Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam quyền hạn của cơ quan quản lý.
LUẬT
THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
3. Cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
4. Viện kiểm sát nhân dân.
5. Tòa án nhân dân.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
3. Chế độ tạm giữ, tạm giam là chế độ quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam và chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu, gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.
5. Trích xuất là việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ trong thời gian nhất định theo lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện quyền, nghĩa vụ khác do luật định.
6. Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
7. Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch và in dấu vân tay của tất cả các ngón của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
8. Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.
3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.
5. Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Điều 5. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
>>> Ấn vào đây để tải toàn văn văn bản
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại