LUẬT
Lý lịch tư pháp
______
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật Lý lịch tư pháp
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về trình tự, thủ tục cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp; lập Lý lịch tư pháp; tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp; quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của
2. Thông tin lý lịch tư pháp về án tích là thông tin về cá nhân người bị kết án; tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí; ngày, tháng, năm tuyên án, Toà án đã tuyên bản án, số của bản án đã tuyên; tình trạng thi hành án.
3. Thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã là thông tin về cá nhân người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.
4. Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
5. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.
Điều 3. Mục đích quản lý lý lịch tư pháp
1. Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
2. Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
3. Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
4. Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý lý lịch tư pháp
1. Lý lịch tư pháp chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; quyết định của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản đã có hiệu lực pháp luật.
2. Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân.
3. Thông tin lý lịch tư pháp phải được cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý đầy đủ, chính xác theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin trong Phiếu lý lịch tư pháp.
Điều 5. Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp
1. Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam, Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
2. Người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.
3. Công dân Việt Nam, người nước ngoài bị Toà án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp
Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, chính xác, đúng trình tự, thủ tục cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
Điều 7. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp
1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
2. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 8. Các hành vi bị cấm
1. Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại dữ liệu lý lịch tư pháp.
2. Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sai sự thật.
3. Giả mạo giấy tờ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
4. Tẩy xoá, sửa chữa, giả mạo Phiếu lý lịch tư pháp.
5. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nội dung sai sự thật, trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.
6. Sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
2. Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
3. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp;
b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác lý lịch tư pháp;
c) Quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
d) Bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp;
e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;
g) Ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp;
h) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp;
i) Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực lý lịch tư pháp;
k) Định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp;
b) Bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương;
c) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;
d) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
đ) Định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương.
Điều 10. Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp
1. Cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp lệ phí.
2. Mức lệ phí, việc quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương II
TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP
Điều 11. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
1. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tập hợp các thông tin về án tích, tình trạng thi hành án; về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản được cập nhật và xử lý theo quy định của Luật này.
2. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng và quản lý tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp.
Chính phủ quy định cụ thể tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Điều 12. Nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
1. Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.
2. Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp.
3. Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Sở Tư pháp cung cấp.
4. Tiếp nhận Lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cung cấp.
5. Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp.
6. Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền.
7. Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.