Những thuật ngữ như luật kinh doanh, luật kinh tế khiến nhiều người khó phân biệt được với nhau. Do đó, để có thể hiểu đúng được nội hàm của những thuật ngữ này thì chúng ta cần tìm hiểu cả về định nghĩa, phạm vi, đặc điểm liên quan.
Mục lục bài viết
1. Luật kinh doanh là gì?
Ở Việt Nam, thuật ngữ ” Luật kinh doanh” hay “Pháp luật kinh doanh” được bàn đến vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, trong các đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học. Theo PGS.TS Lê Hồng Hạnh ” Luật kinh doanh điều chỉnh các quan hệ gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh “. Cũng theo PGS.TS Dương Đăng Huệ, pháp Luật kinh doanh nói một cách nôm na nhất là tổng hợp các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức hoạt động và giải thể doanh nghiệp. Nội dung của kinh doanh gồm bốn bộ phận cơ bản cấu thành là: pháp luật về các loại hình doanh nghiệp; pháp luật về hành vi kinh doanh; pháp luật về vỡ nợ, phá sản; pháp luật về cơ quan tài phán trong kinh doanh.
– Luật kinh doanh trong tiếng anh là Business law
– Định nghĩa Luật kinh doanh trong tiếng anh được hiểu là:
Business law is a combination of legal regulations promulgated by the State, regulating economic relations arising in the process of economic organization and management of the State and in the business process of business entities. joint together.
– Một số từ vựng chuyên ngành khác trong cùng lĩnh vực như:
2. Một số từ vựng liên quan đến luật kinh doanh trong tiếng Anh:
- Luật Hiến pháp (tiếng Anh là Constitutional Law)
Luật Thương mại (tiếng Anh là Commercial Law hay Law on Commerce)- Luật Hình sự (tiếng Anh là Criminal Law)
- Luật Dân sự (tiếng Anh là Civil Law)
- Luật Hành Chính (tiếng Anh là Administrative Law)
- Luật Sở hữu trí tuệ (tiếng Anh là Intellectual Property Law)
- Luật Đất đai (tiếng Anh là Law on Land)
- Luật Thuế (tiếng Anh là Tax Law)
- Luật Thương mại quốc tế (tiếng A nh là International Trade Law)
- Bộ Luật (tiếng Anh là Code (of Law))
- Dự thảo luật (tiếng Anh là bill hay proposition)
- Thông qua luật (tiếng Anh là to pass/to enact a law)
- Ban hành luật (tiếng Anh là to pass/to approve a law)
3. Luật kinh doanh và luật kinh tế có giống nhau không?
Thứ nhất, về khái niệm luật kinh tế
– Theo quan điểm trước đây Luật kinh tế là ngành luật riêng biệt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luật kinh tế được hiểu là ngành luật trong hệ thống pháp luật việt nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình quản lý kinh tế và trong quá trình kinh doanh giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế với các tổ chức kinh tế XHCN hoặc giữa các tổ chức này với nhau nhằm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch do Nhà nước giao.
– Trong hoạt động kinh tế hiện nay, chủ thể kinh doanh không chỉ là các tổ chức kinh tế XHCN mà có nhiều chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác cùng tham gia kinh doanh bình đẳng. Các chủ thể kinh doanh được tự do chọn lựa ngành nghề kinh doanh nhằm mục tiêu kiếm lời trong sự quản lý của Nhà nước về kinh tế nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội theo định hướng của Nhà nước.
– Do đó vai trò điều chỉnh của luật kinh tế đối với các hoạt động kinh tế hiện nay có nội dung nhấn mạnh đến các quan hệ kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh khác nhau trong nền kinh tế thị trường, nên có quan điểm gọi luật kinh tế là luật kinh doanh.
– Vì vậy khái niệm luật kinh tế ngày nay: là ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Thứ hai, về đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật kinh tế
– Về đối tượng điều chỉnh:
Mỗi ngành luật có đối tượng điều chỉnh riêng, đối tượng điều chỉnh của luật kinh tế là những quan hệ kinh tế chịu sự tác động của luật, bao gồm các nhóm quan hệ sau đây:
+ Nhóm quan hệ phát sinh giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về kinh tế với các chủ thể kinh tế: Nhóm quan hệ này thể hiện sự quản lý kinh tế của Nhà nước, khi các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Các chủ thể trong mối quan hệ này không bình đẳng về mặt pháp lý, các chủ thể bị quản lý phải phục tùng mệnh lệnh, ý chí của cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế.
+ Nhóm quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau: Nhóm quan hệ này phát sinh trong quá trình các chủ thể kinh doanh thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận. Chủ thể của nhóm quan hệ này chủ yếu là các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tự nguyên không bị áp đặt. Đây là nhóm quan hệ chủ yếu và phổ biến nhất trong các quan hệ kinh tế.
+ Nhóm quan hệ kinh tế phát sinh trong nội bộ các đơn vị: Các chủ thể kinh doanh khi tham gia kinh doanh hình thành nên các đơn vị kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau như các loại hình doanh nghiệp công ty, doanh nghiệp tư nhân…, Trong quá trình hoạt động kinh doanh các cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn tạo nên các doanh nghiệp, bản thân các thành viên trong doanh nghiệp có thể mâu thuẩn quyền lợi, nghĩa vụ hoặc mâu thuẩn giữa thành viên với doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp cần sự điều chỉnh của luật.
– Về phương pháp điều chỉnh:
Phương pháp điều chỉnh của luật kinh tế là phương pháp mệnh lệnh và phương pháp thỏa thuận bình đẳng.
+ Phương pháp mệnh lệnh: Phương pháp mệnh lệnh được sử dụng chủ yếu để điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các chủ thể kinh doanh. Trong mối quan hệ này cơ quan nhà nước có quyền đưa ra các quy định buộc các chủ thể kinh doanh phải tuân theo. Cách thức tác động của luật cho thấy vị trí bất bình đẳng giữa bên quản lý và bên bị quản lý, bên bị quản lý buộc phải thực hiện ý chí của cơ quan quản lý đã thể hiện tính chất phục tùng mệnh lệnh.
+ Phương pháp thỏa thuận bình đẳng: Phương pháp thỏa thuận bình đẳng được sử dụng điều chỉnh các nhóm quan hệ kinh tế phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh hoặc quan hệ phát sinh trong nội bộ đơn vị kinh doanh. Trong các quan hệ này, luật tác động cho phép các chủ thể khi tham gia vào quá trình kinh doanh có quyền bình đẳng thỏa thuận với đối tác những vấn đề mà các chủ thể quan tâm để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết của các chủ thể kinh doanh trong môi trường kinh doanh.
Thứ ba, về chủ thể của luật kinh tế
Chủ thể của luật kinh tế là những cá nhân và tổ chức có đủ điều kiện luật định để tham gia vào quan hệ kinh doanh, bao gồm:
– Cá nhân: Là những con người cụ thể. Cá nhân muốn trở thành chủ thể của luật kinh doanh phải hội đủ các điều kiện sau:
• Có năng lực hành vi dân sự
• Không thuộc trường hợp bị hạn chế kinh doanh hay cấm kinh doanh
• Đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật
– Tổ chức: Là tập hợp bao gồm các cá nhân hoặc cá nhân và tổ chức hay các tổ chức liên kết hình thành tổ chức mới nhằm thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào tính chất của tổ chức, luật pháp phân chia tổ chức thành hai loại: tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân.
– Pháp nhân: Là tổ chức có đầy đủ các điều kiện luật định tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách chủ thể quan hệ pháp luật. Để được công nhận là một pháp nhân, theo Bộ luật dân sự, tổ chức phải có đủ các điều kiện sau:
• Được thành lập hợp pháp
• Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
• Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó
• Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật độc lập
Trong lĩnh vực kinh doanh, pháp nhân tham gia vào các quan hệ kinh doanh được gọi là pháp nhân kinh tế. Khi tham gia vào các quan hệ kinh doanh, hành vi của pháp nhân kinh tế được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân.
– Tổ chức không là pháp nhân: Là những tổ chức không đáp ứng đủ các điều kiện tại Bộ luật dân sự. Trong lĩnh vực kinh doanh, tổ chức không có tư cách pháp nhân được phép tham gia vào các quan hệ kinh doanh theo quy định pháp luật, thực hiện các hoạt động kinh doanh thông qua người đại diện hợp pháp của tổ chức.
– Hộ gia đình kinh doanh: Hộ gia đình kinh doanh thực hiện các hoạt động kinh doanh dưới hình thức pháp lý là Hộ kinh doanh cá thể, bao gồm các thành viên trong gia đình góp tài sản, công sức để hoạt động kinh tế chung trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh do pháp luật quy định. Khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, Hộ gia đình kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của cả Hộ, bao gồm cả tài sản riêng của các thành viên trong hộ gia đình kinh doanh nếu tài sản của Hộ gia đình không giải quyết hết các khoản nợ đối với các chủ nợ.
Trong quá trình quản lý xã hội, luật kinh tế là công cụ quản lý kinh tế quan trọng của Nhà nước. Thực hiện chính sách, chủ trương cải cách và chủ trương đổi mới kinh tế của Đảng, Luật kinh doanh đã ghi nhận và thể chế hóa các chính sách, chủ trương của Đảng thành các quy định pháp luật, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường như mong muốn của Đảng và Nhà nước.
Tóm lại, với những trình bày trên đây chúng ta có thể thấy, ở phương diện nào đó, luật kinh tế và luật kinh doanh được sử dụng như những khái niệm cùng loại – đều là ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh tế, thương mại hoặc kinh doanh tại quốc gia nào đó, trong giai đoạn lịch sử nào đó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách thức và mức độ can thiệp của nhà nước vào hoạt động nói trên mà trong nội dung của chúng cũng có những điểm khác nhau.