Quan hệ lao động là một trong những quan hệ chính của con người, vì đa số các hoạt động chính của con người là lao động. Để điều chỉnh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, luật lao động đã ra đời. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những vấn đề cơ bản liên quan đến luật lao động.
Mục lục bài viết
1. Luật Lao động là gì?
Với vai trò là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì Luật Lao động là tổng hợp các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động và các quan hệ khác có liên quan tới quan hệ lao động như quan hệ việc làm, quan hệ bảo hiểm xã hội, quan hệ học nghề,…
Hệ thống pháp luật lao động hiện hành bao gồm các nội dung sau: Các quy định về phạm vi điều chỉnh và các nguyên tắc cơ bản của ngành luật; giải thích thuật ngữ; Quy định về việc làm; Quy định về
Luật lao động tiếng Anh là “Labor Code”.
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động:
Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động bao gồm
– Mối quan hệ lao động theo hợp đồng lao động giữa người lao động người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có thể là:
+ Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các hợp tác xã
+ Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
+ Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức quóc tế tại Việt Nam
+ Các gia đình, cá nhân sử dụng lao động ở Việt Nam
– Mối quan hệ giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động
– Quan hệ về việc làm giữa người lao động và các chủ thể khác như nhà nước, chủ sử dụng lao động, các tổ chức và cá nhân có liên quan.
– Quan hề về học nghề giữa người lao động và người sử dụng lao động quan hệ học nghề xã hội phát sinh giữa một người với cơ sở dạy nghề mà trong đó hai bên không có mục đích tuef trước tạo lập quan hệ lao động.
– Quan hệ giữa đại diện người sử dụng lao động với đại diện của những người lao động.
– Quan hệ về bồi thường thiệt hại trong quá trình lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.
– Quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động
– Quan hệ về đình công và giải quyết đình công giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.
– Quan hệ về quản lý lao động giữa Nhà nước và người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động.
3. Phương pháp điều chỉnh của Luật lao động:
3.1. Phương pháp thỏa thuận:
Đây là phương pháp điều chỉnh quan trọng của luật lao động, phương pháp này được sử dụng trong việc thiết lập quan hệ lao động qua việc thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động hay khi chấm dứt hợp đồng lao động; khi ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động… Ví dụ trong hợp đồng lao động, các bên được tự do thỏa thuận, thương lượng về nội dung hợp đồng như vấn đề việc tiền lương, vị trí việc làm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, quyền và nghĩa vụ của các bên,..
3.2. Phương pháp mệnh lệnh:
Nếu như trong một số ngành luật khác, phương pháp mệnh lệnh thể hiện quyền lực của Nhà nước với một bên chủ thể khác thì trong luật lao động, phương pháp mệnh lệnh được dùng để thể hiện quyền uy của người sử dụng lao động đối với người lao động trong khuôn khổ pháp luật quy định. Người sử dụng lao động tổ chức và quản lý lao động, xác định nghĩa vụ của người lao động, quy định quyền năng cho người sử dụng lao động như bố trí điều hành người lao động, khen thưởng, xử lý kỷ luật hay việc đặt ra những nội quy, quy chế lao động ;… khi đó người lao động bắt buộc phải chấp hành theo.
3.3. Phương pháp tác động xã hội:
Phương pháp tác động xã hội hay còn gọi là phương pháp thông qua các hoạt động Công đoàn tác động vào các quan hệ phát sinh trong quá trình lao động. Phương pháp tác động xã hội để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình lao động có ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người lao động phải có sự tham gia của tổ chức công đoàn- là đại diện của người lao động.
4. Nguyên tắc trong Luật lao động:
Nguyên tắc tự do lao động và tự do thuê mướn lao động
Người lao động có quyền làm việc cho bất kì người sử dụng lao động nào, bất kì nơi nào mà pháp luật không cấm, được tự do lựa chọn việc làm theo khả năng và nguyện vọng của mình, có thể tự mình lựa chọn hoặc thông qua các cơ sở, trung tâm dịch vụ việc làm để chọn việc làm. Pháp luật cũng không cấm người lao động có thể ký kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động với một hay nhiều người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, dù làm việc trong thành phần kinh tế khác nhau thì quyền lợi của người lao động như nhau, không có những ưu đãi khác nhau. Chế độ bảo hiểm xã hội cũng được thống nhất cho mọi người lao động tham gia quan hệ lao động. Người lao động cũng có quyền tự mình chấm dứt quan hệ lao động này để tham gia vào một quan hệ lao động khác theo trình tự, thủ tục luật định.
Người sử dụng lao động được tự mình quyết định tuyển người lao động vào thời gian nào, về số lượng lao động được tuyển, những điều kiện tuyển chọn, vị trí tuyển chọn, việc phỏng vấn, thi tuyển,… Người sử dụng lao động cũng tự quyết về mức lương sẽ trả, thời gian làm việc cho từng công việc,…
Nguyên tắc bảo vệ người lao động
Trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn tồn tại sự bất bình đẳng. Người lao động phải thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động trong bất kì hoàn cảnh nào, kể cả khi điều kiện lao động, môi trường làm việc dù không thuận lợi. Người sử dụng lao động có quyền quản lý và người sử dụng lao động có nghĩa vụ chấp hành. Từ những điều đó đặt ra yêu cầu phải bảo vệ người lao động.
Bảo vệ người lao động bao gồm bảo vệ việc làm cho người lao động, đảm bảo người lao động thực thực hiện đúng công việc đã thỏa thuận, trường hợp có sự thay đổi do điều động, chuyển việc,… thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Bảo vệ việc làm dài lâu và ổn định.
Bảo vệ thu nhập và đời sống cho người lao động. Thu nhập của người lao động được đảm bảo thông qua việc quy định về mức lương tối thiểu. Thỏa thuận về mức lương phải tương xứng với sức lao động của người lao động, căn cứ trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, … bên cạnh đó bảo vệ tiền lương cho lao động nữ, lao động là người khuyết tật, … Các trường hợp bị khất trừ lương thì mức trừ phải tuân theo pháp luật ở một tỷ lệ nhất định.
Trong quá trình lao động, người lao động được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tím. Người sử dụng lao động và các chủ thể khác phải tôn trọng và đối xử đúng đắn, kể cả khi người lao động vi phạm kỉ luật.
Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động là đảm bảo các quyền và lợi ích mà pháp luật đã quy định cho người sử dụng lao động được thực hiện, không bị các chủ thể khác xâm hại. Những quyền và lợi ích của luật thương mại được bảo vệ gồm:
– Được sở hữu tài sản hợp pháp trong và sau quá trình lao động, tự cho trong trả lương cho người lao động
-Được tuyển chọn, sử dụng, tăng giảm lao động theo nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp
– Được quản lý, điều hành lao động, ban hành nội quy và thực hiệc các chế độ khen thưởng, kỉ luật, chấm dứt hợp đồng đối với người lao động
– Phối hợp với tổ chức công đoàn trong quản lý lao động và kí kết thỏa ước lao động tập thể .
– Được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ nếu gặp khó khăn hoặc đủ các điều kiện khác
– Được đảm bảo bồi thường thiệt hại khi bị xâm hại lợi ích hợp pháp.
– Được tham gia tổ chức của giới sử dụng lao động theo quy định pháp luật.
– Được tôn trọng quyền và lợi ích.
Nguyên tắc bảo đảm và tôn trọng sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong lĩnh vực lao động
Thỏa thuận hợp pháp của các bên là những thỏa thuận hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện, không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội,… về quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình tham gia lao động và sử dụng lao động. Quyền tự do thỏa thuận của các bên đã được pháo luật lao động ghi nhận rộng rãi. Như quyền tự do việc làm, tự do thuê mướn lao động,.. Các bên có quyền thỏa thuận về nội dung quan hệ của mình khi xác lập quan hệ hoặc trong quá trình lao động có thể thỏa thuận lại. Thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại; thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp;….
Nguyên tắc kết hợp chính sách kinh tế và xã hội
Trong luật lao động, vừa có nội dung kinh tế như thu nhập, lợi nhuận,.. vùa có nội dung xã hội như việc làm, bảo đảm đời sống,… Nên luật lao động phải kết hợp hai chính sách kinh tế và xã hội để các chính sách bổ sung cho nhau, điều chỉnh hài hòa các mối quan hệ xã hội. Sự kết hợp này được thể hiện rõ nét trong chế định về việc làm, học nghề, bảo hộ lao động, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội,…
Nguyên tắc bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế
Việt Nam là thành viên của Tổ chức lao động quốc tế, nên có trách nhiệm thực hiện các quy định của tổ chức này trọng phạm vi điều kiện kinh tế- xã hội. Việc đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế được thể hiện thông qua việc luật hóa các quy định trong công ước quốc tế về lao động, các khuyến nghị mà phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: