Luật nhân quyền quốc tế về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật qua từng giai đoạn và từng quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Luật nhân quyền quốc tế về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật:
Thực tiễn khi nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề liên quan đến TGPL cho NKT, cho đến trước năm 2007, không có điều ước quốc tế nào quy định riêng, cụ thể về vấn đề bảo đảm quyền cho NKT, thậm chí, không có những điều khoản riêng về quyền của NKT trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966 (ICESCR) trong khi có các điều khoản về quyền của trẻ em, phụ nữ và người thiểu số trong hai công ước này. Duy nhất trong số các điều ước quốc tế về quyền con người trước năm 2007, có Công ước về quyền trẻ em (1989) để cập việc bảo vệ quyền của trẻ em khuyết tật (Điều 23).
Tuy nhiên, đến thời điểm các năm 2004, 2005, Ủy ban quyền con người của Liên Hợp Quốc đã thông qua hai nghị quyết về quyền con người liên quan đến NKT, trong đó thúc giục các quốc gia ngăn ngừa và cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại những NKT, đồng thời thành lập Ủy ban lâm thời để soạn thảo một điều ước quốc tế về NKT.
Theo đó, kể từ 2007, Công ước Quốc tế về các quyền của Người Khuyết tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities- CRPD) được ban hành (chính thức có hiệu lực từ 2008) và thực thi vào đời sống thực tiễn của mọi xã hội, quốc gia trên thế giới, đã đem đến một đảm bảo pháp lý vững chắc, hiệu quả cho hàng triệu NKT trên toàn thế giới, bởi lẽ:
– Thông qua Công ước đã xây dựng hệ thống các khái niệm liên quan đến vấn đề khuyết tật trên cơ sở cách tiếp cận xã hội và tiếp cận dựa trên quyền là yếu tố tiên quyết khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của Công ước liên quan đến vấn đề khuyết tật và NKT được hiểu và áp dụng trong phạm vi toàn cầu như khuyết tật, phân biệt đối xử do bị khuyết tật, giao tiếp, ngôn ngữ, sự điều chỉnh hợp lý, thiết kế phổ cập.
– Đây là hiệp ước đầu tiên củng cố vị thế và quyền hợp pháp nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người, căn cứ theo Lời nói đầu về Mục đích của Công ước “…là thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ…”
– Thay đổi cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế, được thừa nhận tại điểm e trong Lời nói đầu của Công ước “… Thừa nhận rằng sự khuyết tật là một khái niệm luôn tiến triển và sự khuyết tật xuất phát từ sự tương tác giữa người có khuyết tật với những rào cản về môi trường và thái độ, những rào cản này phương hại đến sự tham gia đầy đủ và hữu hiệu của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác…”
– Thiết lập tám (08) nguyên tắc chủ đạo, mục đích để đặt ra yêu cầu với các quốc gia thành viên phải thực thi những biện pháp thích hợp để ngăn cấm mọi sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở khuyết tật, bảo vệ một cách hiệu quả những NKT khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử và thúc đẩy sự tự do phát triển của NKT được quy định tại Điều 3 Công ước.
– Xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền thông qua Điều 4 về Nghĩa vụ chung của Quốc gia “…
1. Thông qua các biện pháp lập pháp, hành pháp hoặc các biện pháp khác để thi hành các quyền được thừa nhận trong Công ước này;
2. Tiến hành mọi biện pháp thích hợp, trong đó có lập pháp, để sửa đổi hoặc hủy bỏ các luật, quy định, tập quán và thông lệ hiện hành có tính chất phân biệt đối xử đối với người khuyết tật;
3. Cân nhắc việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của người khuyết tật trong tất cả các chính sách và chương trình;
4. Không có bất kỳ hành vi hoặc thực tiễn nào trái với Công ước này và bảo đảm rằng mọi thể chế và cơ quan công quyền hành xử phù hợp với Công ước này…”
– Công ước một lần nữa đã khẳng định chắc chắn, rõ ràng các quyền và lợi ích của NKT đã được thiết lập từ Tuyên ngôn nhân quyền.
– Bảo vệ quyền của các nhóm người khuyết tật đặc thù như phụ nữ và trẻ em khuyết tật
– Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước và các chủ thể khác
2. Thể chế về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật:
Điều cần thiết phải làm đầu tiên là ghi nhận quyền được TGPL của NKT trong hiến pháp của một quốc gia và được đảm bảo thực thi bởi những thiết chế riêng. Lý giải cho sự ghi nhận này, trước hết đến từ quyền được TGPL là một dạng quyền thuộc quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm của con người được ghi nhận tại Điều 2 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 (UDHR)“Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”. Theo đó, mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia sẽ được quốc gia đó đảm bảo cho mọi vấn đề như tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm… mà không được viện lý do nào khác để trốn tránh trách nhiệm trong việc bảo quyền con người.
Ngoài ra, căn cứ theo hệ thống các quy phạm hiện hành đang điều chỉnh cho vấn đề này, có thể phân chia hệ thống quy phạm cho hoạt động này dựa theo tiêu chí liên quan đến “hiệu lực theo đối tượng chịu ràng buộc” như:
– Văn bản có tính ràng buộc trách nhiệm cao – không loại trừ trách nhiệm/nghĩa vụ cho các quốc gia có tham gia hay không
– Văn bản mang tính chất khuyến nghị
Theo đó, có nhiều văn kiện chính thức mang tính ràng buộc/trách nhiệm cao đối với các quốc gia thành viên như: Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR)1953; Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) 1966, Công ước Châu Mỹ về quyền con người (1969); Hiến chương Châu Phi về quyền con người và quyền dân tộc (1981); Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (2007); Tuyên bố về quyền của những người thiểu năng tâm thần, 1971 (Declaration on the Rights of Mentally Retarded Persons); Tuyên bố về quyền của những người tàn tật, 1975 (Declaration on the Rights of Disabled Persons); Các nguyên tắc về bảo vệ những người bị thiểu năng tâm thần và tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần, 1991 (Principles for the protection of persons with mental illness and the improvement of mental health care); Các quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng hóa các cơ hội cho người khuyết tật, 1993 (Standard Rules on the Equalization of Opportunities for Persons with Disabilities)…
Cụ thể như Công ước Châu Âu về quyền con người 1953 (ECHR) được áp dụng cho các quốc gia thành viên tại châu Âu, đã ban hành nhiều quy định Bổ trợ, hướng dẫn cho các văn kiện quốc tế chính thức và có tính ràng buộc cao, có thể liệt kê thêm một số các văn bản pháp lý không chính thức tuy nhiên “tính khả thi và bổ trợ” cực kỳ hữu ích như:
Tại Bình luận chung số 7 của Ủy ban quyền con người liên quan đến Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa quy định theo hướng đặt ra các tiêu chí nhằm chống lại sự “bỏ mặc, tắc trách” – đặt ra trách nhiệm của Nhà nước, căn cứ theo Điều 11 về quyền được có nhà ở phù hợp quy định:“…Việc bảo vệ theo thủ tục phù hợp và quy trình đúng đắn là những khía cạnh thiết yếu của mọi quyền con người nhưng đặc biệt cần thiết đối với vấn đề thu hồi nhà ở,… Ủy ban cho rằng các biện pháp bảo vệ về mặt thủ tục cần áp dụng liên quan tới vấn đề ép buộc thu hồi nhà ở bao gồm:… (h) cung cấp, nếu có thể, TGPL cho người có nhu cầu để yêu cầu
Tiếp nữa là trong Các nguyên tắc của Liên hợp quốc năm 1990 về vai trò của luật sư xác định “trách nhiệm xã hội đối với các chủ thể có khả năng tham gia hoạt động TGPL, không đơn thuần chỉ dựa trên nguồn lực duy nhất là Nhà nước phải phải thực hiện như:
“1. Mọi người đều có quyền nhận được sự giúp đỡ của luật sư mà họ lựa chọn để bảo vệ và chứng minh các quyền của họ và bào chữa cho họ trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự.
2. Các Chính phủ bảo đảm các quy trình tố tụng có hiệu lực và cơ chế thuận lợi cho việc tiếp cận luật sư có hiệu quả và bình đẳng được dành cho tất cả mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thuộc thẩm quyền xét xử mà không có bất kỳ sự phân biệt nào.
3. Các Chính phủ bảo bảo đảm cung cấp đầy đủ tài chính và các nguồn lực khác cho dịch vụ pháp lý dành cho người nghèo và người yếu thế khác nếu cần thiết. Các hiệp hội nghề nghiệp của Luật sư phối hợp trong việc tổ chức và cung cấp dịch vụ, các điều kiện thuận lợi và nguồn lực khác….. Tất cả người bị bắt, bị tạm giam hoặc phạm nhân sẽ có cơ hội, thời gian và các điều kiện thuận lợi để được gặp và trao đổi với luật sư không chậm trễ, không bị ngăn chặn hay kiểm duyệt và trong sự bảo mật đầy đủ. Việc trao đổi có thể bị giám sát nhưng không bị nghe lén bởi các cán bộ thực thi pháp luật.”
Đặc biệt là trong Tuyên bố Ky-ép năm 2007 về TGPL quy định thừa nhận và hỗ trợ quyền được TGPL trong hệ thống tư pháp – là một quyền và các chính phủ có nghĩa vụ thực hiện, giám sát chất lượng các chương trình TGPL bền vững mà việc TGPL không có sự phân biệt đối xử với tất cả mọi người. Các hình thức của TGPL, trách nhiệm của Nhà nước để hoạt động này được diễn ra một cách thông suốt hiệu quả và xác định vai trò, hiệu quả của hoạt động TGPL đối với cộng đồng, xã hội, Nhà nước…
Như vậy, thể chế bảo đảm quyền được TGPL của NKT là tổng thể các quy định liên quan đến việc ghi nhận, bảo vệ, thực thi và giám sát thực thi các quy định có liên quan, mối liên hệ giữa các quy định này và sự tác động của nó đến các thiết chế được trao thẩm quyền thực hiện các hoạt động trên nhằm đảm bảo quyền con người (QCN), quyền công dân (QCD) được thực thi trên thực tế theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời ngăn ngừa và xử lý những vi phạm từ phía từ các chủ thể, trong đó có chủ thể nhà nước.
3. Thiết chế về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật:
Để đảm bảo quyền được TGPL của NKT, ngoài các quy định về mặt nội dung như quyền, lợi ích và trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức có liên quan, thì quy định về mặt hình thức như cách thức tổ chức, vận hành cơ quan được giao trách nhiệm thực thi công vụ hay quy trình để thực hiện các hoạt động bảo đảm quyền được TGPL của NKT là điều không thể thiếu nhằm đảm bảo cho mục tiêu mà Nhà nước, cộng đồng và toàn thể thế giới đề ra.
Căn cứ theo văn bản có giá trị pháp lý có tính chất khuyến nghị và được thừa nhận rộng rãi bởi nhiều quốc gia, việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật đòi hỏi các quốc gia thành viên có trách nhiệm chỉ định một hoặc một số cơ quan nhà nước có trách nhiệm đặc thù về các vấn đề liên quan đến việc thi hành Công ước. Công ước không quy định cụ thể cho các quốc gia về việc thành lập, hoạt động của một cơ quan nào mà chỉ quy định tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội của mà mỗi quốc gia thành viên thiết lập một cơ quan có thẩm quyền tiến hành/chịu trách nhiệm cho các hoạt động liên quan. Tại Điều 4 Công ước quy định các nghĩa vụ đối với chủ thể có liên quan khi tiến hành hoạt động bảo đảm quyền được TGPL của NKT như:
– Rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật và chính sách hiện hành nhằm đảm bảo tuân thủ Công ước. Các chính sách bao gồm chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược quốc gia về người khuyết tật, chiến lược hòa nhập xã hội, cũng như các chiến lược/kế hoạch cấp bộ ngành nhằm thực thi quyền của NKT.
– Hỗ trợ kinh phí thực hiện chính phủ cần cấp ngân sách để thực thi luật pháp, chính sách về NKT. Cung cấp hàng hóa và dịch vụ có thể tiếp cận được.
– Nâng cao năng lực – Các quốc gia cần tiến hành mọi biện pháp phù hợp để đáp ứng các nghĩa vụ của họ theo Công ước.
– Nâng cao nhận thức – Người khuyết tật gặp nhiều rào cản do cộng đồng chưa nhận thức được quyền và năng lực của người khuyết tật. Do vậy nâng cao nhận thức là rất cần thiết.
– Đào tạo – Tập huấn về Công ước cho cán bộ chuyên môn như giáo viên, chuyên gia y tế là rất quan trọng trong việc hiện thực hóa quyền của người khuyết tật. Ví dụ giáo viên cần được trang bị kiến thức về giáo dục hòa nhập, chuyên gia y tế cần hiểu về cách tiếp cận xã hội/dựa trên quyền đối với NKT.
– Các hàng hóa và dịch vụ được cung cấp cần đảm bảo tiếp cận với người khuyết tật, từ đó giúp NKT thụ hưởng các quyền bình đẳng như những người khác. Các dịch vụ này bao gồm dịch vụ dành riêng cho NKT và dịch vụ dành cho tất cả mọi người mà NKT có thể tiếp cận và sử dụng.
– Thu thập dữ liệu – Là cần thiết để cung cấp thông tin và bằng chứng cho quá trình xây dựng luật pháp, chính sách thực thi Công ước. Các quốc gia cần thu thập dữ liệu về tình trạng của người khuyết tật, những rào cản mà họ gặp phải trong việc thụ hưởng quyền.
Vai trò và nghĩa vụ của khu vực tư nhân cũng được đề cập cụ thể trong các điều khoản sau: Điều 4, Tiếp cận, Di chuyển cá nhân, Tự do ngôn luận, Y tế, và việc làm. Ngoài khu vực tư nhân, Công ước cũng xác định vai trò của các bên có liên quan như: Điều 25 đề cập đến các chuyên gia y tế, Điều 12 nhắc đến người hỗ trợ NKT thực hiện năng lực pháp lý, Điều 19 đề cập đến người hỗ trợ sống độc lập, Điều 24 đề cập đến giáo viên.
Theo đó, quốc gia thành viên có trách nhiệm nộp báo cáo lần đầu, bao gồm nội dung về các biện pháp đã tiến hành và những kết quả đã đạt được theo khuyến cáo của Công ước, sau hai năm kể từ ngày gia nhập Công ước cho Ủy ban về quyền của người khuyết tật (Committee on the Rights of Persons with Disabilities – CRPD) – cơ quan giám sát việc thực hiện công ước. Kế theo đó là định kỳ bốn (04) năm một lần hoặc theo yêu cầu của Ủy ban thì quốc gia thành viên phải nộp báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất.