ hoặc các trường hợp được pháp luật công nhận);
Trường hợp nếu không có ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng di sản.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Tương tự như vậy, nếu không có ai thuộc hàng thừa kế thứ hai thì những người thuộc hàng thừa kế thứ ba sẽ được hưởng di sản
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý: Những người thuộc cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản ngang bằng nhau không phân biệt trai- gái, già – trẻ.
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì sẽ xét đến vấn đề thừa kế thế vị, được hiểu là cháu (con của người con đó) sẽ được hưởng phần di sản mà cháu được hưởng nếu còn sống, nếu cháu cũng chết cùng hoặc trước thời điểm người để lại di sản chết thì chắt sẽ được hưởng.
Ngoài ra, con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi cũng được hưởng di sản thừa kế của nhau theo pháp luật và cũng phát sinh vấn đề thừa kế thế vị như bình thường nếu họ có các giấy tờ chứng minh có quan hệ nhận nuôi.
Bên cạnh đó, Con riêng và bố dượng mẹ kế cũng được hưởng di sản của nhau nếu có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con.
2.3 Thủ tục hưởng thừa kế đất đai theo pháp luật:
Những người thừa kế theo pháp luật có thể thực hiện việc nhận thừa kế đất đai thông qua
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Những người thừa kế theo pháp luật có thể tự lập một văn bản thỏa thuận, trong đó nêu rõ các nội dung về việc phân chia di sản do người chết để lại, người thừa kế có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác;
– Văn bản khai nhận di sản thừa kế: Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó
Khi đó, để nhận thừa kế theo pháp luật, người được hưởng phải thực hiện thủ tục công chứng một trong hai loại Văn bản này. Đối với trường hợp thừa kế đất đai thì bắt buộc phải công chứng hai loại văn bản này tại trụ sở các tổ chức có thẩm quyền công chứng nơi có đất theo quy định của
Sau khi tiến hành lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế công chứng thfi người thừa kế nộp các hồ sơ liên quan đến thửa đất mình được hưởng kèm theo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế lên cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên.
3. Nên lựa chọn hình thức thừa kế đất đai có di chúc hay không có di chúc?
Việc lựa chọn hình thực nào là tùy theo nhu cầu của từng cá nhân. Tuy nhiên, để tránh việc tranh chấp thì người có di sản nên lựa chọn hình thức lập di chúc để chỉ định ai là người được hưởng di sản thừa kế của mình. Việc này vừa thể hiện được ý chí, mong muốn của mình vừa tránh được việc xung đột, tranh chấp giữa các hàng thừa kế. Trên thực tế không ít những trường hợp vì phân chia di sản thừa kế mà anh em họ hàng mâu thuẫn dẫn tới những hậu quả không đáng có. Hơn thế nữa, thủ tục thừa kế đất đai có di chúc cũng nhanh gọn, đơn giản hơn.