Có thể nói, điều kiện sống của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có nhiều khó khăn, hầu hết các em sống trong các gia đình nghèo của xã hội, bỏ học sớm để lao động kiếm sống và trình độ học vấn rất thấp. Vì vậy, pháp luật hiện nay ghi nhận như thế nào về vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt?
Mục lục bài viết
1. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
1.1. Khái quát chung về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2018, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là khái niệm dùng để chỉ những trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (viết tắt là UNICEF), trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là một khái niệm dùng cho các em sống trong một hoàn cảnh, vì một lý do nào đó mà việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của các em bị hạn chế. Từ định nghĩa trên ta có thể thấy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có những đặc điểm sau:
– Thể chất và tinh thần không bình thường (đó là đối với các trẻ em có khuyết tật về thể chất, tinh thần);
– Không đủ điều kiện thực hiện quyền cơ bản và hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Hiện nay, có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng theo quan điểm chung nhất hiện nay là căn cứ vào hoàn cảnh của trẻ em ở Việt Nam nên tại điều 40 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2018 có quy định về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi. Việc xếp trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi vào một nhóm là vì các nhóm trẻ em này có chung một số đặc điểm như không có bố mẹ hoặc vì lý do nào đó không được sống cùng bố mẹ như: bố mẹ phải chấp hành hình phạt tù trong một khoảng thời gian dài, bố mẹ đi nước ngoài không có thông tin liên lạc, bó chết trong tại mẹ nạn, bệnh tật, chết trong thiên tai, chiến tranh hay mất tích trong các vụ thiên tai, lũ lụt, hay bố mẹ vì lý do nào đó không nuôi dưỡng chúng, vứt bỏ chúng, hoặc bị thất lạc …
Thứ hai, trẻ em khuyết tật. Có thể thấy trẻ em khuyết tật cũng được coi là người khuyết tật nhưng hẹp hơn khái niệm về người khuyết tật vì bị giới hạn ở độ tuổi dưới 16 và được coi là đối tượng thiệt thòi nhất trong số những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nguyên nhân dẫn đến trẻ khuyết tật có thể do bẩm sinh, do ốm đau bệnh tật, do tai nạn, do mìn/vật gây nổ hoặc nhiễm các chất hóa học … Trẻ khuyết tật thường được phân thành các nhóm sau: trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khó khăn về học, trẻ khó khăn về vận động, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác.
Thứ ba, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học. Là trẻ em bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh do di chứng di truyền từ bố mẹ bị nhiễm chất độc hóa học hoặc bị tiếp xúc với chất độc hóa học gây ra những tổn hại nặng nề về sức khỏe, tinh thần.
Ngoài ra, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn có thể bao gồm: Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật.
1.2. Các chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Các chính sách của nhà nước đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, được quy định tại mục 2 Chương II của Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, chính sách chăm sóc sức khỏe trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
– Nhà nước tiến hành các hoạt động trợ giúp trong việc đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
– Nhà nước tiến hành các hoạt động trợ giúp trong việc chi trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
– Ngoài ra thì các đối tượng được xác định là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định hiện nay sẽ được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, chính sách trợ giúp xã hội trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
– Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; hỗ trợ chi phí mai táng và chế độ trợ cấp, trợ giúp khác cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội;
– Nhà nước hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ tiền ở, lo các kinh phí cần thiết khác, và hỗ trợ tiền đi lại theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được bảo vệ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp: Các đối tượng được xác định là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (vấn đề này tại Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có quy định 19 đối tượng được miễn học phí, trong đó bao gồm các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt).
Thứ tư, chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác:
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tư vấn, bên cạnh đí thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đượ trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác theo quy định tại Điều 48, Điều 49 và Điều 50 Luật Trẻ em năm 2018.
2. Các trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Các trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại Điều 8 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, theo đó, pháp luật quy định các trường hợp như sau:
Thứ nhất, trẻ em vi phạm pháp luật đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; đang bị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.
Thứ hai, trẻ em vi phạm pháp luật chưa xác định được nơi cư trú ổn định đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội. Nơi cư trú là địa điểm khu vực thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú, hoặc chính nơi mà cá nhân tạm trú và có đăng ký tạm trú, làm sổ tạm trú. Nơi cư trú của trẻ em là nơi cư trú của cha, mẹ. Nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thù nơi cư trú của trẻ em là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà trẻ em thường sinh sống. Chưa xác định được nơi cư trú ổn định khi không xác định được cha, mẹ của trẻ em.
Thứ ba, trẻ em vi phạm pháp luật đang bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng; đang bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo.
Thứ tư, trẻ em chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn hoặc chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Như vậy thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khi chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn hoặc chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
3. Một số yếu tố tác động đến việc đảm bảo quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Thứ nhất, yếu tố kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế thị trường dẫn đến một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng là cơ sở kinh tế tốt bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em. Nhưng bên cạnh đó, một bộ phận dân cư có mức thu nhập thấp dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo và mức sống chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền. Khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới trong những năm gần đây đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Điều đó đã có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội mà trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Tình trạng mua bán, bắt cóc trẻ em; lạm dụng hoặc bóc lột sức lao động của trẻ em; sử dụng trẻ em vào hoạt động mại dâm, ma túy … trong những năm gần đây gia tăng đã phần nào chứng minh điều đó. Đồng thời, Việt Nam là nước có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhiều thiên tai nên trẻ em ở vùng có nhiều thiên tai, đặc biệt là vùng biển thường dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng đặc biệt như: mồ côi, phải lao động sớm, bị lạm dụng, bị mua bán … Bên cạnh đó, nhận thức về quyền trẻ em và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của một bộ phận cha mẹ, giáo viên, công dân và cán bộ làm công tác về trẻ em chưa tốt. Sự thay đổi quan niệm về đạo đức, sự buông thả của một bộ phận dân cư về lối sống vị kỷ đã làm tha hóa các mối quan hệ gia đình và xã hội. Các vấn đề đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm quyền trẻ em như: tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bị bạo lực, bị thất học, bị tai nạn thương tích, bị xâm phạm tình dục, bị bóc lột sức lao động, bị bắt cóc, bị mua bán, bị chiếm đoạt, trẻ em vi phạm pháp luật… kể cả trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng gia tăng. Các vấn đề trên đây còn là yếu tố khiến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Thứ hai, chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có tác động rất lớn đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và việc thực hiện của các em.
Thứ ba, phong tục tập quán. Sự tác động của phong tục tập quán đến quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là rất lớn. Những phong tục, tập quán tiến bộ góp phần tích cực vào việc bảo đảm các quyền cơ bản của các em. Những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời chính là yếu tố ảnh hưởng xấu đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và việc bảo đảm các quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn, tập quán du canh, du cư của một bộ phận dân cư đã dẫn đến tình trạng trẻ em không có nơi sinh sống ổn định, khó khăn trong việc đi học, chăm sóc sức khỏe cũng như thụ hưởng các thành quả phát triển của xã hội. Vùng dân cư ven biển hoặc ven sông thường sống trên thuyền, bè nên trẻ em không được đi học cũng chiếm một tỷ lệ cao. Phong tục lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 13, 16 (phong tục của thời kỳ phong kiến “nữ thập tam, nam thập lục”) của các dân tộc thiểu số cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyền của trẻ em: cơ hội học tập bị mất, phải lao động sớm, gánh vác gia đình, các em gái mang thai, nuôi con nhỏ … ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về thể chất của trẻ em hoặc trẻ em mắc bệnh thì chữa bệnh bằng việc thờ cúng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2018;
– Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.